Việc định hướng xây dựng, phát triển Chương trình OCOP và Chương trình Phát triển du lịch nông thôn đang giúp Phú Yên tạo ra không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM) ngày càng hiệu quả và thực chất hơn.
Gắn OCOP với du lịch nông thôn
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 là tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân nông thôn; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn. Do vậy, Chương trình OCOP và Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng NTM đang được các địa phương triển khai, nhân rộng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Du lịch cộng đồng An Mỹ (huyện Tuy An), cho hay: “Mô hình du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa tại khu nghỉ dưỡng Mộc Miên Rocky Garden là sản phẩm OCOP du lịch đầu tiên của tỉnh được công nhận 4 sao trong năm 2021. Những lĩnh vực đơn vị tập trung khai thác là nông nghiệp, du lịch và giáo dục. Khu du lịch cộng đồng sẽ bao gồm khu vực trưng bày sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương dưới hình thức chợ phiên, phục vụ trải nghiệm văn hóa, truyền thống bản địa. Mô hình còn cung cấp các khu vực làm việc, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, nơi lưu trú tập thể dưới hình thức nhà vườn tạo thành khu trải nghiệm làng thu nhỏ”.
Ông Phạm Thọ Trường, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB Farm (huyện Sơn Hòa) chia sẻ: “Sau một thời gian nỗ lực, HTX BB Farm đã được UBND tỉnh công nhận 3 sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện BB Farm đang có các khu tham quan về nông nghiệp công nghệ cao, các farmstay để khách lưu trú và đây là định hướng phát triển lâu dài nên HTX tiếp tục đăng ký tham gia Chương trình OCOP với mô hình trải nghiệm du lịch cộng đồng tại BB Farm”.
“Tại Phú Yên, Chương trình OCOP được tổ chức thực hiện tương đối đồng bộ. Toàn tỉnh có 41 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 6 sản phẩm đạt 4 sao và 35 sản phẩm đạt 3 sao. Sản phẩm OCOP bước đầu đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Các địa phương đã thấy được lợi thế, cơ hội để phát huy và khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển dịch vụ du lịch nông thôn”, ông Nguyễn Đức Thắng khẳng định.
Khai thác tiềm năng, lợi thế từng địa phương
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, các sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng địa phương như: khóm Đồng Din, rượu tằm Hòa Phong, nước mắm Tân Lập, hạt tiêu đen Sơn Thành, dầu phộng Xuân Phước… đã xây dựng được thương hiệu địa phương. Trong tương lai, nếu gắn kết được hoạt động sản xuất các sản phẩm OCOP với hoạt động du lịch sẽ góp phần nâng cao giá trị cho các sản phẩm này.
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh, cho hay: “Giai đoạn 2021-2025, Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, hành động cán bộ, tổ chức, cá nhân về phát triển du lịch nông thôn bền vững; xây dựng các điểm đến, sản phẩm du lịch và hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân…”.
Theo ông Nguyên, trên cơ sở tổng hợp danh sách đăng ký của các địa phương, sở đã đăng ký triển khai Chương trình Phát triển du lịch nông thôn theo Quyết định 922 của Thủ tướng Chính phủ trình Bộ NN-PTNT xem xét, tổng hợp với 9 mô hình.
Ông Ngô Quốc Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Dũng Lỗ Chài ở thôn Ngọc Sơn, xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) phấn khởi nói: Huyện vừa tổ chức đánh giá, phân hạng 3 sản phẩm của HTX gồm: mãng cầu Lỗ Chài, mít Thái Lỗ Chài và du lịch nông nghiệp trải nghiệm organic vườn cây ăn trái Dũng Lỗ Chài. Kết quả, các sản phẩm trên đều đạt 3 sao. Việc đạt sản phẩm OCOP hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.
Chương trình OCOP có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, được tất cả các địa phương chủ động triển khai một cách hiệu quả và thành công, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng NTM. Thời gian tới, các địa phương cần chủ động xây dựng, ban hành đề án, kế hoạch triển khai Chương trình OCOP và Chương trình Phát triển du lịch nông thôn phù hợp với tiềm năng, lợi thế từng địa phương. Đồng thời ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, lồng ghép các nguồn vốn để triển khai Chương trình OCOP; hỗ trợ đầu tư hạ tầng, điểm du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ |
NGỌC HÂN