Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tăng cường quản lý khoáng sản, từng bước chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế. Tuy nhiên, ở một số địa phương, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra. UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý khoáng sản, khẩn trương hoàn tất các thủ tục để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Nhu cầu cát xây dựng, đất san lấp rất lớn
Theo Sở TN-MT, quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) và than bùn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 gồm 55 mỏ cát xây dựng, 75 mỏ đá và 83 mỏ đất. Năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXDTT năm 2021 và những năm tiếp theo với 41 mỏ, trong đó đá 8 mỏ, đất san lấp 21 mỏ, cát 6 mỏ, sét gạch ngói 6 mỏ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 đơn vị được cấp phép khai thác cát xây dựng, với tổng diện tích 72ha, tổng công suất khai thác 220.000m3/năm; có 4 đơn vị được cấp phép khai thác đất san lấp, với tổng diện tích 27ha, tổng công suất khai thác 280.000m3/năm; có 16 đơn vị được cấp phép khai thác đá, với tổng diện tích 90ha, tổng công suất khai thác 1,2 triệu m3/năm. So với nhu cầu thực tế khối lượng cát xây dựng, đất san lấp được cấp phép khai thác không đủ cung cấp cho các công trình xây dựng hàng năm trên địa bàn tỉnh dẫn đến một số công trình chậm tiến độ; đồng thời xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản không phép, trái phép.
Theo ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, hiện nay, nhu cầu cát xây dựng, đất san lấp để thi công các công trình là rất lớn nhưng trên địa bàn huyện không có mỏ cát, đất nào, phải mua ở các địa phương lân cận nên chi phí rất cao. Đợt này, tỉnh đưa ra đấu giá quyền khai thác 18 mỏ khoáng sản làm VLXDTT; trong đó, huyện Đồng Xuân có 1 mỏ cát khoảng 5ha ở xã Xuân Sơn Nam, 2 mỏ đất hơn 20ha ở xã Xuân Quang 3 và xã Xuân Phước, 1 mỏ sét gạch ngói 6,3ha ở xã Xuân Phước. Tỉnh cần khẩn trương triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ này nhằm đáp ứng nhu cầu cát xây dựng, đất san lấp hiện nay…
Ông Đặng Ngọc Anh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết: Năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã tổ chức đấu giá thành công 2 mỏ cát (ở huyện Sơn Hòa, Sông Hinh) và 2 mỏ đất (ở huyện Tây Hòa). Đầu tháng 8/2022, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt phương án đấu giá 18 mỏ khoáng sản làm VLXDTT trên địa bàn tỉnh, trong đó có 11 mỏ đất (hơn 142ha), 3 mỏ cát (25ha), 3 mỏ sét (hơn 20ha) và 1 mỏ đá (7,4ha). Sở TN-MT đang phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai các bước tiếp theo để tổ chức đấu giá quyền khai thác các mỏ khoáng sản này.
TX Đông Hòa đang chấn chỉnh hoạt động khai thác đá chẻ viên trái phép trên địa bàn. Ảnh: ANH NGỌC |
Khẩn trương đấu giá quyền khai thác
Theo UBND tỉnh, thời gian qua, lợi dụng sơ hở trong quản lý của cơ quan Nhà nước, một số tổ chức, cá nhân đã khai thác trái phép các loại khoáng sản, nhất là đối với đất san lấp. Một số địa phương chưa làm tốt trách nhiệm quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa được cấp phép khai thác trên địa bàn; còn xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép tại các địa phương nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để. Một số đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản chưa thực hiện nghiêm quy định về khoáng sản, đất đai, môi trường trong hoạt động khai thác. Công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, hoạt động khoáng sản chưa thường xuyên, việc xử lý vi phạm chưa kiên quyết. Công tác triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn chậm…
Giám đốc Sở TN-MT Đặng Ngọc Anh cho biết: Để đáp ứng nhu cầu khoáng sản làm VLXDTT phục vụ các công trình xây dựng trên địa bàn, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết cập nhật, bổ sung các điểm mỏ khoáng sản làm VLXDTT vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXDTT và than bùn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với tổng diện tích đề nghị bổ sung vào quy hoạch hơn 2.469ha, trong đó đá xây dựng 71ha, đá chẻ hơn 33ha, cát xây dựng hơn 693,5ha, đất san lấp hơn 1.633,5ha và đất sét gần 38ha.
“Để chuẩn bị tổ chức đấu giá các mỏ khoáng sản trong thời gian tới, vừa qua lãnh đạo UBND tỉnh đã thống nhất phương án, giá khởi điểm, tiền đặt trước và bước giá đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 11 mỏ đất, 3 mỏ cát, 3 mỏ sét và 1 mỏ đá làm VLXDTT trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu Sở TN-MT khẩn trương hoàn tất các thủ tục để tổ chức đấu giá theo quy định, theo hướng tổ chức đấu giá bằng hình thức gián tiếp, tổ chức đấu giá các mỏ khoáng sản trong một ngày, có quy định chặt chẽ điều kiện (như năng lực tài chính, kinh nghiệm…) của các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá; thực hiện đúng quy định pháp luật trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản; không đưa vào phương án quy định điều kiện không được vận chuyển ra ngoài tỉnh”, đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho hay.
UBND tỉnh đề nghị các địa phương phải xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc quản lý các khu vực, mỏ khoáng sản chưa cấp phép khai thác ở địa phương. Sở TN-MT và các sở, ngành chức năng của tỉnh và địa phương phải theo dõi, quản lý chặt chẽ các mỏ khoáng sản đã cấp phép, đảm bảo khai thác đúng vị trí, đúng khối lượng theo giấy phép. Trách nhiệm này phải phân định rõ và thực hiện tốt trong thời gian tới.
Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh |
ANH NGỌC