Phát huy lợi thế với nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP, góp phần nâng giá trị sản phẩm nông sản, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân phát triển.
Khai thác tiềm năng từng địa phương
Huyện miền núi Sơn Hòa là địa phương có nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Đến nay, toàn huyện có 20 sản phẩm OCOP; trong đó, 3 sản phẩm đạt 4 sao, 17 sản phẩm đạt 3 sao. Nhắc đến sản phẩm OCOP nổi tiếng của huyện Sơn Hòa, không thể không nhắc đến các sản phẩm bò một nắng của hộ kinh doanh Võ Thị Thanh Tuyền. Không chỉ sản xuất, phục vụ thị trường trong tỉnh, các sản phẩm bò một nắng và nhiều sản phẩm đặc trưng như heo một nắng, muối kiến vàng, bò gác bếp của cơ sở Thanh Tuyền giờ đây đã có mặt tại nhiều thị trường trong nước. Cuối năm 2022, các sản phẩm của Thanh Tuyền được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây là điều kiện thuận lợi để đưa bò một nắng Thanh Tuyền đến gần hơn với người tiêu dùng.
Tại huyện Tây Hòa, các sản phẩm Bột ngũ cốc Faimy 9 của hộ kinh doanh Lương Thị Huỳnh Triểm ở xã Hòa Phong là một trong những sản phẩm OCOP 3 sao của Phú Yên được nhiều người biết đến. Giá trị dinh dưỡng từ các loại hạt gồm: đậu nành, đậu xanh, gạo lứt, bắp, hạt sen… rất tốt cho sức khỏe. Sau thời gian nghiên cứu, chị Lương Thị Huỳnh Triểm đã cho ra đời nhiều sản phẩm bột khác nhau với thương hiệu Bột ngũ cốc Faimy 9 như: bột ăn dặm, cháo hạt vỡ dành cho trẻ em, bột ăn kiêng, bột dành cho bà bầu...
Với sự trợ lực từ Chương trình OCOP, hiện có 4 sản phẩm nước mắm truyền thống ở các địa phương trong tỉnh đã xây dựng thương hiệu và đạt sản phẩm OCOP tỉnh. Bà Nguyễn Thúy Hằng, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Mỹ Quang (huyện Tuy An), cho biết: “Sản phẩm nước mắm Mỹ Quang đạt chất lượng vượt trội bởi phương thức sản xuất truyền thống, với màu sắc tự nhiên và mùi thơm đặc trưng. Sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, cơ sở đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến mẫu mã; đồng thời sản phẩm được đưa lên website thương mại điện tử của tỉnh để giới thiệu, xúc tiến thương mại… nên thị trường tiêu thụ không chỉ trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh, thành khu vực phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên”.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Chương trình OCOP giúp phát triển sản phẩm chủ lực của từng địa phương. Đến nay, hầu hết địa phương trong tỉnh đều triển khai vùng nguyên liệu tập trung, hướng tới sản xuất theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ nhằm thu hút các doanh nghiệp, HTX tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm OCOP; đồng thời xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Tuy nhiên, hiện một số địa phương còn gặp khó khăn trong thực hiện chương trình, chưa chọn được sản phẩm đặc trưng hoặc các sản phẩm được chọn chưa đạt chuẩn OCOP. Nguyên nhân chính vẫn là người dân chưa hiểu hết về những lợi ích mà chương trình mang lại, còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa quan tâm đến việc đăng ký chất lượng, thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm hàng hóa…
Nâng tầm nông sản OCOP
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, qua 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh sản xuất và phát triển các làng nghề truyền thống của từng địa phương. “Hiện Phú Yên có 70 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao và 61 sản phẩm đạt 3 sao. Hầu hết các sản phẩm OCOP được công nhận đều có doanh số bán hàng tăng từ 20% trở lên so với trước khi tham gia chương trình; quy mô sản xuất, giá trị thương hiệu của sản phẩm đều được nâng lên”, ông Thắng cho biết.
Trao đổi về xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, cho biết: Chương trình OCOP đang lan tỏa sâu rộng trong HTX và hộ sản xuất kinh doanh. Toàn huyện có 10 sản phẩm của 8 chủ thể được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao. Các sản phẩm đã phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như rượu tằm Hòa Phong, bột hạt sen Hòa Đồng, gạo chất lượng cao Hòa Bình 1... Để nông sản địa phương vươn xa, từ khâu chăm sóc, thu hái, chế biến, đóng gói đến bảo quản sản phẩm OCOP đều được các chủ thể kiểm soát chặt chẽ, có mã vạch truy xuất nguồn gốc.
Ông Lê Thành Thoại, Phó phòng Kinh tế TP Tuy Hòa, cho biết: Ban đầu chủ yếu là các sản phẩm đã có thương hiệu thuộc các ngành sản xuất truyền thống nông, lâm, thủy sản như cà phê, nước mắm… thì nay được mở rộng ra gồm cả thực phẩm, đồ uống lẫn sản phẩm sinh học phục vụ sinh hoạt gia đình. Dù là những sản phẩm đã đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu hay sản phẩm lần đầu tiếp cận thị trường, thành phố đều khuyến khích các chủ thể tham gia.
“Thời gian tới, để các sản phẩm OCOP Phú Yên thiết lập chỗ đứng vững chắc trên thị trường, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp các ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể khai thác, nâng cấp sản phẩm; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ để các chủ thể mở rộng sản xuất khi sản phẩm đã chiếm lĩnh được thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh triển khai ứng dụng kinh tế số trong việc triển khai các sản phẩm OCOP để thuận tiện cho việc xúc tiến thương mại, ổn định đầu ra cho sản phẩm”, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng khẳng định.
Sản phẩm OCOP là tiêu chí quan trọng bắt buộc trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Vì vậy cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ triển khai chương trình; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông về Chương trình OCOP; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử; nâng cao chất lượng công tác đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP…
Đồng chí Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh |
NGỌC HÂN