UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của kế hoạch nhằm hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế tỉnh; phát triển được nhiều sản phẩm dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.
Mục tiêu cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021-2025 là 10,54%. Nâng cao tỉ trọng đóng góp của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó năng suất các nhân tố tổng hợp đạt 35% GRDP của tỉnh. Tỉ lệ bội chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 đảm bảo nằm trong mức giới hạn nợ công theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; dự toán bội chi ngân sách địa phương hàng năm phù hợp với mức bội chi được Quốc hội thông qua và Thủ tướng Chính phủ giao; bội chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 nằm trong phạm vi kế hoạch tài chính 5 năm tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025 đã được HĐND tỉnh phê chuẩn.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm chiếm khoảng 45% GRDP; nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổchức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%; số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 10%/năm giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu số lượng doanh nghiệp mới trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 2.500 doanh nghiệp. Tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 40%; tỉ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP giai đoạn 2021-2025 tối thiểu 10% và tỉ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực giai đoạn 2021-2025 đạt tối thiểu 10%.
Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 230 hợp tác xã, trong đó có khoảng 45 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Nhiệm vụ và giải pháp của kế hoạch tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách Nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập. Phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực. Phát triển lực lượng doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Ngoài ra, tập trung cơ cấu lại các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố xem xét, bổ sung vào kế hoạch của sở, ngành, địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Đồng thời chỉ đạo triển khai ngay các giải pháp, nhiệm vụ theo chức năng thẩm quyền, phù hợp với điều kiện thực tế ở từng ngành, lĩnh vực và địa phương.
(PYP)