Dự án Đa dạng hóa sinh kế tại xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) được triển khai từ tháng 6/2020, do Công ty CP TTP Phú Yên tài trợ với đối tượng ưu tiên là các hộ gia đình liên quan đến dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời Hòa Hội. Đến nay, mô hình đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân và hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo.
Tín hiệu vui
Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hội, Trưởng ban Phát triển dự án, với mục tiêu nâng cao năng lực và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động địa phương, dự án Đa dạng hóa sinh kế tại xã Hòa Hội được triển khai nhằm tăng thu nhập cho các hộ gia đình thông qua cho vay vốn và thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả; đồng thời nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ xã nhằm quản lý có hiệu quả các nguồn lực của dự án.
Sau gần 2 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ cho 65 hộ gia đình trên địa bàn xã Hòa Hội vay vốn hơn 1,3 tỉ đồng để đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ; 5 hộ thực hiện các mô hình nuôi trùn quế, bồ câu, heo rừng lai với tổng kinh phí hỗ trợ 14 triệu đồng và hỗ trợ 5 hộ xây dựng mô hình chuồng trại hợp vệ sinh với kinh phí 8 triệu đồng.
Chị Lê Thị Kim Gấm ở buôn Hố Hầm, một trong những hộ gia đình tham gia dự án, cho biết: “Với số tiền hiện có của gia đình, cộng với vốn vay thêm từ dự án, gia đình tôi đã cải tạo 1ha đất để triển khai mô hình trồng cây ăn trái như: bưởi da xanh, dừa xiêm, mãng cầu, mít thái… Sau 2 năm canh tác, gia đình đã thu hoạch và có thu nhập ổn định”.
Cũng theo chị Gấm, ngoài mô hình trồng cây ăn trái, gia đình chị đã phát triển đàn gia súc gồm 7 con bò, 20 con dê, 20 con heo. Song song đó, gia đình chị còn phát triển mô hình nuôi trùn quế trên diện tích 24m2 vừa giúp xử lý chất thải trong chăn nuôi, vừa có phân hữu cơ bón cho vườn cây ăn trái, giảm ô nhiễm môi trường.
Còn theo anh Lờ O Sửu ở buôn Hố Hầm, đầu năm 2021, gia đình anh được vay vốn từ dự án 20 triệu đồng đầu tư nuôi dê. Đến nay, vốn đầu tư vào mô hình đã lên đến 50 triệu đồng với quy mô 11 con giống. Sau 16 tháng, gia đình anh đã bán 5 con, thu về 10 triệu đồng. Hiện chuồng trại có hơn 30 con dê lớn nhỏ.
“Dự kiến đến tháng 10 năm nay, gia đình sẽ bán thêm 5 con dê thành phẩm nữa. Chúng tôi cũng có kế hoạch mua bổ sung 10 con giống, mở rộng chuồng trại và quy mô chăn nuôi dê”, anh Sửu cho biết.
Ông Lê Ngọc An, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hội, cho biết: “Dự án đã góp phần giảm từ 54 hộ nghèo và 165 hộ cận nghèo (năm 2019) còn 31 hộ nghèo và 151 hộ cận nghèo của xã (năm 2021). Bằng nguồn vốn vay kết hợp với số tiền tiết kiệm, các hộ hưởng lợi từ dự án đã đầu tư mở rộng sản xuất, qua đó giúp tăng thu nhập với mức trung bình tăng thêm 6 triệu đồng/hộ sau 6 tháng đầu tư”.
Tiếp tục hỗ trợ, phát triển sinh kế
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, tư vấn Công ty CP TTP Phú Yên, mục tiêu tiếp theo của dự án trong thời gian tới là quản lý cho vay và thu hồi vốn vay cho các hộ có nhu cầu vay vốn phát triển sinh kế, khuyến khích thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp mới và có hiệu quả, tìm kiếm sản phẩm OCOP, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp của cộng đồng với đơn vị chế biến cuối cùng. Đồng thời, dự án cũng duy trì quy định cho vay vốn với lãi suất thấp, thời gian vay không quá 36 tháng, hoàn trả lãi hàng tháng, trả gốc định kỳ 6 tháng; mở rộng nhóm đối tượng các hộ hưởng lợi tham gia dự án; hỗ trợ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp trong suốt thời gian vay vốn.
Thời gian tới, ngoài tiếp tục hỗ trợ các mô hình đã triển khai hiệu quả, dự án sẽ thúc đẩy kế hoạch liên kết chuỗi giá trị cây sắn trên địa bàn xã Hòa Hội. Trong đó, tập trung xây dựng mô hình trồng sắn trên diện tích canh tác hàng năm trung bình khoảng 500ha, năng suất bình quân từ 35-40 tấn/ha và liên kết với Nhà máy Sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân để tiêu thụ sản phẩm.
Với những tín hiệu vui từ dự án đa dạng hóa sinh kế tại xã Hòa Hội, tin tưởng rằng, mô hình sẽ tiếp tục được triển khai hiệu quả và nhân rộng không chỉ trên địa bàn xã Hòa Hội mà còn lan rộng đến các địa phương khác trong huyện. Từ đó góp phần phát huy hiệu quả công tác giảm nghèo của huyện.
Qua việc triển khai dự án đa dạng hóa sinh kế tại xã Hòa Hội cho thấy, dự án bước đầu phát huy hiệu quả, tạo điều kiện, động lực để hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi tập quán sản xuất, từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Các mô hình, dự án hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa Đinh Công Thạch |
QUỲNH CHI