Chủ Nhật, 24/11/2024 19:40 CH
Đồng xanh điểm xuyết bẹo chuột
Thứ Ba, 23/08/2022 09:43 SA

Nhiều người bắt chuột bằng cách đổ nước vào hang trên cánh đồng phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa). Ảnh: LÊ TRÂM

Dọc theo các cánh đồng từ Đông Hòa, Phú Hòa đến Tuy An, Đồng Xuân vào thời điểm lúa đang thì con gái, đâu đâu cũng thấy bao bì ni lông giăng trắng khắp các ruộng lúa, gọi là bẹo chuột. Theo bà con nông dân, bẹo chuột là để dọa, không cho chuột cắn phá lúa, tuy nhiên cách làm này không mấy hiệu quả.

 

Ngành chức năng khuyến cáo, nông dân cần thực hiện nhiều biện pháp kết hợp như dùng nôm bắt chuột hoặc dùng bẫy, bả thuốc… diệt chuột xuyên suốt cả vụ.

 

Mẹo xưa bày nay làm

 

Trên cánh đồng xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), nhiều đám ruộng, nông dân dùng bao bì ni lông bẹo chuột. Nhiều nơi, cọc ni lông cắm cao trên đám lúa đủ sắc màu, phổ biến nhất là màu trắng. Ông Nguyễn Văn Sơn đang cắm bẹo cho hay: Chuột cắn nát lúa. Trên cánh đồng này không có đám nào mà không có dấu răng của chuột. Tôi dùng những cọc nhỏ quấn lên đầu cây tấm ni lông đem ra bẹo ở chỗ nào chuột cắn lúa để chúng sợ mà đi nơi khác.

 

Cạnh đó, ông Thái Văn Sáu đang be bờ đắp lỗ mội đám ruộng của mình, chia sẻ: Chuột cắn phá nên tôi phải be bờ lấy nước ngập đầu ông Tý chặn lội vô cắn lúa. Cả cánh đồng này, ai cũng rên nạn chuột. Tôi và nhiều người ra ruộng bẹo đủ sắc màu ni lông trên cánh đồng, thế nhưng tôi để ý, chỗ nào bẹo thì có giảm, còn những chỗ khác chuột vẫn cắn phá lúa.

 

Cánh đồng rộng lớn từ An Ninh Đông qua An Ninh Tây rồi đến An Thạch (huyện Tuy An), bẹo chuột cũng phất phơ theo từng cơn gió với đủ sắc màu. Nhiều đám lúa bị chuột cắn nhiều đến mức xuất hiện những khoảnh đất trống to bằng cả cái sàng, cái nong lỗ chỗ trên đồng. Ông Phan Văn Tấn ở xã An Ninh Đông chia sẻ: Xưa bày nay làm. Bởi chuột cắn phá lúa dữ quá nên ai cũng dùng mẹo này để chuột sợ. Nhưng bẹo chỗ này, nó lại cắn phá chỗ khác, lâu ngày chúng không còn sợ bẹo nữa.

 

Dọc theo quốc lộ 1 từ TP Tuy Hòa chạy dài đến xã Hòa Xuân Nam (TX Đông Hòa) và từ xã Hòa Bình 1 đến xã Hòa Phong, Hòa Phú (huyện Tây Hòa), trên các cánh đồng đều tràn ngập các loại bẹo chuột. Ông Lương Văn Lê, Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tây Hòa, nhìn nhận: Việc nông dân dùng ni lông bẹo chuột không mấy hiệu quả. Bẹo ngày đầu tiên lạ mắt chuột tránh, nhưng đến ngày thứ hai, thứ ba thấy quen mặt, chúng không sợ nữa, lại cắn phá lúa. Theo ông Lê, để ngăn chặn chuột cắn phá lúa, hoa màu, nông dân nên diệt chuột từ đầu vụ bằng cách dùng bẫy, đào hang bắt chuột… Tuy nhiên, ở một số xã, do đặc điểm địa hình và chưa thật sự áp dụng các biện pháp diệt chuột triệt để nên chuột cắn phá, năng suất lúa và hoa màu bị ảnh hưởng.

 

Nhiều cách diệt chuột

 

Để bảo vệ mùa màng, ngay từ đầu vụ sản xuất, Sở NN-PTNT phát động phong trào Toàn dân tham gia diệt chuột, đồng thời chỉ đạo các địa phương và nông dân thực hiện nhiều biện pháp kết hợp, như dùng nôm hoặc dùng bẫy, bả thuốc… diệt chuột xuyên suốt cả vụ. Trong đó, biện pháp dùng nôm, đặt bẫy ban đêm được xem là tối ưu và có lợi cho môi trường sinh thái. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp ghi nhận, ở phường Hòa Vinh (TX Đông Hòa); xã Hòa An, Hòa Trị (huyện Phú Hòa) là những nơi tổ chức diệt chuột thành công nhất. Người dân thức đêm đặt bẫy diệt chuột hiệu quả.

 

Nông dân dùng ni lông bẹo chuột trên cánh đồng xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa). Ảnh: LÊ TRÂM

 

Từ khi sạ lúa hè thu đến nay, cứ vào lúc sẩm tối, ông Nguyễn Ngọc Bước ở phường Hòa Vinh lại mang theo hàng trăm chiếc bẫy bán nguyệt ra cánh đồng trước nhà để bẫy chuột. Đến khuya, ông lại lặn lội ra thăm bẫy. Trung bình mỗi đêm có đến 50 con chuột dính bẫy, tính từ khi gieo sạ đến nay, ông đã diệt trên 2.000 con chuột. Ông Bước chia sẻ: Chuột thường cắn phá lúa vào ban đêm nên muốn diệt chúng, mình phải chịu khó thức khuya. Đặc tính của chuột là đa nghi nên đặt bẫy không đặt hoài một chỗ mà phải thường xuyên chuyển từ chỗ này sang chỗ khác mới bắt được nhiều chuột.

 

Trên các cánh đồng Hòa An, Hòa Trị, ban đêm bà con nông dân dùng bẫy bán nguyệt đặt khắp các thửa ruộng. Sáng sớm, ông Lê Văn Kim ở xã Hòa An thu gom bẫy cho hay: Trước đây, nhiều diện tích lúa dọc theo quốc lộ 25 vào thôn Vĩnh Phú, chuột đào hang ẩn nấp trong các mô đất cạnh kẽ đá. Người bắt không thể phá hết được các hang ổ nên chuột sinh sản nhiều, tàn phá lúa và hoa màu. Vào đầu vụ sản xuất, nông dân chúng tôi đã ra quân diệt chuột, nhưng do địa hình có nhiều bờ vùng, bờ cao, lại không tiến hành đồng bộ nên chuột di chuyển từ vùng này đến vùng khác. Ở những bờ vùng cao, có người đổ nước vào hang cho chuột ngộp thở trồi đầu ra, có người dùng bẫy bán nguyệt… Chúng ta phải ra quân đồng loạt thì chuột mới giảm, lúa mới phát triển thuận lợi.

 

Còn ông Nguyễn Tám ở xã Hòa Trị cho hay: Có năm, chuột cắn phá từ khi cây lúa vừa ra lá non, nhiều đám ruộng lộ ra chòm đất trống to bằng cái sàng, cái nong. Còn vụ này, bà con nông dân chịu khó thức đêm đặt bẫy diệt chuột nên các cánh đồng vào thời điểm này lúa trải dài, xanh mượt.

 

Chuột là đối tượng gây hại thường xuyên trên đồng ruộng, rất khó phòng trừ và đang là vấn nạn đối với nhà nông. Nông dân cần tập trung diệt chuột đồng bộ bằng nhiều cách để chúng không di chuyển từ đồng này sang đồng khác, cắn phá lúa, hoa màu. Các địa phương nên tổ chức phát động phong trào diệt chuột xuyên suốt, đồng loạt bằng nhiều biện pháp như đào bắt, đặt bẫy, bả bằng thuốc hóa học và sinh học nhằm hạn chế số chuột sinh sản trên đồng ruộng.

 

Ông Nguyễn Lê Lanh Đa,

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên

 

MẠNH LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek