Lạm phát và suy thoái kinh tế khiến đơn hàng xuất khẩu giảm trầm trọng. Các doanh nghiệp đang tranh thủ nguồn lực, chủ động chuyển hướng kế hoạch sản xuất, kinh doanh để ứng phó với tình trạng hiện tại, chờ cơ hội bứt phá trong những tháng tiếp theo.
Đơn hàng sụt giảm
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đơn hàng các tháng đầu năm 2023 của nhiều doanh nghiệp giảm khá mạnh, mức giảm bình quân 25-27%. Đặc biệt, với doanh nghiệp làm hàng gia công, sự suy giảm này càng nặng hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải chịu áp lực từ lãi suất ngân hàng tăng, mua nguyên phụ liệu và tỉ giá chênh lệch. Hiện tại, khi doanh nghiệp đã tuyển đủ lao động cho sản xuất thì việc giảm chi tiêu của các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… lại khiến cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu chững lại.
Bà Huỳnh Thị Khiết, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP An Hưng, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất rất thuận lợi, đơn hàng khá nhộn nhịp. Đến cuối năm, tình hình kinh tế thế giới suy thoái, đơn hàng giảm. Hiện đơn hàng quý I năm nay vẫn chưa khởi sắc. Trong tháng 4, 5, khách hàng chỉ mới đăng ký năng lực với công ty.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư quốc tế Phong Phú - Phú Yên, thị trường đơn hàng của công ty đầu năm nay khá ảm đạm. Nguyên nhân là do xu thế thời trang thế giới thay đổi. Ví dụ như xu hướng khách hàng trước đây thiên về quần, jacket thì nay chuyển sang váy. Chất liệu vải cũng thay đổi so với trước và nhiều biến động với các loại dày, mỏng khác nhau. Công ty vẫn phải cần thời gian để xoay chuyển phù hợp với thị trường.
Không chỉ ngành dệt may, tình hình xuất khẩu đồ gỗ cũng đang có dấu hiệu giảm ở một số thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và dự báo việc xuất khẩu gỗ sẽ gặp không ít thách thức trong thời gian tới. Theo đại diện các doanh nghiệp này, ngành gỗ cả nước nói chung và Phú Yên nói riêng phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi như thiếu hụt trầm trọng gỗ nguyên liệu sản xuất, phụ kiện; lạm phát tăng cao do hậu quả dịch COVID-19, đặc biệt là việc xuất khẩu vào các thị trường truyền thống đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính do đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế cộng với lạm phát tăng cao kỷ lục tại nhiều nước trên thế giới; giá cước tàu biển, container quá cao đã khiến lượng đơn hàng của khách hàng nước ngoài thường triển khai vào tháng 3 hàng năm, nhưng đến nay vẫn chưa có.
Chủ động ứng phó
Để ứng phó với những khó khăn trong xuất khẩu, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ đang tìm cách xoay xở quay về thị trường nội địa hoặc chuyển hướng sang một số thị trường mới để duy trì sản xuất, kinh doanh. Điển hình như tại Công ty TNHH Hào Hưng (Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu) thay vì sản xuất gỗ hộp, doanh nghiệp chuyển sang chế biến thêm mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu.
Nhu cầu về chất đốt từ các thị trường Nga, châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc đang khiến nhu cầu mặt hàng dăm gỗ và viên nén gỗ tăng lên từ cuối năm 2022 đến nay. Ông Lê Sĩ Hồ, Giám đốc Công ty TNHH Hào Hưng, cho biết: Thị trường viên nén gỗ đang tăng trưởng khá nhanh và hàng sản xuất ra gần như không tồn kho. Trong tháng 1/2023, công ty xuất trên 10.000 tấn gỗ dăm, tương đương khoảng 15 tỉ đồng. Hiện doanh nghiệp đang tập trung sản xuất mặt hàng này để cung cấp cho đối tác với số lượng không giới hạn. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể ổn định được tình hình sản xuất, kinh doanh.
Công ty CP Đầu tư quốc tế Phong Phú - Phú Yên cũng đang tự đổi mới để đáp ứng xu thế mới của thị trường. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, xác định năm 2023 còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp đã quán triệt nhiệm vụ trọng tâm là giữ vững doanh nghiệp vượt qua thách thức, phát triển bền vững. Công ty phải linh hoạt sản xuất, tìm cách chuyển đổi từ máy móc đến tay nghề công nhân để đáp ứng các đơn hàng mới.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp thủy sản đều đang kỳ vọng nhu cầu thị trường sẽ được cải thiện và xuất khẩu thủy sản quay lại đà tăng trưởng từ quý II/2023. Theo kịch bản khả quan đó, xuất khẩu thủy sản năm 2023 có thể mang về 10 tỉ USD. Để hướng tới mục tiêu đó, thời điểm này, doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo năng lực tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ phục hồi có thể đáp ứng ngay.
Theo ông Nguyễn Hưng Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hưng, một doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu, bên cạnh các đơn hàng trong nước thì các sản phẩm của công ty cũng đang được xuất đi nhiều nước trên thế giới như Ai Cập, Đài Loan và gần đây nhất là thị trường châu Âu. Doanh nghiệp chủ động trong vấn đề nguyên liệu, linh hoạt chuyển đổi quy trình và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm kịp thời; đầu tư chế biến sâu, đa dạng thị trường, ổn định việc làm cho người lao động để sẵn sàng cho các đơn hàng mới.
Giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch vẫn còn khá gian nan. Tuy nhiên, đây cũng là phép thử để tạo sức đề kháng cho các doanh nghiệp. Với những tiềm lực có sẵn và những cơ hội mới, doanh nghiệp sẽ chủ động đón đầu xu hướng phục hồi của thị trường trong những tháng đầu năm, ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành tốt mục tiêu, kế hoạch kinh doanh đề ra.
Ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KH-ĐT |
NHƯ THANH