Thực hiện chủ trương xây dựng khu dân cư nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực cải tạo vườn tạp, xây dựng các vườn mẫu đem lại giá trị kinh tế cao. Đây là giải pháp hiệu quả nhằm nâng tầm chất lượng xây dựng NTM, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân, tạo cảnh quan khu vực nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Cải tạo vườn tạp thành vườn mẫu
Ghé thăm khu vườn mẫu của gia đình anh Lưu Công Hải ở thôn Phú Phong, xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là khu vườn được quy hoạch khá khoa học, hàng lối thẳng tắp và xanh mướt các loại rau xanh. Theo anh Hải, trước đây, hơn 1.000m2 đất vườn của gia đình anh thường bỏ hoang, chủ yếu trồng cỏ nuôi bò. Năm 2018, được UBND xã vận động và hỗ trợ 20 triệu đồng để cải tạo vườn tạp, gia đình anh đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, trồng rau và các loại cây leo giàn như bầu, bí, mướp, dưa leo… theo mô hình vườn mẫu đáp ứng 5 tiêu chí: quy hoạch và thực hiện quy hoạch; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; sản phẩm từ vườn; cảnh quan, môi trường và thu nhập.
“Sau thời gian vừa trồng vừa rút kinh nghiệm, tích lũy kỹ thuật cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm, mô hình vườn mẫu trồng rau hữu cơ của gia đình tôi cho sản lượng cao, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, tin tưởng sử dụng. Ước tính bình quân mỗi vụ (trồng từ 2-3 tháng), lợi nhuận hơn 30 triệu đồng”, anh Hải phấn khởi nói.
Được công nhận là vườn mẫu năm 2021, khu vườn rộng hơn 5ha của anh Ngô Quốc Dũng ở thôn Ngọc Sơn, xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) thu hút ngày càng nhiều người đến tham quan, học tập mô hình. Anh Dũng chia sẻ, trước đây anh làm thợ điện, nhưng vì đam mê với nông nghiệp nên đã chuyển hướng sang làm kinh tế vườn. Từ khu vườn tạp, năm 2015, anh cải tạo trồng mít thái, mãng cầu… Sản phẩm trái cây thu hoạch tại vườn được thương lái thu mua bán ở các chợ, siêu thị trong tỉnh. Tuy nhiên, do thị trường nông sản thời điểm đó bấp bênh, khó tiêu thụ nên anh quyết tâm tìm hướng đi mới.
“Năm 2017, sau khi đi tham quan học tập kinh nghiệm ở miền Tây, tôi về quy hoạch lại vườn cây của gia đình, trồng thêm nhiều loại cây ăn trái. Với lợi thế có dòng suối tự nhiên chảy qua vườn, tôi đào thêm một ao để tích trữ nước tưới cho cây trồng mùa khô. Đến nay, vườn mẫu của tôi đã phát triển được trên 10 loại cây ăn trái có giá trị cao như mít, mãng cầu, bơ, cam, bưởi, dừa, đu đủ… Nhiều người tìm đến tham quan, thưởng thức trái cây tại vườn ngày càng nhiều, mỗi năm gia đình tôi thu nhập từ kinh doanh vườn mẫu hơn 500 triệu đồng”, anh Dũng nói.
Nhân rộng mô hình
Theo ông Hồ Văn Nhân, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay, toàn tỉnh đã có 15 vườn được công nhận vườn mẫu NTM. Những mô hình vườn mẫu được thiết kế và trồng theo quy hoạch từng bước mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, từ các mô hình vườn mẫu, nhiều chủ vườn đã có cách làm sáng tạo, khai thác thế mạnh từ vườn để từng bước nâng cao đời sống kinh tế gia đình.
Tại huyện Phú Hòa, UBND huyện đã triển khai kế hoạch xây dựng thôn/khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu NTM giai đoạn 2023-2025. Trước mắt, trong năm 2023, huyện xây dựng thêm 2 thôn/khu dân cư NTM kiểu mẫu và 7 vườn mẫu NTM đạt chuẩn theo quy định. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa Nguyễn Ngọc Tường, việc xây dựng thành công mô hình vườn mẫu NTM chỉ là bước đầu. Huyện sẽ tiếp tục định hướng cho các chủ vườn hoàn thiện hồ sơ để tham gia chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) của huyện.
“Nhiều địa phương đã thành công trong việc chuyển đổi những vùng đất kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. UBND huyện đã chỉ đạo phòng NN-PTNT huyện hỗ trợ kết nối đưa các sản phẩm từ vườn mẫu của nông dân tiêu thụ ở các cửa hàng thương mại, siêu thị. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ người dân các biện pháp xây dựng nhãn hiệu, bảo vệ nhãn hiệu vùng trồng”, ông Tường cho biết.
Còn theo ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, việc xây dựng vườn mẫu không chỉ giúp các xã trong huyện hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM, mà còn góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, cải thiện đời sống, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp.
“Hiện nay, huyện hỗ trợ mỗi hộ có vườn mẫu từ 20-50 triệu đồng. Để vườn mẫu phát triển hiệu quả và có tính lan tỏa, ngoài hỗ trợ của chính quyền địa phương thì bản thân hộ làm vườn phải chủ động liên kết với các hộ kinh doanh trong và ngoài tỉnh tạo đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, chủ hộ cần chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm đặc trưng của vùng mới thành công được”, ông Chánh nhấn mạnh.
UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện xây dựng thôn/khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu NTM giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đạt 15 thôn/khu dân cư NTM kiểu mẫu và 30 vườn mẫu NTM. Riêng trong năm 2023, có thêm 3 thôn/khu dân cư NTM kiểu mẫu và 7 vườn mẫu NTM đạt chuẩn theo quy định. |
NGỌC HÂN