Mới đây, tại TP Quy Nhơn, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội thảo “Nghề nuôi biển: Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp”. Hội thảo đã nêu nhiều vấn đề và bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhằm phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp ở nước ta.
Vướng thủ tục, thiếu nhân lực
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết: Một số điểm nghẽn trong nuôi biển hiện nay cần tháo gỡ đó là thiếu quy hoạch; vướng mắc thủ tục giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân; thiếu tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam về nuôi biển; chưa có thủ tục đăng kiểm cơ sở và phương tiện nuôi biển; chưa có bảo hiểm cho cơ sở nuôi biển; thiếu nguồn nhân lực được đào tạo về nuôi biển; thiếu nguồn tín dụng để đầu tư nuôi biển công nghiệp…
Mặc dù Luật Thủy sản 2017 có nội dung giao diện tích mặt nước biển để nuôi trồng, nhưng đến nay chưa có tỉnh nào làm được, nếu không giao biển người dân sẽ vẫn nuôi bằng lồng thủ công. Chúng ta cần có mô hình và sự hướng dẫn, đưa lồng HDPE vào cho dân… tổ chức đào tạo cho ngư dân nuôi biển theo hướng công nghiệp và tiếp cận vốn. Cần xây dựng chuỗi liên kết, ngư dân sẽ nuôi ở quy mô nhỏ và trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị thì liên kết mới bền vững.
Là tỉnh ven biển, Phú Yên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi biển công nghiệp như có trên 21.000ha đầm, vịnh, bãi, cửa sông; có vùng biển hở với khoảng 34.000km2... Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, hiện toàn tỉnh có khoảng 102.490 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng năm 2022 đạt 1.750 tấn. Ngư dân Phú Yên có nhiều kinh nghiệm nuôi tôm hùm nhưng công nghệ nuôi vẫn còn lạc hậu, kỹ thuật chăm sóc, quản lý đơn giản, bè nuôi chưa có thiết bị giám sát môi trường. Hạ tầng cơ sở nuôi xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu nuôi công nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp khi đầu tư dự án nuôi biển đều có nhu cầu diện tích đất trên bờ, nhưng hầu hết đất ven biển đã được ưu tiên phát triển du lịch. Đồng thời hiện vẫn còn thiếu chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển, chính sách chuyển đổi vùng nuôi từ đầm vịnh kín ra các vùng biển hở… Đây là những khó khăn của địa phương trong phát triển nuôi biển công nghiệp hiện nay.
Ngư dân TX Sông Cầu xuất bán tôm hùm. Ảnh: ANH NGỌC |
Sớm gỡ vướng cho địa phương
Để sớm tháo gỡ những khó khăn trong phát triển nuôi biển công nghiệp, ông Nguyễn Trọng Tùng kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm tham mưu xây dựng các chính sách hỗ trợ vốn, công nghệ, ưu đãi cho doanh nghiệp, hộ nuôi đầu tư và nghiên cứu ứng dụng nuôi biển và các dịch vụ hỗ trợ hiện đại, phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể vùng biển Việt Nam (thức ăn công nghiệp, lồng, bè chuyên dụng, con giống…). Bộ NN-PTNT cần sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn công trình nuôi trồng thủy sản (NTTS) công nghiệp trên bờ, trên biển; tiêu chuẩn, điều kiện cơ sở lắp ráp lồng, bè nuôi biển công nghiệp để phục vụ công tác quản lý tốt hơn; hỗ trợ các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong giao đất, mặt biển để NTTS.
Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT) cho biết: Năm 2023, ngành Thủy sản đặt mục tiêu diện tích nuôi biển cả nước đạt 85.000ha, với 10 triệu m3 lồng nuôi, sản lượng khoảng 850.000 tấn. Bên cạnh đó, ngành sẽ triển khai đề án phát triển NTTS; xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển NTTS trên biển; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất; xây dựng cơ chế liên kết giữa nuôi biển với hoạt động các ngành kinh tế khác để tận dụng hệ thống cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các hoạt động sản xuất trên biển; khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động cùng lúc nhiều lĩnh vực trên biển… Ngành cũng ưu tiên phát triển nhóm đối tượng có tiềm năng như cá biển, nhuyễn thể, tôm hùm tại các vùng có lợi thế về điều kiện tự nhiên; áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), định hướng NTTS trên biển hiện nay đã có, về cơ chế chính sách hỗ trợ thì Nghị định 67 sửa đổi đã hoàn thiện và đang trình Chính phủ để phê duyệt. Luật Thủy sản 2017 đã quy định rõ, trong phạm vi 0-3 hải lý, từ 3-6 hải lý và ngoài 6 hải lý thì cấp nào có thẩm quyền, giao biển trong thời gian bao lâu. Hiện chỉ vướng quy hoạch không gian biển ngoài 6 hải lý để doanh nghiệp đầu tư lớn. Vấn đề này, Bộ TN-MT đã triển khai nhưng chưa đạt yêu cầu nên phải gia hạn để xây dựng lại. Đối với tiêu chuẩn, quy chuẩn NTTS trên biển, Luật Thủy sản đã có quy định, chỉ còn tiêu chuẩn về lồng, bè thì Tổng cục Thủy sản đang xây dựng. Việc giao mặt biển trong 3 hải lý là do cấp huyện quyết định. Nếu không giao tọa độ thì tồn tại tình trạng bà con cơi nới lồng, bè tự phát. Vì vậy phải giao biển cho người dân, quy định rõ diện tích, mật độ và thành lập hợp tác xã để bà con tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Địa phương cần chọn mô hình phù hợp, có thể chọn mô hình nuôi cá, trồng rong, nuôi bào ngư cùng với rong, kết hợp du lịch… sẽ rất hiệu quả.
Tỉnh đang quy hoạch nuôi biển công nghiệp vùng biển hở khoảng 1.000ha tại TX Sông Cầu. Định hướng của tỉnh là phát triển nuôi biển công nghiệp với các ngành kinh tế khác như du lịch, điện gió… Phú Yên đang kêu gọi đầu tư dự án nuôi biển công nghiệp vùng biển hở thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu) với quy mô 700ha, vốn đầu tư khoảng 21.000 tỉ đồng.
Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng |
ANH NGỌC