Từ ngày 20/10-3/11, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị Tuyên truyền về nâng cao chất lượng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong tình hình mới năm 2022 (gọi tắt là cuộc vận động) tại 9 xã, phường (mỗi huyện, thị xã, thành phố chọn 1 xã, phường) trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao khả năng tiếp cận, đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng.
Tăng tương tác cho hàng Việt
Làm công việc nội trợ nên các chị Phạm Thị Minh Tâm, Phan Thị Trang, Phạm Thị Như Lý, cùng ở thôn Hòa Đa, xã An Mỹ ( huyện Tuy An) rất quan tâm đến cuộc vận động. Khi nghe Hội LHPN xã An Mỹ thông báo có Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền về cuộc vận động ngay tại xã, các chị sắp xếp việc nhà để tham gia. Tại hội nghị, các chị và nhiều đại biểu khác chăm chú lắng nghe các thành viên của ban chỉ đạo cuộc vận động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến cuộc vận động; giới thiệu những sản phẩm, thương hiệu Việt chất lượng, những doanh nghiệp uy tín để người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt trên thị trường.
Chị Phạm Thị Minh Tâm cho hay: Hàng hóa mà gia đình tôi sử dụng đa phần là hàng Việt, không chỉ vì giá cả phải chăng mà còn có chất lượng tốt, ghi rõ nơi sản xuất, hạn sử dụng. Đặc biệt là tôi luôn ưu tiên chọn các loại rau củ, trái cây... tươi theo tiêu chuẩn VietGAP để ưu tiên cho bữa ăn của gia đình. Còn chị Phan Thị Trang nói: “Tham gia hội nghị này, tôi được biết thêm một số sản phẩm OCOP của tỉnh, như khóm, cà phê, bò một nắng, chả, rau sạch… Tôi sẽ tìm mua các sản phẩm này để góp phần ủng hộ sản phẩm địa phương”.
Các ý kiến của người tiêu dùng cho thấy hàng Việt ngày càng chiếm được niềm tin của khách hàng vì có nguồn gốc, nhãn hiệu riêng; chất lượng không ngừng được cải thiện; đa dạng chủng loại, mẫu mã… phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Chị Trần Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch Hội LHPN xã An Mỹ chia sẻ: Chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân ngày càng tăng cao. Qua trao đổi với chị em hội viên, chúng tôi biết họ rất quan tâm đến hàng Việt. Vậy nên, ngoài các chương trình truyền thông, hội LHPN xã còn nhận phân phối các sản phẩm hàng Việt như dầu ăn, nước tương, bột giặt… tại các chợ hoặc đưa đến tận nhà cho chị em trong xã. Đây là những điểm mạnh để tăng sự phủ sóng hàng Việt đến người tiêu dùng.
Sau nhiều năm thực hiện cuộc vận động, thói quen và sở thích sử dụng hàng Việt thật sự thấm sâu vào tiềm thức người dân, từ người mua, người bán cho đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Đồng hành với doanh nghiệp, các ngành chức năng đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng. Theo bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, báo cáo viên tại các hội nghị tuyên truyền cuộc vận động, với những cách làm cụ thể, đa dạng trong tuyên truyền sẽ giúp thay đổi được nhận thức, thói quen mua sắm hàng Việt của người tiêu dùng, từ đó giúp hàng Việt ngày càng đứng vững trên thị trường.
Tạo sự lan tỏa
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, hiệu quả, từ đầu năm đến nay, ban chỉ đạo cuộc vận động và các cấp, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã chung tay tạo sức lan tỏa, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, góp phần kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Ông Hồ Hồng Nam, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh, cho biết: Ngay từ đầu năm, Ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện cuộc vận động trên địa bàn tỉnh năm 2022. Phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tổ chức các hoạt động, chương trình Đưa hàng Việt Nam về nông thôn, Tự hào hàng Việt Nam; đồng thời cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm nhân dịp triển khai tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022. Đặc biệt là lần này, ban chỉ đạo cuộc vận động tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa, mục đích cuộc vận động về các xã, phường, nhằm tạo sự thống nhất nhận thức, hành động trong Đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận xã hội về đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động. “Từ đó sẽ giúp người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam; xây dựng văn hóa của người tiêu dùng trong tình hình mới”, ông Hồ Hồng Nam nhấn mạnh.
Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về cuộc vận động bằng nhiều hình thức phù hợp tới các cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân là nhằm khuyến khích và ưu tiên mua các sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Đồng thời qua đó phát hiện và kịp thời giới thiệu những cách làm hay, gương điển hình trong thực hiện cuộc vận động trong tình hình mới.
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hồ Hồng Nam |
THÚY HẰNG