Xuất phát từ mô hình nuôi lươn thương phẩm, nhận thấy nguồn lươn giống khan hiếm, nhất là khó mua được lươn giống chất lượng về nuôi, anh Nguyễn Quốc Kha, SN 1990, ở thôn Quảng Mỹ, xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) đã mạnh dạn đầu tư nuôi thêm lươn sinh sản, cung cấp nguồn giống cho người nuôi trong và ngoài tỉnh.
Khởi nghiệp từ nuôi lươn thương phẩm
Sau nhiều năm làm ăn xa, năm 2017, anh Nguyễn Quốc Kha quyết định trở về quê nhà ở thôn Quảng Mỹ, xã Hòa Mỹ Tây lập nghiệp với mô hình nuôi lươn không bùn. Trước đó, để chuẩn bị cho ý tưởng khởi nghiệp, anh đã dành nhiều thời gian vào miền Nam học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi một cách cặn kẽ.
Do còn ít kinh nghiệm nên bước đầu anh Kha chỉ nuôi 4 bể, mỗi bể rộng 7m2 với số vốn hơn 100 triệu đồng, bao gồm tiền giống, tiền xây bể, dụng cụ nuôi. Nhờ linh hoạt áp dụng các phương pháp nuôi nên lứa lươn đầu tiên, anh Kha có nguồn thu nhập khá. Sau đó, anh đã mạnh dạn thả nuôi thêm 1.000 con giống, qua 1 năm chăm sóc, thu hoạch gần 1 tấn lươn thương phẩm với giá bán 140.000-160.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi gần 50 triệu đồng. Khi đã tự tin hơn trong quá trình nuôi lươn, anh Kha tiếp tục nhân rộng số lượng bể nuôi trên diện tích 1.500m2 đất vườn của gia đình.
Theo anh Kha, kỹ thuật nuôi lươn không bùn không quá khó, nhưng trong quá trình nuôi cần chú ý đến tình hình thời tiết, nguồn nước và điều kiện chăm sóc. Để nuôi lươn đạt tỉ lệ sống cao, ít hao hụt, người nuôi cho lươn ăn cám công nghiệp với các loại cá tạp, giun, ốc, trùn quế. Ngoài ra, định kỳ cần bổ sung men tiêu hóa, vitamin C hoặc trộn tỏi vào thức ăn với lượng 4-5g/kg thức ăn để tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho lươn, 15 ngày xổ giun cho lươn 1 lần.
“Mỗi ngày cho lươn ăn 2 lần vào lúc sáng sớm và chiều mát. Để quản lý tốt chất lượng nước trong bể, phòng tránh lươn nhiễm bệnh, tôi thường xuyên thay nước đã qua xử lý, lắng lọc, diệt khuẩn, 2-3 ngày tiến hành một lần, mỗi lần thay từ 70-100% lượng nước trong bể. Bên cạnh đó, tôi dùng chế phẩm sinh học Zeo xử lý môi trường trong bể nuôi làm phân giải thức ăn thừa khi không có điều kiện thay nước, giảm khí độc, giúp môi trường nuôi sạch hơn, nguồn nước thải ra giảm ô nhiễm”, anh Kha cho biết.
Đến sản xuất lươn giống
Sau khi nuôi lươn thương phẩm thành công, 2 năm trở lại đây, nhờ nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân huyện Tây Hòa, anh Kha mạnh dạn sản xuất lươn sinh sản, cung cấp nguồn lươn giống cho người nuôi trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, trên diện tích khoảng 1.500m2 đất, anh Kha có hơn 8.000 con lươn bố mẹ, cung ứng lươn giống ra thị trường. Anh Kha cho biết: “Sau 9 tháng nuôi, anh cho lươn bố mẹ sinh sản dao động từ tháng Giêng đến tháng 8. Trung bình mỗi lần sinh sản, lươn đẻ từ 100-300 trứng, tỉ lệ sống khoảng 80%”.
Nói về kỹ thuật nuôi lươn sinh sản đạt hiệu quả, anh Kha chia sẻ: “Nuôi lươn sinh sản cần cho lươn bố mẹ ăn đầy đủ dưỡng chất thì trứng mới phát triển tốt. Vào khoảng tháng 10, 11, 12, phải dưỡng con bố mẹ đạt trọng lượng mới có khả năng sinh sản tốt. Bệnh thường gặp ở lươn chủ yếu là đường tiêu hóa. Vì vậy, để đường tiêu hóa của lươn tốt, có sức đề kháng mạnh thì chia đều các lần ăn”.
Với mô hình nuôi lươn sinh sản, trung bình 10 ngày, anh thu hoạch được 5kg trứng lươn. Sau đó, anh đem trứng ấp từ 4-7 ngày sẽ nở ra con. Lươn giống nuôi dưỡng khoảng 2-3 tháng mới xuất bán, giá từ 2.000-3.000 đồng/con (tùy kích cỡ). Bình quân mỗi tháng, anh xuất bán 1.000 con lươn giống, sau khi trừ chi phí từ bán lươn thương phẩm và lươn giống, gia đình anh thu từ 250-300 triệu đồng/năm. Cũng theo anh Kha, từ mô hình nuôi lươn thành công của gia đình anh, khá nhiều hộ dân ở các xã đến xin học tập sản xuất theo nên nhu cầu lươn giống rất cao. Hiện tại gia đình anh đầu tư, xây dựng thêm trang trại thứ hai.
Mô hình nuôi lươn sinh sản của gia đình anh Nguyễn Quốc Kha là mô hình kinh tế tiêu biểu của địa phương, thể hiện cách nghĩ, cách làm mới của tuổi trẻ để làm giàu trên mảnh đất quê hương. Lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo cán bộ phụ trách phối hợp với nông dân tiến hành rà soát và nhân rộng mô hình.
Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ Tây Phạm Nguyễn Vũ |
NGỌC HÂN