Có 700m2 đất làm nông nghiệp, bà Phạm Thị Mận (SN 1961), hội viên phụ nữ xã Hòa An, huyện Phú Hòa chọn canh tác các loại rau màu theo hướng an toàn để cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Vừa qua, bà Mận được Hội LHPN huyện Phú Hòa chọn là gương điển hình tiên tiến quý III năm 2022 trong lĩnh vực trồng rau sạch.
Làm rau an toàn
Bà Đặng Thị Nhẹ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đông Phước, xã Hòa An, huyện Phú Hòa, cho biết: Tại địa phương, diện tích trồng rau của gia đình bà Mận khá khiêm tốn, nhưng sản phẩm được người dân trong thôn xóm rất tin tưởng. “Như gia đình tôi, quanh năm ăn rau ở vườn nhà tự trồng nhưng khi thiếu hụt hoặc vào các dịp lễ tết, tôi cũng mua thêm rau nhà bà Mận. Nhiều năm qua, bà Mận chỉ làm rau sạch nên tôi rất an tâm khi sử dụng”.
Chia sẻ về lý do không chạy theo năng suất mà chỉ tập trung trồng rau an toàn, bà Mận nói: Tôi mới làm vườn hơn chục năm nay. Ban đầu, tôi cũng trồng rau theo phương pháp truyền thống, sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên đất nhanh bạc màu, cằn cỗi. Tuy nhiên, rau không đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nên khi bán ra, tôi không tự tin. Thấy tôi tự trồng rau để bán, vài người quen khuyên tôi nên làm rau sạch, bán giá đắt nhưng họ sẽ mua. Nghe vậy, từ đó tôi bắt đầu giảm phân thuốc rồi tiếp đó bỏ hẳn thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế dùng phân và chỉ dùng khi cây trồng còn nhỏ, giãn cách thời gian đủ lâu để khi thu hoạch, rau được an toàn. Từ khi trồng rau sạch, tôi thấy cái lợi trước mắt là mọi người trong gia đình tôi, rồi hàng xóm ở gần không phải chịu mùi thuốc bảo vệ thực vật nên khỏe hơn. Sau nữa là con cái tôi có đứa ăn chay trường nên khi chúng ăn rau nhà trồng không phải lo lắng về an toàn thực phẩm.
Hiện vườn rau của bà Mận được phân thành các khoảnh nhỏ. Mỗi khoảnh, bà trồng một loại rau khác nhau. Bí được thả trên giàn, khổ qua leo trên hàng rào, chậu hẹ nằm bên cạnh giếng. Rau đay, rau lang, mồng tơi, rau cải mỗi loại một góc. “Phải trồng xen mỗi thứ một ít như vậy mới hạn chế sâu bệnh. Không dùng thuốc mà trồng một đám to rau rất dễ bị rầy, bị hư. Cũng vì ít dùng phân, thuốc nên các loại rau của tôi đều thu hoạch lúc còn non. Dù nhẹ ký nhưng nhiều người rất thích, tôi mang xuống chợ Tuy Hòa bán trong chốc lát là hết”, bà Mận chia sẻ.
Bà Mận là hội viên phụ nữ nhiệt tình trong công tác hội, nhất là công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Không chỉ gương mẫu trong việc thực hiện mô hình 5 không, 3 sạch, bà Mận còn chịu khó học hỏi mô hình trồng rau an toàn tại gia đình, đồng thời vận động các hộ khác trồng rau theo hướng sạch, an toàn nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng tại địa phương. Vừa qua, bà Mận đã được Hội LHPN huyện Phú Hòa chọn là gương điển hình tiên tiến quý III năm 2022 trong lĩnh vực trồng rau sạch.
Không ngừng học hỏi kiến thức mới
Được sự quan tâm của Hội LHPN xã, bà Mận đã tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn chị em tiếp cận các kiến thức khoa học kỹ thuật, các phương pháp trồng rau sạch, nông sản ngắn ngày để phát triển kinh tế. Bà Mận mong muốn có thêm nhiều kiến thức để có thể vừa trồng rau an toàn, vừa tăng năng suất cho cây trồng, giúp gia đình tăng thêm thu nhập.
Mô hình trồng rau sạch của bà Mận thời gian qua mang lại hiệu quả cao so với trồng rau sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy giá cả nhiều khi bấp bênh nhưng nhìn chung hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn. Cụ thể, mỗi ký rau do bà Mận trồng luôn bán cao hơn giá chung của thị trường từ 10.000-20.000 đồng. Bình quân mỗi tháng, bà có thu nhập tầm 6 triệu đồng. Dù vậy, bà Mận cho biết, năng suất của vườn rau gia đình bà không cao.
Để cải thiện năng suất vườn rau, hiện bà Mận tham gia lớp học sản xuất rau an toàn do HTX Đông Hòa An triển khai. Tại đây, bà Mận được tập huấn những biện pháp phòng, chống sâu bệnh trên rau bằng phân vi sinh ủ từ phân chuồng, rơm rạ… Bà cũng được hướng dẫn cách ủ thuốc trừ sâu từ gừng, ớt, là các sản phẩm thân thiện với môi trường và bảo đảm an toàn cho người dùng. Những khóa học này thật sự có ý nghĩa trong tình hình nông nghiệp công nghệ cao đang ngày càng phát triển, nông dân lại ít có điều kiện tiếp cận với nhiều nguồn kiến thức bài bản. Sau khóa học, các học viên được hướng dẫn vận dụng vào thực tế sản xuất tại gia đình.
Theo bà Trần Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Hòa, mô hình trồng rau sạch nhà bà Mận là một trong những mô hình hiệu quả, tạo điều kiện phát triển kinh tế ổn định cho hội viên phụ nữ của địa phương. Thời gian tới, Hội LHPN huyện Phú Hòa sẽ phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn để tăng năng suất, chất lượng cho các mô hình sản xuất rau màu. Bên cạnh đó, hội cũng tích cực vận động để có thêm nhiều chị em tham gia trồng rau an toàn, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm sạch để bà con yên tâm sử dụng, qua đó cải thiện thu nhập của chị em.
Bà Phạm Thị Mận là hội viên phụ nữ tiêu biểu của huyện Phú Hòa. Bà nhiệt tình trong công tác hội, nhất là công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Không chỉ gương mẫu trong việc thực hiện mô hình 5 không 3 sạch, bà Mận còn chịu khó học hỏi triển khai mô hình trồng rau an toàn tại gia đình, đồng thời vận động các hộ trồng rau theo hướng sạch, an toàn nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng tại địa phương. Bà Trần Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Hòa |
THÁI HÀ