Thứ Tư, 27/11/2024 07:27 SA
Nhà máy đường khẩn trương vào vụ ép
Thứ Tư, 01/03/2023 10:30 SA

Công đoạn bốc mía đưa vào dây chuyền ép ở Nhà máy đường Tuy Hòa. Ảnh: VÕ PHÊ

Từ cuối tháng 2 đến hết tháng 4 là thời gian cao điểm thu hoạch mía của nông dân các huyện Sơn Hòa, Tây Hòa, Sông Hinh, Tuy An. Bên cạnh việc tập trung nâng công suất để thu mua mía kịp thời cho nông dân, các nhà máy đường đưa ra nhiều chính sách ưu đãi và mở rộng vùng trồng.

 

Vận hành hết công suất

 

Những ngày qua, nhiều đoàn xe chở mía từ các vùng trồng liên tục vận chuyển về tập kết ở Nhà máy đường Tuy Hòa (Công ty CP Mía đường Tuy Hòa), Nhà máy đường Sơn Hòa, Đồng Xuân (Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam) để đưa vào dây chuyền ép mía. Nông dân thu hoạch đến đâu, các phương tiện tập kết, vận chuyển về nhà máy đến đó để đảm bảo mía đạt chất lượng, chữ đường cao. Theo ông Lê Văn Hương, chủ phương tiện vận tải ở huyện Tây Hòa thì ông và chủ các phương tiện khác nhận chở mía của nông dân từ đầu tháng 2/2023. Bình quân mỗi ngày, mỗi phương tiện vận chuyển khoảng 2-3 xe mía.

 

Ông Nguyễn Đình Chiến, Trưởng phòng Nguyên liệu, Công ty CP Mía đường Tuy Hòa cho biết: Hiện nay là thời gian thu hoạch cao điểm nên công ty nâng công suất tối đa để đáp ứng việc thu mua, ép mía kịp thời. Với 280 lao động đang làm việc tại công ty, chúng tôi chia làm 3 ca mới có thể đảm nhận công việc xuyên suốt các ngày trong tuần. Dự kiến niên vụ 2022-2023, công ty sẽ thu mua, ép 250.000 tấn mía.

 

Theo đại diện Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, vụ ép 2021-2022, các nhà máy đường của công ty đã ép 747.000 tấn mía cây, sản xuất được 71.000 tấn đường. Trong vụ ép năm nay, các nhà máy sẽ ép khoảng 1 triệu tấn mía cây, sản xuất 100.000 tấn đường. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên sản lượng mía đạt cao. Công ty đang vận hành hết công suất để ép mía theo số lượng nhập về từ các vùng trồng.

 

Theo Ban Điều hành chương trình mía đường, sắn tỉnh, niên vụ 2022-2023, diện tích mía toàn tỉnh 22.335ha, sản lượng ước đạt 1,3 triệu tấn. Các nhà máy đường có kế hoạch ép trên 1,2 triệu tấn mía; sản lượng đường sản xuất ước đạt 118.440 tấn.

 

Thu mua ưu đãi, mở rộng vùng trồng

 

Ông Thái Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Tuy Hòa cho hay: Ngay từ đầu vụ ép 2022-2023, công ty triển khai chính sách thu mua khá hấp dẫn. Bên cạnh giá mía 1,3 triệu đồng/tấn mía sạch (đạt 10CCS tại ruộng), công ty cũng có chính sách bảo hiểm cho mía, giúp giảm lo lắng cho nông dân trong điều kiện thời tiết bất lợi, chữ đường thấp; tăng giá mua mía thêm 50.000 đồng/tấn đối với ruộng có tưới…

 

Đầu vụ ép, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cũng thông báo chính sách giá thu mua mía nguyên liệu của Nhà máy đường Sơn Hòa và Nhà máy đường Đồng Xuân. Công ty áp dụng phương thức thu mua mía tại cầu cân của các nhà máy; việc mua mía dựa vào kết quả phân tích chữ đường của từng xe, giá mua mía 1,2-1,3 triệu đồng/tấn (10CCS) của trọng lượng mía đã cân; đồng thời mở rộng các khoản khuyến khích, hỗ trợ cho nông dân hoàn thành và không vi phạm bất kỳ điều khoản nào theo hợp đồng đã ký với công ty.

 

Nông dân Nguyễn Văn Thay ở xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa thổ lộ: Vào vụ thu hoạch, các nhà máy đường trên địa bàn có chính sách thu mua 1,3 triệu đồng/tấn, cao nhất từ trước đến nay nên nông dân có lãi. Năm nay, 1ha mía, bà con thu về 80-100 triệu đồng. Tôi và nhiều hộ khác rất phấn khởi, an tâm ký hợp đồng với các nhà máy và mạnh dạn đầu tư vụ mía mới.

 

Xác định nguyên liệu là yếu tố quyết định hoạt động, các nhà máy đường trên địa bàn có chiến lược đầu tư bài bản nhằm phát triển vùng trồng, hệ thống sản xuất bền vững. Theo đó, không chỉ vụ ép này mà cả những vụ ép sau, Công ty CP Mía đường Tuy Hòa có kế hoạch đầu tư 35-45 triệu đồng/ha, kèm theo 8 khoản hỗ trợ không hoàn lại và có chính sách khuyến khích nông dân chuyển đổi giống cây trồng, mở rộng diện tích, góp phần hướng đến mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu mía của công ty lên trên 10.000ha. “Công ty đã đến từng nhà, vận động từng người dân trồng mía để phát triển vùng nguyên liệu, nhất là các hộ có đất có thể trồng mía được. Công ty cũng tiếp tục đầu tư, nâng công suất nhà máy để kịp thời tiêu thụ mía, tạo niềm tin cho nông dân”, ông Hùng cho biết.

 

Còn theo ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, chính sách ưu đãi của công ty trong vụ ép này là hỗ trợ không hoàn lại đối với mía trồng mới, trồng lại; đầu tư hệ thống tưới, cơ giới hóa, miễn giảm lãi suất… với khoảng 60 tỉ đồng; đồng thời đầu tư 338 tỉ đồng cho vùng nguyên liệu mía với diện tích 18.900ha. Công ty đang mở rộng, nâng công suất Nhà máy đường Đồng Xuân; có kế hoạch đẩy mạnh thu mua, chế biến hết công suất các nhà máy.

 

Nhằm giúp các nhà máy đường có cơ hội, điều kiện thuận lợi đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu, UBND tỉnh đã bãi bỏ quy hoạch chi tiết vùng trồng nguyên liệu mía cho các nhà máy đường. UBND tỉnh cũng đề nghị nhà máy tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để ổn định, phát triển, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu mía; nghiên cứu bổ sung các giống mía mới, tăng cường hỗ trợ cơ giới hóa, kỹ thuật canh tác… để tăng năng suất mía và thực hiện tốt các chính sách, tạo niềm tin cho nông dân.

 

VÕ PHÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek