Chợ cũng như nhà trẻ, trạm xá, trường học… là những công trình thiết yếu không thể thiếu tại các đô thị. Ngày nay, cho dù có các công trình thương mại như siêu thị, bách hóa xanh, các cửa hàng tiện ích nhưng cũng không thể thay thế được các chợ. Chợ gắn liền với bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình.
Một góc chợ Tuy Hòa. Ảnh: MINH NGUYỆT |
Chợ tại đô thị
TP Tuy Hòa có chợ Tuy Hòa (chợ trung tâm), chợ tại các phường nội thành và các xã ngoại thành. Nhiều chợ dân sinh có từ lâu đời song cũng có những chợ, điểm chợ mới được hình thành trong quá trình phát triển của đô thị.
Chợ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, có các món ăn dân dã truyền thống. Chợ dân sinh không chỉ phản ánh kinh tế của địa phương mà còn là nét văn hóa, nơi trao đổi kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi… tạo sự gắn kết tình làng nghĩa xóm. Các gia đình có thể cả tháng mới đi siêu thị một đôi lần, nhưng chợ thì đi thường xuyên hơn. Ngày nay, chợ còn là điểm đến của khách du lịch.
Theo quy hoạch khu vực nội thành có chợ Tuy Hòa, chợ Phường 7, chợ Tân Hiệp ở phường 2, chợ Liên Trì ở phường 9, chợ Phú Lâm ở phường Phú Lâm, chợ Hầm Nước (chợ Ga) tại phường Phú Thạnh, chợ Phường 6 (dưới cầu Vạn Kiếp). Một số phường không có chợ như: phường 1, phường 3, phường 4, phường 5 vì các phường này gần chợ trung tâm. Khu vực các xã ngoại thành có chợ Xéo ở xã Bình Ngọc, chợ xã Hòa Kiến, chợ Màng Màng ở xã Bình Kiến, chợ xã An Phú. Trong tương lai, chợ Màng Màng là chợ đầu mối trung chuyển hàng hóa ở cửa ngõ phía bắc của thành phố.
Ngoài các chợ trên, hiện có các điểm chợ mới được hình thành, tự phát như: Điểm chợ cuối đường Nguyễn Công Trứ (phường 6), điểm chợ đầu đường Trần Phú (chợ Bò) gần bến xe Thuận Thảo, điểm chợ tại ngã tư đường Mậu Thân và đại lộ Nguyễn Hữu Thọ thuộc phường 9, điểm chợ tại Xóm Rớ ở phường Phú Đông, điểm chợ trên đường Ngô Gia Tự ở phường Phú Thạnh và một số các điểm chợ khác.
Tất cả các chợ, điểm chợ đều có ban quản lý, làm nhiệm vụ sắp xếp nơi buôn bán, giữ gìn trật tự, quét dọn vệ sinh, thu lệ phí chợ… Các chợ ngày nào cũng có phiên, một số chợ chỉ họp vào buổi sáng; hàng hóa tại chợ khá phong phú, thực phẩm tươi sống, đặc biệt là dễ bán và dễ mua.
Nhiều chợ chỉ có những dãy lều tạm, khu vực chợ trời; chưa có nhà ban quản lý, nhà vệ sinh. Các điểm chợ tự phát thì buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường thường gọi là chợ xổm, cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị, cho dù thành phố đã nhiều lần giải tỏa nhưng chỉ thời gian ngắn, đâu lại vào đấy. Đặc biệt, hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa có hoặc có nhưng không đảm bảo khi xảy ra hỏa hoạn.
Mua bán tại một chợ xổm ở phường 9, TP Tuy Hòa. Ảnh: MINH NGUYỆT |
Cần được đầu tư, nâng cấp
Chợ Tuy Hòa trước đây có tên là chợ Dinh họp dưới chân núi Nhạn (phường 1). Khi đô thị Tuy Hòa được quy hoạch lần đầu thì chuyển về vị trí hiện nay và đổi tên là chợ Tuy Hòa. Chợ được đầu tư xây dựng lần 1 vào năm 1960, xây dựng 4 lồng chợ; lần 2 vào năm 1984, xây dựng nhà bách hóa và lần 3 vào năm 1996, cải tạo, mở rộng nhà bách hóa.
Bên cạnh chợ là bến xe nội thành nên thuận lợi cho hàng hóa từ nơi khác về, cũng như chuyển đi các chợ trong tỉnh. Chợ mua bán nhộn nhịp cả đêm trên đường Ngô Quyền. Theo quy hoạch, phía bắc chợ có đường Lê Lai và đoạn đường Phạm Hồng Thái đấu nối với đường Lê Lợi. Đây là hai đoạn đường tiếp nhận luồng hàng và luồng người từ phía đường Lê Lợi vào, còn là đường chữa cháy khi chợ xảy ra hỏa hoạn nên rất cần được đầu tư thông tuyến.
Các chợ phường, xã ổn định cần được cải tạo xây dựng: Làm nhà lồng chợ để bố trí các quầy hàng cố định, thay cho các lều chợ tạm, đầu tư về hạ tầng khu vực chợ trời, sân bãi đỗ xe, hệ thống cấp điện, cấp nước, nhà ban quản lý, nhà vệ sinh chợ. Trong các chợ phường có chợ Phú Lâm (huyện lỵ Tuy Hòa cũ) là chợ khu vực phía nam của thành phố, đã được đầu tư xây dựng có quy mô khá lớn. Chợ Phường 7 mới được xây dựng cùng với khu dân cư phường 7 sau ngày tái lập tỉnh, khá đẹp và thoáng đãng. Nơi đây cũng được tổ chức chợ đêm, là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch với nhiều món ăn dân dã rẻ mà ngon.
Cơ quan chức năng cần soát xét lại các điểm chợ tự phát, điểm nào phù hợp thì đầu tư, những điểm chợ họp trên lòng lề đường thì sáp nhập với các chợ gần đó, hoặc xây dựng chợ mới thay thế. Vị trí chợ mới phải thuận lợi về giao thông, gần khu dân cư, gần chợ cũ là tốt; cách xa các công trình như nhà trẻ, trạm xá và trường học.
Theo bán kính phục vụ thì hệ thống chợ phường tại nội thành Tuy Hòa còn thiếu, dọc đại lộ Hùng Vương khá dài chưa có chợ, nhất là tại các khu dân cư mới như phía nam cầu Hùng Vương, khu dân cư Ninh Tịnh (phường 9) và gần Khu công nghiệp An Phú. Chợ nên bố trí ở phía tây, bên trong đại lộ Hùng Vương, giáp với các khu dân cư để không ảnh hưởng đến giao thông trục chính toàn thành.
Là đô thị du lịch, một số chợ, điểm chợ cũng cần có tên mới thay cho những tên mà người dân thường gọi lâu nay như chợ Xéo, chợ Xổm, chợ Bò… đặt tên theo địa danh như chợ Liên Trì (phường 9), chợ Phú Câu (phường 6), chợ Màng Màng (xã Bình Kiến)… Việc đầu tư cho công trình chợ không chỉ mang lại đời sống, sinh hoạt cho người dân tốt hơn mà còn tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Chợ còn là nét văn hóa của đô thị.
Tuy Hòa đang quyết tâm đến năm 2025 trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Phú Yên. Ngoài việc đầu tư về hạ tầng kỹ thuật đô thị như giao thông, điện nước… thì cũng rất cần quy hoạch, xây dựng, chỉnh trang lại hệ thống chợ để đô thị này được văn minh hơn.
KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG