Thương mại điện tử (TMĐT) là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, trở thành kênh phân phối quan trọng trong phát triển kinh tế, dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Quản lý, ngăn chặn gian lận trong TMĐT cùng với việc thực hiện các giải pháp để TMĐT tiếp tục phát triển là nhiệm vụ trọng tâm của các ngành chức năng trong năm nay.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ vượt 2,5 lần kế hoạch đề ra, đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong đó, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng của cả nước với tốc độ tăng trưởng 20%/năm.
Tăng cường bán hàng trực tuyến
Cùng với cả nước, tại Phú Yên, TMĐT cũng phát triển theo xu hướng chung. Theo khảo sát của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, chỉ số xếp hạng TMĐT của Phú Yên năm 2022 là 38/56 tỉnh, thành tham gia khảo sát trong cả nước.
Thời gian qua, thực hiện Chương trình phát triển TMĐT của tỉnh, Sở Công Thương đã hỗ trợ 7 doanh nghiệp xây dựng và tối ưu hóa website để quảng bá, tiếp thị trực tuyến; hỗ trợ 9 doanh nghiệp xây dựng thương hiệu trực tuyến và áp dụng marketing tự động. Đơn vị cũng có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tham gia hệ thống bán hàng đa kênh trên môi trường trực tuyến; giúp 11 doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xây dựng phần mềm quản lý bán hàng thông minh… Từ khi tỉnh xây dựng Sàn giao dịch thương mại điện tử đến nay đã có 100 doanh nghiệp và 300 sản phẩm được giới thiệu, trong đócóhơn 60 sản phẩm OCOP, 67 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cùng với các sản phẩm đặc trưng khác như nước mắm, bánh tránh, gạo, cà phê, sản phẩm may mặc, thủy sản chế biến…
Theo bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công Thương, hiện phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn đã kết nối internet, sử dụng email thường xuyên và từng bước xây dựng website, sử dụng các phần mềm phục vụ hoạt động TMĐT, số lượng đơn hàng trực tuyến tăng lên hàng năm. Hoạt động TMĐT đã giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ; còn người dân thì biết nhiều hơn về hoạt động mua hàng online.
Đối với Công ty TNHH Thương mại Gia Bảo Phú Yên, kinh doanh trực tuyến ngày càng mang lại hiệu quả hơn so với hình thức kinh doanh truyền thống. Bà Nguyễn Ái Huệ, giám đốc công ty này cho biết: Từ khi người dân gia tăng nhu cầu mua hàng trực tuyến, công ty đã tập trung ứng dụng TMĐT để phát triển hình thức bán hàng trực tuyến, chú trọng chất lượng sản phẩm, nâng cao kỹ năng quản trị, xử lý đơn hàng; chọn đơn vị hỗ trợ chuyển phát uy tín và nắm bắt nhu cầu khách hàng để thuận lợi trong quá trình giao dịch. Hiện đơn hàng nhận được từ các trang facebook, zalo, fanpage chiếm 80-90% trên tổng số đơn hàng của công ty.
Đầu tư vào mô hình, giải pháp phù hợp
Theo Sở Công Thương, hiện nay, thị trường TMĐT ngày càng được mở rộng và trở thành phương thức kinh doanh phổ biến. Người tiêu dùng đã dần chuyển sang mua sắm trực tuyến và rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, phân phối bán lẻ trong tỉnh nhanh chóng đẩy mạnh hoạt động bán hàng trực tuyến, cải tiến sản phẩm, chuyển đổi dịch vụ để phù hợp với nhu cầu thị trường. Chính vì vậy, giải pháp phát triển TMĐT trong thời gian tới là đẩy mạnh xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông; nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực cho TMĐT; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề truyền thống...
“Doanh nghiệp của tỉnh cần tìm hiểu về lợi ích của phát triển TMĐT trong hoạt động kinh doanh, có tư duy đúng đắn, xác định mục tiêu cần đạt để đầu tư vào các mô hình, giải pháp TMĐT phù hợp. Doanh nghiệp phải xây dựng nguồn nhân lực, hạ tầng thông tin trong quản lý hoạt động, quản trị mạng, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, trung thực cung cấp thông tin sản phẩm; đẩy mạnh quảng cáo, tiếp thị nhằm tạo công cụ hữu ích, cần thiết để tiếp cận khách hàng, nâng doanh thu bán hàng. Người tiêu dùng khi tiến hành giao dịch mua sắm hàng hóa trên các website TMĐT phải kiểm tra thông tin chi tiết về sản phẩm, chọn những trang TMĐT uy tín, mạnh dạn phản ánh, khiếu nại khi thấy quyền lợi bị xâm phạm hay phát hiện có hành vi gian lận”, bà Nguyễn Thị Kim Bích cho biết thêm.
Theo dự báo của Bộ Công Thương trong 2-3 năm tới, gian lận TMĐT sẽ chiếm 50-60% trong tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Do đó, bộ đã ban hành một số văn bản về TMĐT nhằm tăng tính minh bạch cho thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý; đồng thời thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ… để hoạt động TMĐT phát triển bền vững.
“Ngay từ đầu năm 2023, Cục Quản lý thị trường Phú Yên đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động TMĐT trên địa bàn; tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm hàng hóa trên các ứng dụng TMĐT”, ông Huỳnh Trang, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Phú Yên nói.
Doanh nghiệp của tỉnh cần tìm hiểu về lợi ích của phát triển TMĐT trong hoạt động kinh doanh, có tư duy đúng đắn, xác định mục tiêu cần đạt để đầu tư vào các mô hình, giải pháp TMĐT phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công Thương |
VÕ PHÊ