Thời gian qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp để liên kết những nông dân có chung ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Việc này đã tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các hội viên, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.
Mô hình liên kết 5 cùng
Ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Thực hiện đề án Xây dựng chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp và nghị quyết về đẩy mạnh xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, với tiêu chí 5 cùng: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, phối hợp hoạt động, các chi, tổ hội nghề nghiệp đã nâng cao tinh thần và trách nhiệm của hội viên, nông dân khi tham gia sinh hoạt, đồng thời giúp tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình.
Tại xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa, sau khi rà soát, khảo sát, nắm rõ tình hình từ chi hội, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên, Hội Nông dân xã đã chọn chi hội thôn Sơn Nghiệp để thành lập các chi hội nghề nghiệp trồng cây ăn trái, cây nha đam và tổ hội trồng cây quýt đường với hơn 40 hội viên tham gia. Ông Lê Thành Công, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Thành Tây, cho biết: “Trước đây, khi chưa tham gia vào chi, tổ hội, các hộ gia đình sản xuất và thu hoạch đơn lẻ nên chưa gắn kết để tạo thành sản phẩm hàng hóa, vì vậy thị trường tiêu thụ không ổn định. Sau khi tham gia vào tổ hội, các hội viên được chuyển giao khoa học, kỹ thuật, được hỗ trợ vốn vay để đầu tư cây giống, phân bón, cải tạo đất... sản xuất chuyên canh. Cũng trên diện tích ấy, nhưng khi đã có chung một nguồn cung, sản phẩm các loại trái cây của tổ hội trở thành hàng hóa có tính cạnh tranh cao với đầu ra ổn định”.
Còn tại xã An Cư, huyện Tuy An, mô hình chi hội nghề nghiệp chiếu cói được thành lập vào năm 2020 theo Đề án 24 với 30 thành viên tham gia, đều là những lao động chuyên sản xuất chiếu cói tại địa phương. Bà Nguyễn Thị Lan, thành viên chi hội này phấn khởi nói: “Từ chỗ sản xuất đơn lẻ, sau khi tham gia chi hội, chúng tôi được hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Hiện bình quân mỗi ngày, chi hội sản xuất hàng trăm sản phẩm, được tiêu thụ mạnh trên thị trường trong và ngoài tỉnh”.
Đổi mới hình thức hoạt động
Theo Hội Nông dân tỉnh, sau khi các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp được thành lập, các cấp hội nông dân cùng chính quyền, cơ quan chức năng các huyện, thị, thành phố tạo điều kiện để các đơn vị này hoạt động hiệu quả như: Tạo nguồn vốn vay ưu đãi; mời các chuyên gia ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ đến tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật; xây dựng các mô hình mẫu và gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), kết nối các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh đến liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm… Qua gần 6 năm triển khai, đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 65 chi hội nghề nghiệp và gần 200 tổ hội nghề nghiệp với hơn 3.300 thành viên. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2022, 4 chi hội và 33 tổ hội nghề nghiệp và 11 tổ hợp tác, HTX được thành lập, với hơn 400 thành viên hoạt động trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề.
Ông Nguyễn Văn Tâm, thành viên chi hội nghề nghiệp chổi đót tại xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, chia sẻ: “Khi nghe hội nông dân xã vận động thành lập chi hội, tôi và nhiều hộ dân ở xã đăng ký tham gia ngay. Chi hội nghề nghiệp chổi đót ra đời đã giúp các hộ làm chổi có dịp trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chia sẻ thông tin thị trường tiêu thụ; đồng thời được hỗ trợ vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất…”. Theo ông Nguyễn Siêng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Hòa, việc thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp giúp hội viên có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật, phương thức canh tác; được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức sản xuất, chế biến ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, các hội viên còn được hỗ trợ tiêu thụ, hỗ trợ xúc tiến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Theo ông Huỳnh Văn Dũng, thông qua các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, nông dân có thêm điều kiện nắm bắt các chủ trương, chính sách, thực hiện tốt phong trào hội nông dân, liên kết giúp đỡ nhau trong sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả thiết thực. “Hội nông dân các cấp sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, qua đó góp phần nâng cao tư duy tự lực, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của hội viên, tăng khả năng dẫn dắt đông đảo nông dân cùng phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Phấn đấu năm 2022, 9 chi hội và 70 tổ hội nghề nghiệp sẽ được thành lập”, ông Dũng khẳng định.
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ xây dựng và triển khai thực hiện các đề án: Xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025; Xây dựng mô hình điểm các chi hội nông dân nghề nghiệp theo nguyên tắc 5 tự, 5 cùng; Hội Nông dân tỉnh Phú Yên tham gia phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2020-2025; Tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân khởi nghiệp…
Ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh |
NGỌC HÂN