Tạo ra các sản phẩm an toàn với sức khỏe người tiêu dùng, thực hiện tái chế rác thải nông nghiệp là cách nhiều HTX trên địa bàn tỉnh làm để góp phần bảo vệ môi trường và tăng giá trị kinh tế.
Hướng tới sản phẩm hữu cơ
Chỉ sau 3 ngày đưa sản phẩm gạo thơm Sơn Triều ra thị trường, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Kiến 2 (TP Tuy Hòa) đã bán được 450kg, thậm chí nhiều đơn hàng HTX phải khất lại vụ sau. Thế mạnh để gạo thơm Sơn Triều có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường đó là được sản xuất theo mô hình hữu cơ, vừa giúp đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái vừa giữ gìn giá trị dinh dưỡng của hạt gạo.
Ông Trần Ngọc Thành, Giám đốc HTX này cho biết: So với các sản phẩm gạo khác, gạo thơm Sơn Triều ra đời sau nên HTX phải chu đáo trong từng khâu. Đầu tiên HTX trồng thử nghiệm trên một số chân ruộng lẻ, khi đạt sản lượng, chất lượng, HTX đóng gói và bán cho người tiêu dùng là thành viên, người dân trong xã. Bà con thấy ngon, HTX mới tiến tới đầu tư nhãn hiệu, đăng ký mã vạch và trang thiết bị. Vụ đông xuân 2022- 2023, HTX tăng diện tích sản xuất lên 10ha. Cùng với đó, HTX đưa sản phẩm đăng ký tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Dũng Lỗ Chài (huyện Phú Hòa), trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ là cách để thu hút và giữ chân du khách khi tới du lịch trải nghiệm tại vườn cây nơi đây. Theo ông Ngô Quốc Dũng, Giám đốc HTX này, trải nghiệm du lịch nông nghiệp tức là du khách tới vườn không chỉ thực hành việc trồng, chăm sóc cây mà còn được trực tiếp hái trái và thưởng thức tại chỗ. Vì vậy, điều kiện đầu tiên là trái cây phải đảm bảo vệ sinh an toàn sức khỏe rồi mới tới thơm ngon, hình thức bắt mắt.
“Ngay từ những ngày đầu hoạt động, HTX chọn sản xuất theo hướng hữu cơ để có những sản phẩm sạch. HTX không bón phân hóa học mà tạo môi trường sống lý tưởng cho thiên địch để hạn chế cây bị sâu bệnh. Hiện HTX nghiên cứu áp dụng quy trình trồng để tạo ra trái cây organic”, ông Dũng nói.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Hòa An (huyện Phú Hòa) đang triển khai mô hình rau an toàn, làm tiền đề nâng cao kỹ thuật canh tác tiến tới sản xuất hữu cơ trong tương lai. Ông Hồ Quang Nam, Giám đốc HTX này, chia sẻ: Trồng rau xanh là thế mạnh của thành viên HTX. Để nâng cao kỹ thuật sản xuất cho bà con, HTX đưa vào mô hình trồng rau an toàn. An toàn ở đây là vẫn dùng phân thuốc nhưng ở một tỉ lệ thích hợp theo quy trình chăm sóc chuẩn nên đảm bảo rau sau thu hoạch, lá, thân xanh mướt, không còn dư lượng thuốc, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Mô hình tuần hoàn
Ủ phân hữu cơ từ vỏ, xác nông sản không phải là mô hình mới với các HTX. Nhưng hình thành được mô hình tuần hoàn từ trồng, chế biến sản phẩm đến tận dụng phụ phẩm làm phân hữu cơ thì mới chỉ có HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (HTX Đồng Din) ở huyện Phú Hòa thành công. Vào mùa thu hoạch, HTX này liên kết thu mua khóm cho bà con trên diện tích hơn 40ha. Khóm sau sơ chế được ép làm nước khóm, nhân bánh, khóm sấy và rượu khóm. Vỏ khóm sau đó được ngâm ủ làm nước rửa chén, nước lau sàn. Còn bã sau khi ép và lá, thân cây khóm sẽ được ủ thành phân hữu cơ bón lại cho cây. Khóm được bón bằng phân hữu cơ phát triển tốt, cho trái to, giàu giá trị dinh dưỡng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX này, một thời gian dài, HTX đau đầu với việc làm sao đảm bảo môi trường đất vùng sản xuất không bị thoái hóa do phân, thuốc hóa học. Bởi theo thời gian, đất bị bạc màu, khô cằn, trái khóm nhỏ, ít nước, vì vậy sản phẩm làm ra từ những trái khóm như vậy chắc chắn không ngon. HTX đã trồng xen canh cây sung mỹ, măng tre… nhằm đa dạng sinh học, tăng độ phì nhiêu cho đất, nhưng hiệu quả chậm; bón phân hữu cơ là giải pháp hiệu quả nhất. Nhưng với cả vùng khóm rộng như vậy, HTX phải chi phí rất lớn mới có đủ lượng phân bón.
“Sau khi tìm tòi và được chuyển giao kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ, HTX tận dụng tối đa nguồn phế phẩm từ khóm để làm nguyên liệu ủ phân. Khi ấy, vấn đề môi trường được giải quyết, HTX tận thu tối đa giá trị cây khóm mang lại”, ông Chương nói.
Theo bà Lâm Vũ Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở KH-CN, HTX Đồng Din rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái vùng sản xuất. Ngoài những việc đã làm được với cây khóm, HTX cũng là đơn vị kinh tế tập thể đầu tiên có mong muốn được tham gia đề án trồng tre ngọt bảo vệ môi trường.
Các HTX, đặc biệt là những HTX đang quản lý thương hiệu nông sản địa phương nên chọn mô hình nông nghiệp tuần hoàn làm đích hướng tới, bởi chỉ có như vậy mới bảo đảm được sản xuất bền vững. Vùng sản xuất truyền thống được duy trì sẽ giúp ổn định vùng nguyên liệu, bảo đảm hoạt động chế biến tại HTX; chất lượng nông sản tốt thì sản phẩm hàng hóa làm ra từ nông sản đó cũng tốt. Đặc biệt sản xuất thân thiện với môi trường có vai trò rất lớn trong việc duy trì và phát triển thương hiệu làng nghề truyền thống.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh |
BẠCH VÂN