Thứ Tư, 02/10/2024 23:35 CH
Tiềm năng và giải pháp quản lý phát triển vùng ven bờ biển Phú Yên
Thứ Năm, 25/09/2008 12:00 CH

LTS: Ngày 24/9, tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Viện Hải dương học tổ chức hội thảo Luận chứng khoa học kỹ thuật phục vụ cho việc quản lý tổng hợp và phát triển bền vững dải ven bờ biển Nam Trung Bộ nhằm đáp ứng mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế biển. Giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường Phú Yên Nguyễn Kim Phúc có bài tham luận “Thực trạng, tiềm năng và giải pháp quản lý phát triển vùng ven bờ biển Phú Yên”. Báo Phú Yên lược trích giới thiệu cùng bạn đọc.

 

ca-mu-long1-080925.jpg

Nuôi cá mú lồng ven biển huyện Sông Cầu   - Ảnh: NGUYÊN LƯU

 

TIỀM NĂNG LỚN

 

Vùng ven bờ biển Phú Yên có 30 xã, phường, thị trấn thuộc 4 huyện, thành phố với dân số 300.000 người. Bờ biển Phú Yên dài 189km với nhiều đảo nhỏ ven bờ, cồn cát, đầm phá, cửa sông và vũng vịnh kín, cung ứng nhiều vị trí thuận lợi cho xây dựng cảng, du lịch biển, nuôi trồng hải sản, tổng diện tích mặt biển khoảng 6.900km2 và 21.000ha vùng đất ngập nước ven biển. Đây là vùng có ý nghĩa quan trọng đối với sinh kế của nhân dân địa phương, cung cấp ngư trường và mặt nước cho hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, là tiềm năng phục vụ du lịch sinh thái, góp phần điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

 

Thềm lục địa Phú Yên có nhiều rặng đá, kết hợp với 9 hòn đảo lớn nhỏ gần bờ, là nơi tồn tại nhiều rạn san hô và thảm thực vật biển tạo điều kiện lý tưởng cho các loài hải sản sinh trưởng và phát triển, làm giàu nguồn lợi thủy hải sản cho vùng biển ven bờ, đồng thời cho phép phát triển hệ thống mạng tuyến du lịch đảo hấp dẫn. Đây cũng là khu vực tập trung của nhiều loại cá nổi ven bờ (cá cơm) và cá đáy (cá hồng, cá mú, cá nhỡ, cá hanh vàng, tôm hùm giống…). Vùng nước lợ ven biển với 7 đầm, vịnh và cửa sông lạch chính gồm: đầm Cù Mông 2.655ha, vịnh Xuân Đài 8.400ha, đầm Ô Loan 1.570ha, cửa sông Kỳ Lộ, cửa sông Đà Rằng, cửa sông Bàn Thạch, vịnh Vũng Rô rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản xuất khẩu. Đây là những hệ sinh thái đất ngập nước có ý nghĩa quan trọng đối với sinh kế của nhân dân địa phương, cung cấp mặt nước cho hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, là tiềm năng phục vụ du lịch sinh thái, góp phần điều hòa khí hậu và bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.

 

Ngoài việc cung cấp một lượng lớn thủy hải sản tự nhiên, các vùng đất ngập nước của Phú Yên còn có hơn 2.600ha phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt là tôm sú và tôm hùm. Sản lượng nuôi trồng hàng năm của tỉnh đạt gần 4.000 tấn, trong đó đáng kể nhất là nuôi 14.000 lồng tôm hùm, với sản lượng gần 600 tấn/vụ. Bên cạnh đó, người dân địa phương đã khai thác khoảng 176ha đất ngập nước để phục vụ cho hoạt động sản xuất muối với sản lượng đạt từ 17.000-17.500 tấn/năm.

 

Với ưu thế và những tiềm năng về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và tài nguyên vùng ven bờ, tỉnh Phú Yên đã và đang xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch thu hút đầu tư về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung và vùng ven biển nói riêng như tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh các Khu du lịch Núi Thơm – Bãi Xép – Hòn Chùa; cụm du lịch đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, Khu du lịch liên hợp cao cấp Phú Yên. Hiện tại, tỉnh Phú Yên đã quy hoạch 18 điểm du lịch ven biển, với diện tích khoảng 610ha. Vùng ven biển đang hình thành Khu kinh tế Nam Phú Yên, các khu công nghiệp thu hút nhiều dự án lớn về lọc dầu, hóa dầu; Xây dựng TP Tuy Hòa thành đô thị loại II vào năm 2015; Nâng cấp các thị trấn huyện lỵ: Sông Cầu, Đông Hòa thành thị xã; Xây dựng Khu đô thị Nam TP Tuy Hòa.

 

Song song với định hướng về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng ven biển theo tiêu chí sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường theo tiêu chí: Xây dựng tỉnh Phú Yên trở thành một tỉnh có môi trường tốt, có sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường; mọi người đều có ý thức bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên.

 

7 GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN VÙNG BỜ BIỂN BỀN VỮNG

 

Tuy nhiên vùng ven bờ của Phú Yên đang chịu nhiều tác động từ các hoạt động phát triển kinh tế xã hội cũng như thiên tai. Hậu quả được thể hiện đặc biệt qua vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái sinh cảnh và tài nguyên thủy sinh, suy giảm đa dạng sinh học…

 

Để từng bước khắc phục sự suy thoái, duy trì và phát triển vùng ven bờ biển Phú Yên một cách bền vững, cần thực hiện 7 giải pháp. Đó là: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư địa phương, làm thay đổi nhận thức và hành vi ứng xử của cộng đồng đối với vùng ven bờ; nghiên cứu, xây dựng và áp dụng các mô hình khai thác, nuôi trồng thủy sản bền vững, thân thiện với môi trường. Quy hoạch quản lý hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy hải sản ở vùng ven bờ; đặc biệt là các vùng đất ngập nước ven biển. Tăng cường kiểm soát và ngăn chặn tối đa các nguồn thải. Xây dựng các khu bảo tồn sinh cảnh, khôi phục và bảo tồn các hệ sinh thái đặc thù như: cỏ biển, rạn san hô, rừng ngập mặn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học. Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện để cộng đồng tham gia bảo vệ và khai thức hợp lý nguồn tài nguyên vùng ven bờ biển. Đầu tư nghiên cứu cơ bản về tài nguyên và môi trường biển nhằm giúp UBND tỉnh hoạch định chính sách phát triển vùng ven biển. Xây dựng chiến lược quản lý tổng hợp vùng ven bờ.

 

NGUYỄN KIM PHÚC

Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek