Từ đầu năm 2022 đến nay, rừng ở các huyện miền núi Sơn Hòa và Sông Hinh vẫn bị đốn hạ, khai thác trái phép. Cơ quan chức năng đã vào cuộc để ngăn chặn, hạn chế tình trạng phá rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Nhiều diện tích rừng bị chặt phá
Mới đây, tại tiểu khu 165 (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa), chúng tôi ghi nhận nhiều cây rừng có đường kính từ 20-30cm vừa bị chặt hạ, cưa xẻ thành từng khúc, chất thành đống, chuẩn bị đưa ra khỏi rừng. Nhiều người ở địa phương cho biết, tình trạng người dân lén lút vào chặt hạ cây rừng loại nhỏ để làm củi và cưa xẻ cây gỗ lớn vẫn thường xuyên xảy ra, tập trung tại khu vực suối Quanh (thôn Tân Hội, xã Sơn Hội). Ngoài ra, do thiếu đất sản xuất, một số hộ dân xã Sơn Hội đã vào rừng tự nhiên lấn chiếm, chặt bỏ cây rừng, phát dọn tạo mặt bằng để trồng keo, bạch đàn.
Ông Trần Ngọc Tây, Chủ tịch UBND xã Sơn Hội, cho biết: “Chúng tôi đã nắm được thông tin vụ việc chặt phá cây rừng vừa xảy ra tại tiểu khu 165. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng nhận thấy, cây rừng bị chặt phá chủ yếu là cây trang nước, thuộc loại gỗ tạp. Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản và tìm đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định”.
Trước đó, tại Sông Hinh, theo ghi nhận của Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh, tại khoảnh 4, tiểu khu 293, xã Ea Ly đã xảy ra tình trạng phá rừng trái pháp luật với diện tích 32.800m2. Tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện vết xe cơ giới, san, ủi, đào gốc cây rừng tự nhiên; nhiều gốc cây và thân cây nằm tại khu vực bị phá. Đây được xác định là khu vực quy hoạch rừng sản xuất do Công ty TNHH Trồng rừng Trường Thành OJI quản lý. Vụ việc này đã được Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Sông Hinh thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tăng cường kiểm tra, tuyên truyền
Từ năm 2021 đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã khởi tố, mở rộng điều tra chín vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn xã Sơn Hội. Các khu vực rừng bị chặt phá tập trung tại các tiểu khu: 156, 158, 160, 162, 165, 167, 168, V3.2 với tổng diện tích 26,7ha. Ngoài ra, tại xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), 4 vụ đang được điều tra làm rõ. Mới đây, UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Ngô Thị Tú Anh (SN 1980, trú xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) 162,5 triệu đồng về hành vi phá rừng trái pháp luật tại khoảnh 6, tiểu khu 158, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa với diện tích thiệt hại 0,26ha thuộc rừng tự nhiên, phân loại rừng phòng hộ. Đây được xem là những biện pháp răn đe mạnh mẽ của cơ quan chức năng đối với tình trạng phá rừng trái phép.
Tuy nhiên, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện vẫn còn tình trạng một số nơi, rừng bị khai thác trái phép. Nguyên nhân là từ năm 2021 đến nay, lợi dụng tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một số đối tượng đã lén vào rừng để lấn chiếm đất và phá rừng. Diện tích rừng lớn ở các xã miền núi khiến việc kiểm tra, phát hiện các đối tượng vi phạm gặp nhiều khó khăn.
Ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: “Để ngăn chặn tình trạng phá rừng như hiện nay, trong khi chờ cơ quan chức năng kiện toàn lực lượng, bổ sung biên chế cho ngành Kiểm lâm, chi cục đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan, đoàn thể và chủ rừng tăng cường kiểm tra, rà soát đối tượng vi phạm để tuyên truyền; đồng thời vận dụng các cơ chế, chính sách của Nhà nước để giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân, từ đó không thực hiện các hành vi phá rừng”.
Để ngăn chặn tình trạng phá rừng như hiện nay, trong khi chờ cơ quan chức năng kiện toàn lực lượng, bổ sung biên chế cho ngành Kiểm lâm, chi cục đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan, đoàn thể và chủ rừng tăng cường kiểm tra, rà soát đối tượng vi phạm để tuyên truyền; đồng thời vận dụng các cơ chế, chính sách của Nhà nước để giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân, từ đó không thực hiện các hành vi phá rừng.
Ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh |
NHẬT HUY