Những ngày qua, các ngân hàng thương mại liên tục tăng mạnh lãi suất tiền gửi sau động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước vào cuối tháng 9/2022.
Cụ thể, chiều 5/10, HDBank Phú Yên công bố biểu lãi suất tiết kiệm với mức tối đa lên đến 7,74%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 13 tháng. Ở kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng này huy động với lãi suất 7,7%/năm; ở kỳ hạn 6 tháng là 7,6%/năm; còn kỳ hạn từ 1-5 tháng là 5%/năm.
Trước đó, đầu tháng 10/2022, Kienlongbank Phú Yên cũng tăng mạnh lãi suất huy động với mức ưu đãi lãi suất lên đến 7,9%/năm dành cho khách hàng gửi tiết kiệm online. Đối với khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại quầy, mức lãi suất có sự điều chỉnh 0,3% trên toàn bộ các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tiết kiệm tại quầy kỳ hạn từ 6-36 tháng dao động từ 7-7,6%/năm, với hình thức lãnh lãi cuối kỳ.
Ở khối ngân hàng thương mại Nhà nước, các ngân hàng Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV có lãi suất huy động khá tương đồng với mức 0,1%/năm ở kỳ hạn 1 tháng, 4,4%/năm kỳ hạn 3 tháng, 4,7%/năm kỳ hạn 6 tháng (riêng Agribank là 4,8%/năm) và cao nhất là 6,4%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng trở lên. Mặc dù đây là mức lãi suất thấp so với mặt bằng chung nhưng so với biểu lãi suất áp dụng tại các ngân hàng này trước đó, các mức lãi suất kể trên đã tăng tới 1 điểm %. Chưa kể, để cạnh tranh với các ngân hàng thương mại tư nhân, các ngân hàng này còn chủ động tăng từ 0,4-0,5 điểm %/năm đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm trực tuyến.
Xu hướng tăng lãi suất huy động từ đầu năm đến nay đã “kéo” nguồn vốn trong dân cư quay trở lại hệ thống ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, ước đến cuối tháng 9/2022, tổng nguồn vốn huy động trên toàn địa bàn đạt 35.922 tỉ đồng, tăng 11,8% so với cuối năm 2021. Trong đó, tiền gửi huy động từ các khu vực đạt 35.786 tỉ đồng, chiếm 99,6% tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn, tăng 11,9% so với cuối năm 2021. Trong khi cùng thời điểm này của năm 2021, tổng vốn huy động toàn địa bàn chỉ tăng 7,7%.
LÊ HẢO