Hội thảo Khoa học và công nghệ trong phát triển tôm hùm tỉnh Phú Yên đến năm 2030 vừa diễn ra tại TX Sông Cầu. Mục đích của hội thảo là nhằm bàn giải pháp, triển khai ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị cũng như có được môi trường sản xuất bền vững sản phẩm tôm hùm.
Phóng viên Báo Phú Yên lược ghi một số ý kiến tại hội thảo này.
ÔNG ĐỖ THÁI PHONG, BÍ THƯ THỊ ỦY SÔNG CẦU: Nuôi tôm hùm đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương
TX Sông Cầu có vị trí địa lý và điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi tôm hùm. Những năm qua, nghề nuôi tôm hùm đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp rất lớn vào kinh tế - xã hội, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho phần lớn người dân trên địa bàn. Hiện trên địa bàn thị xã có khoảng 58.695 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm, sản lượng tôm hùm nuôi năm 2021 đạt 1.050 tấn.
Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hùm hiện nay còn nhiều thách thức như việc quản lý nguồn giống, thức ăn, vùng nuôi, đặc biệt các hộ nuôi tôm hùm luôn phải đối mặt trước nhiều rủi ro của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu bất thường, môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm, tôm hùm tiêu thụ phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch…
Thời gian qua, địa phương rất quan tâm đến phát triển nghề nuôi tôm hùm, Ban Thường vụ Thị ủy Sông Cầu đã ban hành kế hoạch phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và chỉ đạo xây dựng đề án phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) bền vững trên địa bàn thị xã. TX Sông Cầu luôn tạo điều kiện thuận lợi và mong muốn được hợp tác với các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp tài trợ, hỗ trợ thị xã nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để khai thác thế mạnh vốn có một cách hợp lý, bền vững, đặc biệt là phát triển nghề nuôi tôm hùm và sản phẩm tôm hùm.
TS THÁI NGỌC CHIẾN, VIỆN NGHIÊN CỨU NUÔI TRỒNG THỦY SẢN III: Giải pháp phát triển nghề nuôi tôm hùm theo hướng bền vững
Để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại Phú Yên, tỉnh có thể ứng dụng hai công nghệ nuôi sau đây. Công nghệ nuôi trên bờ: Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Viện NCNTTS III) đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi tôm hùm bông trong hệ thống bể đạt năng suất 5kg/m2”, công nghệ này đã chuyển giao thành công cho Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc. Công nghệ nuôi này đầu tư kinh phí tuy khá cao (tối thiểu 1 tỉ đồng cho một trại với công suất 1 tấn tôm thương phẩm/vụ 8-14 tháng), song hầu như sẽ khắc phục được các yếu tố rủi ro, nhất là chế độ cho ăn và kiểm soát dịch bệnh. Công nghệ nuôi tôm hùm bằng lồng HDPE theo kiểu Na Uy: Viện NCNTTS III đã thực hiện thành công đề tài nuôi tôm hùm bằng lồng HDPE tại Thanh Hóa. Lồng HDPE có thể sử dụng nuôi tôm hùm ở các vùng mở, vùng nước sâu xa bờ, có khả năng chống chịu bão rất tốt, tôm nuôi sinh trưởng nhanh. Việc nghiên cứu các vùng xa bờ để phát triển nghề nuôi tôm hùm là rất cần thiết ở Phú Yên và cần ứng dụng công nghệ nuôi lồng kiểu Na Uy.
Phú Yên cần phải đánh giá sức tải môi trường, trên cơ sở phân bổ số lượng lồng nuôi phù hợp cho từng vùng cụ thể. Mật độ lồng nuôi theo quy định là 30-60 lồng/ha, khoảng cách giữa các cụm của các hộ nuôi trung bình 100m. Theo quy hoạch của Phú Yên, tổng diện tích nuôi tôm hùm là 1.650ha, số lồng nuôi theo kiểu truyền thống có thể 10.000 lồng, mỗi hộ trung bình 10 lồng là phù hợp. Nếu nuôi bằng lồng HDPE thì khoảng 2.000 lồng (2.000 lồng HDPE tương đương 30.000 lồng gỗ truyền thống).
Ngoài ra, địa phương cũng nên hình thành các hợp tác xã nuôi và chế biến tôm hùm, xây dựng thương hiệu tôm hùm để nâng cao giá trị gia tăng và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xuất khẩu sản phẩm tôm hùm theo đường chính ngạch. Phú Yên nên xây dựng chương trình giám sát, quản lý chất lượng tôm hùm theo chuỗi sản phẩm, triển khai các mô hình nuôi tôm hùm theo VietGAP để bảo vệ môi trường và phòng ngừa dịch bệnh.
TS MAI DUY MINH, VIỆN NGHIÊN CỨU NUÔI TRỒNG THỦY SẢN III: Tiếp tục nghiên cứu thức ăn công nghiệp cho tôm hùm nuôi
Các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu khá nhiều về sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm nuôi, tuy nhiên có nghiên cứu thành công và cũng có nghiên cứu chưa đáp ứng như mong muốn. Ở Việt Nam, các nhà khoa học của Trường đại học Nha Trang và Viện Hải dương học Nha Trang đã nghiên cứu thức ăn công nghiệp cho tôm hùm và ghi nhận đem lại hiệu quả kinh tế, nhưng thức ăn này chưa được sử dụng rộng rãi trong nuôi tôm hùm lồng.
Từ năm 2020 đến nay, nhóm tác giả của Viện NCNTTS III và Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc đã nghiên cứu, sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm xanh và tôm hùm bông trong bể tái sử dụng nước bằng hệ thống lọc tuần hoàn (RAS). Nuôi tôm hùm trong bể ở Khánh Hòa và Phú Yên bằng thức ăn công nghiệp đã đem lại kết quả tích cực về tăng trưởng, tỉ lệ sống và chất lượng sản phẩm (màu sắc, chất lượng thịt). Hiện nhóm tác giả đang đánh giá lại về hiệu quả kinh tế của mô hình.
Hiện nay, nuôi thương phẩm trong RAS, đang áp dụng 50% thức ăn viên công nghiệp và 50% thức ăn tươi cho tôm hùm bông, còn tôm hùm xanh có thể áp dụng 100% thức ăn viên đến cỡ 0,25kg/con. Ương tôm hùm bông giống bằng thức ăn công nghiệp đạt tỉ lệ sống cao, nhưng tăng trưởng chậm. Nhóm nghiên cứu chưa thử nghiệm thức ăn công nghiệp dạng viên trong nuôi tôm hùm lồng biển.
TS LÊ VĂN CHÍ, VIỆN NGHIÊN CỨU NUÔI TRỒNG THỦY SẢN III: Cần thêm thử nghiệm để sản xuất nhân tạo giống tôm hùm
Nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo tôm hùm đã được các nhà khoa học trên thế giới thực hiện từ hơn 100 năm qua. Tuy nhiên, kết quả ương nuôi vẫn còn hạn chế và chưa thành công đối với một số loài tôm hùm trong họ Panulirus.
Ở Việt Nam, chỉ có hai nghiên cứu liên quan đến sản xuất giống tôm hùm được thực hiện trong khoảng 25 năm qua. Nhìn chung, các nghiên cứu này mang tính chất thăm dò và kết quả đạt được còn rất hạn chế.
Gần đây, nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo tôm hùm bông Panulirus ornatus được Bộ KH-CN giao cho Viện NCNTTS III thực hiện từ năm 2019-2023. Kết quả nghiên cứu đến nay tương đối khả quan. Ấu trùng tôm hùm bông được lưu giữ hơn 6 tháng và tạo được một số ấu trùng phyllosoma 10. Tuy nhiên, cần thêm một số thử nghiệm để có thể thành công trong việc nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo tôm hùm.
Quy hoạch tổng thể diện tích nuôi thủy sản lồng bè ở Phú Yên đến năm 2025 là 1.650ha, với 49.000 lồng đủ điều kiện để phát triển nuôi biển công nghiệp. Trong đó, TX Sông Cầu là 1.000ha, 32.900 lồng (16.000 lồng nuôi thương phẩm và 14.000 lồng ương tôm hùm giống, cá các loại là 2.900 lồng); huyện Tuy An là 650ha, 16.100 lồng (tôm hùm thương phẩm là 11.000 lồng, ương tôm hùm giống 4.000 lồng, cá 1.100 lồng); rong biển 208ha; ốc hương 170ha; sò huyết 150ha. |
ANH NGỌC (thực hiện)