Những ngày qua, sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thêm 1%, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh liên tục công bố biểu lãi suất huy động mới. Điều này khiến nhiều người dân, doanh nghiệp đang vay vốn e ngại bởi không sớm thì muộn lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo.
Chạy đua huy động vốn
Trong vòng hơn 1 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước 2 lần tăng lãi suất điều hành, kéo theo cuộc đua tăng lãi suất huy động từ các ngân hàng thương mại. Nhập cuộc sau cùng, Vietcombank hiện huy động tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng với lãi suất 4,9%/năm, cao hơn 0,8 điểm % so với biểu lãi suất cũ. Đối với tiền gửi kỳ hạn 3 tháng, ngân hàng này huy động với lãi suất tăng thêm 1 điểm % lên 5,4%/năm; kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng điều chỉnh tăng cao nhất so với các kỳ hạn khác, thêm 1,3 điểm % lên mức 6%/năm; còn các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng từ 6,4%/năm lên 7,4%/năm.
Trước đó, ngày 27/10, ba ngân hàng thương mại Nhà nước là Agribank, BIDV và VietinBank cũng tăng lãi suất tiền gửi ở mọi kỳ hạn, với mức tăng tương đối giống nhau. Cụ thể, các ngân hàng này huy động tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng ở mức 4,9%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng là 5,4%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 7,4%/năm. Riêng kỳ hạn từ 6-9 tháng, lãi suất tại 3 ngân hàng này có sự khác biệt. Trong đó, VietinBank niêm yết 6%/năm, tăng 1,3-1,4 điểm % so với biểu lãi suất cũ. BIDV áp dụng mức 6%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 6,1%/năm cho kỳ hạn 9 tháng. Agribank thì niêm yết cùng một mức 6,1%/năm cho cả kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng.
Mặc dù không đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất huy động nhưng lãi suất niêm yết tại các ngân hàng thương mại Nhà nước hiện vẫn thấp hơn các ngân hàng thương mại tư nhân. Điển hình như tại MB, ngân hàng này đang huy động tiền gửi kỳ hạn 2 tháng đến dưới 6 tháng với lãi suất kịch trần cho phép là 6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6-8 tháng tăng 1 điểm % lên 7,6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 9-11 tháng tăng lên 7,7%/năm. Các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng, 60 tháng có lãi suất lần lượt là 8%/năm, 8,3%/năm, 8,4%/năm và 8,7%/năm, tăng khoảng 1,2 điểm % so với biểu lãi suất cũ. VPBank cũng áp dụng lãi suất 8,7%/năm dành cho các khoản tiền gửi trên 50 tỉ đồng tại các kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng. Với số tiền ít hơn, lãi suất cao nhất dao động từ 8-8,6%/năm, tùy kỳ hạn và số tiền gửi. Ngoài những cái tên kể trên, nhiều ngân hàng cũng có mức lãi suất cao nhất hơn 8%/năm như Kienlongbank, BacABank… Chưa kể, đối với kênh tiết kiệm online, khách hàng gửi tiền còn được cộng thêm lãi suất từ 0,2-0,5 điểm % tùy kỳ hạn.
Lãi suất huy động tăng cao là cơ hội để người gửi tiền có lãi suất thực dương trong bối cảnh lạm phát có chiều hướng tăng. Bên cạnh đó, vì các ngân hàng tăng lãi suất để cạnh tranh hút vốn nên nhiều người đã rút trước hạn tiền tiết kiệm để gửi qua ngân hàng có lãi suất cao hơn. Bà P.T.T ở phường 5, TP Tuy Hòa cho biết: Cách đây 2 tháng, tôi tất toán sổ tiết kiệm 300 triệu đồng tại một ngân hàng quốc doanh, sau đó gửi lại chính ngân hàng này. Thế nhưng mới đây, khi lãi suất huy động tăng cao, tôi cân nhắc rút trước hạn số tiền này gửi qua một ngân hàng thương mại tư nhân để hưởng lãi suất cao hơn.
Khách hàng tìm hiểu biểu lãi suất huy động tăng tại một chi nhánh ngân hàng thương mại ở TP Tuy Hòa. Ảnh: LÊ HẢO |
Nỗ lực ổn định lãi suất cho vay
Trong bối cảnh lãi suất huy động tăng, người gửi tiền mừng, còn người vay thì lo lắng. Chị Cao Thị Ngọc Linh, Giám đốc Công ty TNHH Granit Ngọc Linh (phường 9, TP Tuy Hòa), chuyên cung cấp và thi công đá granit cho các công trình xây dựng và nhà dân, chia sẻ: Thời gian qua, các ngân hàng đã tạo điều kiện để chúng tôi được vay các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi trong ngắn hạn. Tuy nhiên, khi lãi suất huy động liên tục tăng, “nước lên thuyền lên” nên lãi suất cho vay không sớm thì muộn sẽ tăng theo. Điều doanh nghiệp lo lắng là không biết lãi suất cho vay sẽ tăng đến mức nào.
Theo khảo sát của chúng tôi, ngay khi điều chỉnh biểu lãi suất huy động, nhiều ngân hàng cũng đã công bố lãi suất cơ sở mới. Cụ thể, lãi suất cơ sở tại ACB ở mức 8%/năm, tăng 0,5 điểm % so với trước đó; lãi suất cơ sở của Sacombank thì dao động trong khoảng 6-8,3%/năm tùy kỳ hạn… Thông thường, các ngân hàng sẽ tính lãi suất cho vay theo công thức lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3-4% mỗi kỳ điều chỉnh. Như vậy, mức lãi suất cho vay thời gian tới sẽ không dưới 10%/năm, trừ những khoản vay dành cho các lĩnh vực ưu tiên áp dụng trần lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là cố gắng duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp nhất để hỗ trợ nền kinh tế. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng tích cực triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% để chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp vay vốn. “Hiện Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để ổn định lãi suất cho vay mà vẫn đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền”, ông Lĩnh cho hay.
LÊ HẢO