Thứ Năm, 03/10/2024 18:16 CH
Công nghiệp phụ trợ:
Tăng năng lực sản xuất công nghiệp
Thứ Ba, 09/09/2008 15:29 CH

Ngành Công nghiệp phụ trợ (CNPT) tạo giá trị gia tăng cho ngành sản xuất công nghiệp từ 80-85%, góp phần phát triển năng lực sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, CNPT với hàm lượng công nghệ cao sẽ là nơi sử dụng và đào tạo tại chỗ cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân chất lượng cao, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

o-to-080909.jpg

Nếu ngành công nghiệp phụ trợ phát triển tốt, thì công nghiệp lắp ráp ô tô sẽ phát triển nhanh hơn, giảm nhập siêu. Trong ảnh: Lắp ráp ô tô tại Công ty JRD (huyện Tuy An) - Ảnh: D.T.XUÂN

 

Hiện nay 70-80% sản phẩm phụ trợ của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp phải nhập khẩu; những sản phẩm phụ trợ của các doanh nghiệp nội địa có hàm lượng giá trị công nghệ và giá trị gia tăng thấp như bao bì, xốp chèn...

 

Tại Hội thảo quốc gia lần thứ nhất về Phát triển CNPT ở Việt Nam, ông Nguyễn Nội (Cục Đầu tư nước ngoài-Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhập siêu trong những năm qua của Việt Nam đó là do ngành CNPT trong nước còn yếu và thiếu nên các doanh nghiệp buộc phải nhập khối lượng lớn máy móc, linh kiện, nguyên liệu, bộ phận rời của thiết bị.

 

Từ những ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn như sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, máy tính, đồ điện tử đến những ngành chủ yếu dựa vào lao động nhân công rẻ như dệt may, da giày đều phụ thuộc vào nguyên vật liệu, linh kiện từ các nhà cung cấp bên ngoài.

 

Có 12 mặt hàng nhập khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó nhập khẩu máy móc thiết bị, phụ tùng 10,3 tỉ USD, vải 3,9 tỉ USD, linh kiện điện tử, máy tính 2,9 tỉ USD, nguyên phụ liệu dệt may, da 2,1 tỉ USD, ô tô 1,4 tỉ USD (riêng linh kiện bộ phận chiếm 900 triệu USD). Điều này đồng nghĩa với việc giá trị gia tăng trong từng sản phẩm thấp, giá thành bị đội cao, sản xuất trong nước bị phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.

 

Theo ông Nguyễn Nội, hiện nay chúng ta mới chỉ quan tâm thu hút và dành chính sách ưu đãi cho các tập đoàn lớn vào đầu tư sản xuất tại Việt Nam mà chưa quan tâm, khuyến khích cụ thể cho các công ty nhỏ đi theo các tập đoàn này. Thực tế chính những công ty nhỏ này mới là nhà sản xuất linh kiện, bộ phận thực sự tại Việt Nam, là đối tượng hợp thành ngành CNPT, tăng tính tự chủ về nguyên vật liệu cho ngành sản xuất công nghiệp Việt Nam.

 

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài,  nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm phát triển của ngành CNPT Việt Nam đó là do chính sách ưu tiên của Việt Nam cho ngành công nghiệp này chưa rõ ràng, cụ thể. Muốn tạo bước đột phá mới cho ngành CNPT Việt Nam, ông Toàn cho rằng “Cần có sự xác định rõ ràng những sản phẩm trọng điểm, để từ đó có chiến lược đầu tư có chiều sâu, ưu tiên về chính sách, thuế, tài chính và kêu gọi đầu tư nước ngoài kết hợp với đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ”.

 

Do vậy, vấn đề đào tạo nhân lực, chính sách khuyến khích đầu tư trên cơ sở một chiến lược phát triển CNPT rõ ràng, cụ thể, minh bạch với những sản phẩm trọng điểm, đột phá cùng với chính sách đầu tư chiều sâu là những bước đi cần thiết trước mắt để thay đổi diện mạo ngành CNPT Việt Nam.

 

(chinhphu.vn)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek