Chủ Nhật, 24/11/2024 08:47 SA
Xây dựng thương hiệu OCOP gắn với câu chuyện sản phẩm
Thứ Sáu, 30/09/2022 07:27 SA

Từ trái khóm, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa) đã tạo ra các sản phẩm tiêu dùng đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3-4 sao. Ảnh: NGỌC HÂN

Sau gần 4 năm triển khai, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã từng bước tạo dựng niềm tin về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP có chỗ đứng trên thị trường, các chủ thể phải chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Và cách để làm được điều này dễ dàng, hiệu quả nhất chính là từ những câu chuyện về sản phẩm.

 

Mỗi sản phẩm là một câu chuyện

 

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, khi tham gia chương trình OCOP, ngoài được ngành chức năng hướng dẫn quy trình hồ sơ thủ tục tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm như: tư vấn hoàn thiện phương án sản xuất kinh doanh, xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường, bản tự công bố chất lượng sản phẩm, thiết kế nhãn mác, bao bì… thì câu chuyện về sản phẩm là phần khá quan trọng. Vì mỗi sản phẩm là một câu chuyện thể hiện sự nỗ lực, niềm tự hào của chủ thể trong quá trình làm ra sản phẩm.

 

Việc xây dựng câu chuyện về sản phẩm của HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (HTX Đồng Din) ở huyện Phú Hòa là một ví dụ. Năm 2021, khi lập hồ sơ tham gia đánh giá đối với các sản phẩm khóm Đồng Din, ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX này đã cùng cộng sự viết những câu chuyện sản phẩm dựa trên cảm nhận về vùng trồng khóm Đồng Din ngày trước.

 

Ông Chương chia sẻ: “Tôi lấy ý tưởng từ câu chuyện của chính gia đình mình. Ba mẹ tôi nhiều năm gắn bó với nghề trồng khóm, xót xa khi chứng kiến cảnh nông sản mỗi vụ thu hoạch được mùa mất giá, bị thương lái ép giá phải mang khóm bán đổ bán tháo. Với mong muốn làm chủ sản phẩm mình làm ra, cùng bà con địa phương đưa cây khóm trở thành nông sản có giá trị trên thị trường, năm 2018, tôi đã đứng ra thành lập HTX Đồng Din và hợp tác với các hộ nông dân, liên kết từ khâu trồng đến chế biến các sản phẩm. Câu chuyện tôi viết ra đã được Hội đồng OCOP cấp tỉnh đánh giá rất cao về mặt nội dung cũng như thông điệp muốn truyền tải”.

 

Cà phê Superior của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hương Hương Phú (TP Tuy Hòa) vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao. Sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu cà phê sạch gắn với câu chuyện khởi đầu cảm xúc. Theo bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hương Hương Phú, hơn 30 năm trước, nhận thấy được sức hút của cà phê ở Tuy Hòa nên vợ chồng bà khi ấy đang là chủ cơ sở cung cấp trà đã đầu tư công sức tìm tòi, học hỏi bí quyết tạo nên hương vị cà phê độc đáo cho riêng mình.

 

“Để làm nên hương vị đặc trưng cà phê Superior, nguyên liệu chế biến được tuyển chọn hạt với quy trình nghiêm ngặt ủ lên men, rang sấy mà không phải tẩm ướp gia vị. Bên cạnh đó, bao bì sản phẩm được đầu tư thiết kế với hình ảnh Tháp Nhạn, mang nét văn hóa đặc trưng của Phú Yên đã thu hút khách du lịch tìm đến thưởng thức và mua về làm quà tặng người thân, bạn bè”, bà Hương chia sẻ.

 

Câu chuyện cà phê Superior được Hội đồng OCOP cấp tỉnh đánh giá cao về mặt nội dung cũng như thông điệp muốn truyền tải. Ảnh: NGỌC HÂN

 

Khẳng định niềm tin về sản phẩm

 

Đến nay, toàn tỉnh có 41 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó 6 sản phẩm đạt 4 sao và 35 sản phẩm đạt 3 sao. Từ đây đến cuối năm 2022, các đơn vị chức năng tiếp tục hỗ trợ, vận động các chủ thể tham gia, đánh giá thêm khoảng 30 sản phẩm OCOP để khẳng định thương hiệu, mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn nữa, nâng cao thu nhập các thành viên chủ thể sản phẩm.

 

“Thực tế cho thấy các hộ kinh doanh, kể cả HTX, doanh nghiệp nhỏ khó có thể cạnh tranh với các đơn vị sản xuất quy mô lớn. Do đó, OCOP phải khai thác, tiếp cận thị trường theo một cách khác, đó là dựa vào chính sự đặc sắc có tính bản địa của sản phẩm và câu chuyện sản phẩm chính là công cụ hiệu quả để thực hiện truyền thông, quảng bá cho OCOP”, ông Nguyễn Đức Thắng cho hay.

 

Nói về tầm quan trọng của câu chuyện sản phẩm, ông Trần Kiên, chuyên gia tư vấn quốc gia về chương trình OCOP cho biết: “Khi khách hàng mua sản phẩm OCOP để tiêu dùng hoặc làm quà tặng, ngoài chất lượng, họ còn quan tâm đến câu chuyện về sản phẩm. Vì vậy, chủ thể cần cho người tiêu dùng thấy rõ vì sao sản phẩm đó lại sản xuất ở Phú Yên, có đặc điểm gì nổi bật và khác biệt so với những sản phẩm tương tự ở các nơi khác”.

 

Theo ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, những năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp và triển khai hiệu quả chương trình OCOP. Sở NN-PTNT đã và đang phối hợp đơn vị tư vấn, UBND các huyện, thị, thành phố hỗ trợ tư vấn cho gần 50 chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm. Trong giai đoạn tới đây, câu chuyện sản phẩm vẫn chiếm tỉ lệ điểm số cao trong thang điểm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Muốn xây dựng câu chuyện sản phẩm phải xuất phát từ chính niềm tự hào của người dân, của cộng đồng về sản phẩm đó. 

 

Câu chuyện sản phẩm là thông điệp mà chủ thể OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng nhằm thay đổi cảm xúc của người mua. Nó mang giá trị vô hình nhưng lại chạm đến cảm xúc và trái tim, làm thay đổi hành vi, trở thành một phần lý do khiến khách mua hàng. Với OCOP, thông điệp của sản phẩm còn ẩn chứa cả niềm tự hào của vùng quê và người làm ra nó.

 

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Lý Nguyên

 

NGỌC HÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek