Hoạt động mua sắm của người dân ở các địa phương đã bắt đầu sôi động. Việc cảnh giác với các hành vi gian lận thương mại, bán hàng gian dối cũng như giám sát, kiểm soát thị trường cần được tăng cường ngay trong thời điểm này.
Nhu cầu mua sắm gia tăng
Tại các địa phương, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân chuẩn bị cho dịp tết Nguyên đán bắt đầu tăng mạnh. Ở khu vực trung tâm TP Tuy Hòa trong những ngày gần đây, lượng người dân đi lại mua sắm rất đông, xe cộ lưu thông khá nhộn nhịp trên khắp các tuyến đường. Đặc biệt trong những ngày cuối tuần, lượng người mua còn tăng gấp đôi ngày thường. Bà Huỳnh Thị Ngọc Nương, tiểu thương chợ Tuy Hòa cho biết: Hơn 1 tháng nữa là đến tết cổ truyền. Thời điểm này, người dân chủ yếu mua sắm nội thất, đồ dùng gia đình, quần áo, giày dép; riêng bánh kẹo, thực phẩm tươi sống, đồ uống thì phải từ rằm tháng Chạp trở đi. Nếu tính mức tăng số lượng người mua so với ngày thường thì khoảng 30-40%.
Theo lời một số tiểu thương khác, hiện tại, giá cả hàng hóa vẫn ở mức ổn định, không tăng. Việc giá hàng hóa có biến động tăng hay không tùy thuộc vào nguồn hàng, phí vận chuyển, nhu cầu tiêu thụ trong những ngày cận tết. Ông Trần Văn Sáu, chủ tiệm tạp hóa, đồ gia dụng Sáu Hường, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân cho hay: Khoảng 50% hàng hóa ở cửa hàng tôi được nhập từ TP Hồ Chí Minh về, số còn lại là của các cơ sở bán sỉ ở Tuy Hòa. Cũng như mọi năm, năm nay hàng hóa rất phong phú, mẫu mã đa dạng, không thiếu để cung cấp cho người dân. Còn về giá các loại hàng, hiện vẫn chưa có biến động tăng, nếu tăng chúng tôi sẽ cập nhật giá mới.
Vì nhu cầu mua sắm của người dân bắt đầu tăng, các cơ sở, cá nhân kinh doanh cũng chuẩn bị nhiều hàng hóa, nhất là các mặt hàng có mức tiêu thụ cao trong dịp tết. Cùng với đó, các cơ sở cũng tăng cường nhân viên bán hàng, thời gian phục vụ để đáp ứng nhu cầu người mua. Dịp này, UBND các địa phương cũng triển khai công tác phục vụ tết; chỉ đạo bộ phận chuyên trách, ban quản lý các chợ tích cực phối hợp nắm bắt nhu cầu hàng hóa, hướng dẫn người dân mua bán đảm bảo các yêu cầu về trật tự, vệ sinh môi trường. Các đài truyền thanh, ban quản lý chợ cũng đã tăng cường tuyên truyền trên loa phát thanh các nội dung liên quan, trong đó có cảnh báo tình trạng mất cắp, móc túi và nhắc nhở người dân thực hiện đúng nội quy chợ và các quy định trong kinh doanh.
Kiểm soát thị trường
Theo Cục Quản lý thị trường Phú Yên, gần đây, đơn vị này liên tục phát hiện nhiều loại hàng hóa, trong đó có hàng tiêu dùng, thực phẩm… không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ được vận chuyển qua địa bàn tỉnh. Đáng kể là trong hơn 1 tháng qua, đơn vị đã nhiều lần phối hợp cùng lực lượng chức năng tạm giữ 52 tấn đường cát nhập lậu, gần 7.000 chai bia, nhiều loại bánh kẹo, quần áo, đồ dùng, linh kiện điện tử, pháo hoa, pháo điện tử… không có nhãn mác. Chưa kể, các đơn vị còn phát hiện những chuyến hàng đang trong quá trình giao nhận với tư thương của tỉnh nhưng đều không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.
Ông Nguyễn Thái Vinh, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Phú Yên cho biết: Cuối năm là thời điểm thuận lợi để các đối tượng lợi dụng nhu cầu mua sắm của người dân gia tăng để thực hiện các hành vi gian lận thương mại, bán hàng kém chất lượng, nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Người dân nên hết sức cảnh giác để không bị các đối tượng lợi dụng, trục lợi. Nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm của các đối tượng, Cục Quản lý thị trường Phú Yên đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, phối hợp với chính quyền các địa phương, người dân để phát hiện, ngăn chặn phương tiện vận chuyển trái phép, kiểm soát khâu lưu thông hàng hóa trên thị trường.
Cùng với lực lượng quản lý thị trường, hiện Đoàn công tác liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) cũng đã thành lập đoàn kiểm tra thị trường cuối năm và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Đoàn sẽ tập trung kiểm tra tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm ngành hàng công nghệ thực phẩm, đường cát, xăng dầu, phân bón, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng..., kể cả các cơ sở đầu mối, kinh doanh thương mại điện tử. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng liên quan và chính quyền địa phương chủ động xây dựng kế hoạch nắm tình hình, phối hợp tuần tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa trên các tuyến vận tải… Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị thực hiện đúng pháp luật, tuyệt đối nói không với tiêu cực, hay bao che, tiếp tay, bảo kê cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhằm ổn định thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm an toàn của người dân.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong năm 2022, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, nhất là trong dịp tết và các ngày lễ lớn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 43.762 tỉ đồng, tăng 26,3%; trong đó hoạt động bán lẻ hàng hóa ước tăng 19,3% so với cùng kỳ. |
VÕ PHÊ