2 tháng sau lễ khởi công, dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên (dự án Cao tốc Bắc - Nam) gặp nhiều khó khăn, tập trung ở công tác giải phóng mặt bằng và giá vật liệu xây dựng. Vì vậy, các địa phương và ngành chức năng phải quyết liệt vào cuộc.
Khó thi công vì mặt bằng xôi đỗ
Theo Sở GT-VT, dự án Cao tốc Bắc - Nam có tổng diện tích đất sử dụng khoảng 727ha, chiều dài tuyến 90,122km. Đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng 629ha, tương đương 73,5km, đạt 81,5%. Trên thực tế, phạm vi mặt bằng bàn giao chỉ tổ chức thi công được hơn 35km, đạt 39,1%, do mặt bằng xôi đỗ, không liên tục do vướng các công trình hạ tầng kỹ thuật, mồ mả… Một số diện tích bị người dân cản trở thi công do còn tranh chấp hoặc chưa nhận tiền đền bù; số khác là đất do người dân khai hoang, nhưng chưa đầy đủ thủ tục pháp lý để bồi thường…
Ông Nguyễn Đức Phương, Chỉ huy trưởng Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, đại diện liên doanh các nhà thầu thực hiện Dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong, cho biết: Khó khăn lớn nhất của nhà thầu là công tác giải phóng mặt bằng. Hiện nay, phần diện tích được bàn giao mặc dù đạt khối lượng tương đối lớn, nhưng lại không liên tục; các vị trí đường tiếp cận không thể thi công do vướng vào những hộ dân không đồng thuận. Gần 2 tháng nay, mặc dù đã tập kết nhiều trang thiết bị, máy móc, nhân lực trên công trường, nhưng các đơn vị thi công vẫn loay hoay với hoạt động phát quang, bóc hữu cơ, xây dựng lán trại... “Để đẩy nhanh tiến độ, đơn vị đề xuất các địa phương ưu tiên giải phóng mặt bằng đường công vụ và các vị trí nút tiếp cận để tập trung tập kết nguyên vật liệu, đưa máy móc thiết bị vào triển khai nhanh các hạng mục trọng điểm, đòi hỏi nhiều thời gian như hầm, cầu…”, ông Phương nói.
Trong khi đó, theo đại diện các nhà thầu thực hiện gói thầu XL-12 và XL-13 (Dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh), tại 2 gói thầu này, vật liệu chủ yếu được tận dụng từ phần đào chuyển sang đắp (không được vận chuyển đi nơi khác) thông qua đường công vụ. Do vậy, việc giải phóng mặt bằng cần được thực hiện đồng bộ, liên tục thì mới có thể triển khai. Tuy nhiên, mặt bằng khu vực này được bàn giao ngắt quãng, không liên tục nên thi công rất khó khăn. Riêng với gói thầu XL-13, có công trình cầu Kỳ Lộ, là hạng mục cầu lớn nhất tuyến, nhưng khu vực này có địa hình, địa chất phức tạp và ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, thủy văn; nếu không giải tỏa mặt bằng sớm thì sẽ là một nút thắt rất lớn đối với dự án.
Ngoài ra, đối với 12 khu tái định cư phục vụ dự án Cao tốc Bắc - Nam, đến nay chỉ có huyện Phú Hòa đang thi công 2 khu; 10 khu còn lại vẫn đang trong giai đoạn hoàn tất các thủ tục để thi công trong tháng 3 và dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2023. Tuy nhiên, nếu các khu tái định cư không được bố trí kịp thời thì rất khó hoàn thành việc bàn giao, giải phóng mặt bằng trước 30/6/2023 như dự kiến. Do vậy, địa phương phải tính đến phương án tạm cư để đảm bảo tiến độ đề ra.
Đại diện chủ đầu tư và các nhà thầu khảo sát vị trí làm đường công vụ để thi công công trình hầm tại huyện Tuy An, thuộc dự án Cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: NGÔ XUÂN |
Kiểm soát giá vật liệu xây dựng
Theo Sở GT-VT, tổng nhu cầu vật liệu của 2 dự án thành phần thuộc dự án Cao tốc Bắc - Nam cần khoảng 2,5 triệu m3 đá; 2,1 triệu m3 cát và 7 triệu m3 đất đắp. Tỉnh Phú Yên cũng gợi ý 41 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, gồm 28 mỏ trong quy hoạch và 13 mỏ đã cấp phép khai thác còn hiệu lực; 56 vị trí bãi thải để các chủ đầu tư lựa chọn. Tuy nhiên, với 13 mỏ đã cấp phép, quy mô khai thác khoảng 10.000m3/năm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu dự án.
Theo ông Nguyễn Đức Phương, qua khảo sát sơ bộ, giá vật liệu xây dựng tại Phú Yên cao hơn giá dự toán rất nhiều, và cũng cao hơn các tỉnh lân cận; công suất khai thác lại rất hạn chế. Trong khi đó, khối lượng cần sử dụng cho công trình này lại rất lớn, yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, cấp phép các mỏ mới để đáp ứng nhu cầu vật liệu của các nhà thầu.
Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian qua, các nhà thầu cũng như dư luận xã hội đã nhiều lần phản ánh tình trạng giá mua vật liệu thực tế bị chủ mỏ ém hàng, ép giá; yêu cầu các ngành chức năng của Phú Yên chủ động kiểm tra, làm việc cụ thể với các chủ mỏ, thống nhất giá niêm yết, khối lượng cụ thể để ký hợp đồng cung ứng. Chủ mỏ nào không chấp thuận thì cần có biện pháp mạnh để xử lý, thậm chí thu hồi giấy phép.
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc
Tại buổi làm việc với Bộ GT-VT về việc triển khai dự án Cao tốc Bắc - Nam, đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Thời gian qua, Phú Yên đã huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc nhằm quyết liệt triển khai dự án Cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, tiến độ triển khai vẫn còn chậm, vì đây là lần đầu tiên Phú Yên triển khai một dự án có quy mô lớn, quan trọng, mang tầm quốc gia.
Ông Cao Đình Huy, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, cho biết: Xác định tầm quan trọng của dự án, địa phương đã ưu tiên mọi nguồn lực triển khai thực hiện dự án Cao tốc Bắc - Nam; thành lập tổ tuyên truyền, vận động để người dân ủng hộ chủ trương xây dựng đường cao tốc. Đến nay, địa phương đã bàn giao 92% mặt bằng; giải ngân, chi trả cho người dân 96 tỉ đồng, đạt 72%. Tất cả các bước được triển khai nhanh chóng, chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi cho Nhân dân cũng như tiến độ của dự án.
Theo ông Huỳnh Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, địa bàn huyện thuộc cả hai dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh và Chí Thạnh - Vân Phong, với tổng chiều dài 24,4km; tỉ lệ bàn giao mặt bằng đạt khoảng 81%. Với những vị trí vướng mắc, địa phương sẵn sàng phối hợp với các nhà thầu để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án. Đối với các vị trí trọng yếu như đoạn qua cầu Kỳ Lộ và 2 đầu nam - bắc hầm, địa phương đang nỗ lực vận động người dân, đến giữa tháng 3 sẽ bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: Bộ GT-VT đang thúc ép nhà thầu phải bố trí máy móc thiết bị, tăng cường ca kíp, mũi thi công, nhưng nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu xây dựng thì mọi việc sẽ đình trệ; không thể có khối lượng và cũng không thể giải ngân. Do vậy, các ban quản lý dự án và các nhà thầu cần nhanh chóng tổng hợp, báo cáo các vị trí mặt bằng còn vướng để các địa phương, sở, ngành liên quan lên phương án giải tỏa sớm nhất; khẩn trương triển khai các khu tái định cư, giải quyết di dời hạ tầng kỹ thuật; bảo đảm chất lượng của các khu tái định cư để người dân yên tâm và sẵn sàng về nơi ở mới.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, đồng chí Tạ Anh Tuấn cho biết: Tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt và chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp tích cực, hiệu quả với ban quản lý dự án và các nhà thầu để tháo gỡ mọi khó khăn, thúc đẩy tiến độ dự án. Tỉnh sẽ giao các ngành chức năng lập đoàn khảo sát giá vật liệu xây dựng; tổ chức thanh tra và quản lý giá đối với các mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Lực lượng chức năng sẽ vào cuộc, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm, lợi dụng dự án trọng điểm quốc gia trục lợi bất chính.
Đây là dự án trọng điểm quốc gia, các địa phương đều được hưởng lợi trực tiếp sau khi dự án hoàn thành. Vì vậy, các địa phương phải cộng đồng trách nhiệm, hỗ trợ tích cực, hiệu quả để dự án về đích đạt tiến độ và chất lượng. Không cho phép ai tư lợi, trục lợi đối với dự án này.
Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thắng |
NGÔ XUÂN