Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính... để có dư địa giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất, phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong dịp cuối năm này.
Ngược dòng giảm lãi suất
Thời gian qua, lãi suất đầu vào liên tục bị đẩy lên đến 10-11%/năm, kéo lãi suất đầu ra tăng cao. Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng đã ngược dòng giảm lãi suất cho vay.
Vietcombank là ngân hàng đầu tiên công bố giảm lãi suất cho vay với mức giảm 1%/năm đối với các khoản vay bằng VND cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân hiện hữu, thời gian triển khai từ 1/11-31/12/2022; không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá. Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc Vietcombank Phú Yên cho biết: Theo số liệu tạm tính, trên địa bàn tỉnh có 2.549 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp được giảm lãi suất với tổng dư nợ được giảm lãi là 4.908 tỉ đồng, số tiền lãi được giảm hơn 5,4 tỉ đồng.
Bên cạnh Vietcombank, trong khối ngân hàng thương mại Nhà nước, Agribank cũng giảm lãi suất cho vay. Theo đó, nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đang gặp vướng mắc, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, bằng nguồn lực của mình, Agribank chủ động giảm tiếp 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng VND tại thời điểm 30/11/2022. Đối với dư nợ phát sinh trong tháng 12/2022, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực. Ngoài ra, khách hàng doanh nghiệp, cá nhân có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN hoặc có mục đích vay vốn kinh doanh xăng dầu… cũng được áp dụng chính sách giảm lãi suất này. “Đây là nỗ lực của Agribank trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ở mức cao như hiện nay”, ông Lê Văn Thịnh, Giám đốc Agribank Phú Yên cho biết.
Ngoài hai ngân hàng nói trên, các ngân hàng khác như BIDV, HDBank, ACB, MB… cũng công bố giảm lãi suất cho vay trong thời điểm cuối năm. Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng, đến nay, toàn quốc đã có 16 ngân hàng cam kết giảm lãi với số tiền khoảng 3.500 tỉ đồng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp với mức lãi suất giảm từ 0,5-3,5%/năm.
Đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp
Trước thông tin các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất, chị Cao Thị Ngọc Linh, Giám đốc Công ty TNHH Granit Ngọc Linh (TP Tuy Hòa) cho rằng đây là tín hiệu tích cực, hy vọng sẽ góp phần hạ mặt bằng lãi suất chung. “Thời gian qua, lãi suất huy động liên tục tăng cao kéo lãi suất cho vay tăng theo, làm chúng tôi rất lo lắng. Chưa kể, các ngân hàng hết room (hạn mức tăng trưởng - PV) tín dụng nên việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp rất khó khăn. Hiện nay, khi các ngân hàng dần hạ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước lại nới room tín dụng, chúng tôi mong muốn nguồn vốn sẽ thông suốt và “chảy” vào hoạt động sản xuất, kinh doanh”, chị Linh nói.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký công điện yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Các ngân hàng cần rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và góp phần xây dựng hệ thống ngân hàng hoạt động công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững. Đồng thời tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân), nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia…
Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho biết: Chỉ đạo xuyên suốt của ngành Ngân hàng thời gian qua là yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm tối đa chi phí, dành nguồn lực để ổn định lãi suất, tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nỗ lực giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng trong thời gian gần đây chính là phản ánh sự đồng hành, chia sẻ của ngân hàng với khách hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cơ bản tuân thủ quy định về lãi suất; qua đó tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn để sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống. Ước đến cuối năm 2022, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng tại Phú Yên là 45.228 tỉ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2021. Nợ xấu chiếm khoảng 0,74% tổng dư nợ. |
LÊ HẢO