Nghị quyết 20 định hướng phát triển các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian tới theo hướng công nghệ, chuỗi giá trị nông sản... Việc nhận thức rõ nhiệm vụ mới để hiểu được những thách thức và vươn lên nắm bắt cơ hội sẽ giúp các HTX khẳng định được vai trò của mình.
Sản phẩm dầu đậu phộng của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước sẽ được đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp và tiếp cận thương mại điện tử để ổn định khâu tiêu thụ, hoàn thiện hơn nữa chuỗi giá trị. Ảnh: CTV |
Nâng tầm nhiệm vụ
Đồng hành cùng nông dân trong sản xuất là nhiệm vụ căn bản của các HTX nông nghiệp. Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, nhiệm vụ này không chỉ dừng lại ở việc triển khai các dịch vụ hỗ trợ mà HTX còn phải tổ chức, định hướng để hoạt động sản xuất của thành viên bắt kịp với các xu thế phát triển kinh tế mới.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới chỉ rõ, các HTX gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; các tổ chức KTTT phát triển gắn với xu thế kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức… Từ đây đặt ra yêu cầu, KTTT của tỉnh phải chuyển từ sản xuất thủ công, nhỏ lẻ sang ứng dụng KH-CN theo hướng thân thiện với môi trường, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm và số hóa các khâu từ quản lý, sản xuất chế biến đến tiếp cận thị trường và bán sản phẩm.
Thời gian qua, các HTX nông nghiệp đã làm tốt việc quản lý lịch thời vụ thông qua các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Một số HTX bắt đầu tiếp cận công nghệ số, hình thành chuỗi giá trị nông sản, nhưng số lượng không nhiều và chưa bền vững ở tất cả các khâu. Vì vậy, để thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới, các HTX cần tiếp tục kiện toàn.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), nhiệm vụ trọng tâm mà các HTX nông nghiệp phải làm thời gian tới, gồm đổi mới tư duy, hình thức, phương thức hoạt động theo Luật HTX năm 2012; đầu tư dây chuyền chế biến nông sản, phát triển sản phẩm hàng hóa để hoàn thiện chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất, chế biến đến xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh tiêu thụ. “Ưu tiên hàng đầu của HTX là chăm lo lợi ích, nâng cao đời sống, thu nhập cho thành viên. Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, HTX cần phát huy tốt vai trò là trung tâm kết nối giữa doanh nghiệp với người dân. Đây chính là bản chất và thế mạnh của HTX. Phát huy tốt những điều này cộng với sự trợ lực từ chính sách của Nhà nước và sự đồng hành của các cấp, ngành, HTX sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mới”, ông Thắng khẳng định.
Hợp tác xã nỗ lực thực hiện
Chọn nông sản chủ lực của địa phương, của tỉnh để xây dựng sản phẩm hàng hóa theo hướng OCOP là cách hoàn thiện chuỗi giá trị tại nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Dư, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), nhờ chương trình OCOP, HTX xây dựng thành công sản phẩm dầu đậu phộng và làm chủ các khâu từ sản xuất đến chế biến. Thời gian tới, HTX đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp và tiếp cận thương mại điện tử để ổn định khâu tiêu thụ, hoàn thiện hơn nữa chuỗi giá trị.
Hiểu được vai trò của công nghệ trong tiếp cận thị trường, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa) là một trong số ít HTX áp dụng nền tảng số ngay khi hoàn thành sản phẩm thương mại trên cây khóm truyền thống. Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX này cho biết: Không chỉ có lập trang cá nhân trên Facebook, Zalo…, HTX còn tạo kênh Youtube và website riêng để quảng bá sản phẩm, chia sẻ không gian vùng sản xuất với khách hàng trong và ngoài nước. Kinh tế số đã là xu thế của toàn cầu, muốn hòa nhập và phát triển, HTX phải tiếp cận và làm chủ. Thực tế cho thấy, thời gian qua nếu không có nền tảng số, sản phẩm của HTX không thể vươn ra thị trường và đến với người tiêu dùng nhanh như vậy. Đặc biệt, đợt đại dịch COVID-19 vừa qua đã chứng minh việc áp dụng công nghệ là đúng đắn.
Theo Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh có 35 HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị trên các nông sản như lúa gạo, khóm, đậu phộng, sen…; 6 HTX có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh 4 sao, 3 sao; 15 HTX tham gia vào 23 chuỗi và nhóm chuỗi nông sản toàn tỉnh. Ngoài ra, khoảng 10 HTX đang hoàn thành sản phẩm, xây dựng thương hiệu và đăng ký tham gia chương trình OCOP... Đây chủ yếu là các HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp và là những HTX hoạt động hiệu quả.
“Một số HTX nông nghiệp đang đi đúng hướng khi gắn hoạt động của đơn vị vào các chương trình phát triển kinh tế của địa phương như xây dựng NTM, mỗi xã một sản phẩm, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Một số HTX còn lúng túng do thiếu nội lực về vốn cũng như chọn cây trồng chủ lực để xây dựng thương hiệu. Giai đoạn tới chính là cơ hội để mỗi HTX nông nghiệp nâng cao hoạt động theo chiều sâu nếu nắm bắt tốt những ưu đãi từ chính sách cũng như hội đủ điều kiện để thụ hưởng...”, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lê Thanh Lam nói.
BẠCH VÂN