Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, Phú Yên luôn quan tâm, coi trọng nhiệm vụ bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường. Nhờ vậy, bộ mặt nhiều làng quê ngày một đổi mới, đời sống người dân được nâng cao.
Hố chứa rác thải, thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng tại xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân. Ảnh: NGỌC HÂN |
Xác định tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện trong bộ tiêu chí xây dựng NTM nên ngay từ khi triển khai chương trình, các địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người dân về công tác bảo vệ môi trường, tạo dựng cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp.
Tích cực tuyên truyền, vận động
Ông Hồ Văn Nhân, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho hay, trước đây, công tác bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập do chưa kiểm soát được việc xử lý bao bì, thuốc bảo vệ thực vật; tỉ lệ thu gom rác thải ở nông thôn còn thấp; chăn nuôi chưa đảm bảo vệ sinh môi trường… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các địa phương đã có nhiều giải pháp thiết thực vận động người dân thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm với công tác bảo vệ môi trường, chung sức cùng cộng đồng góp phần cải tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng môi trường sống.
Theo Chủ tịch UBND xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) Nguyễn Thị Minh Sương, là một xã miền núi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán và nét văn hóa riêng, nên trước đây, việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ở Ea Ly hạn chế, vẫn còn tình trạng người dân vứt rác bừa bãi, chăn nuôi heo, bò thả rông… gây ô nhiễm môi trường. “Khi xây dựng NTM, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, chúng tôi đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, tuyên truyền vận động hướng dẫn cụ thể cho mỗi gia đình nên ý thức của người dân ngày càng được nâng lên, đường làng ngõ xóm sạch đẹp. Hiện nay, cảnh quan môi trường ở các thôn, buôn trên địa bàn xã đã có sự thay đổi rõ nét; khu vực trung tâm xã luôn sạch sẽ, thoáng đãng; rác thải được thu gom và chuyển đến bãi rác tập trung của huyện…”, bà Sương cho biết.
Ông Nguyễn Kim Thanh, Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông (huyện Tuy An), chia sẻ: Để thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường, xã đã thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, huy động các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc, làm tốt việc tuyên truyền, vận động rộng khắp đến tất cả các thôn. Đến nay, xã đã được công nhận đạt chuẩn về tiêu chí môi trường, với trên 97% hộ dân được sử dụng nước sạch; tỉ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt trên 85%; đồng thời xây dựng nghĩa trang Phú Lương với diện tích 79.665m2, đảm bảo việc mai táng theo đúng quy định.
Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường
Theo Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, với mục tiêu chung tay bảo vệ, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường ở nông thôn, nhiều địa phương đã chọn thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường là một giải pháp tích cực, huy động tất cả nguồn lực tham gia. Qua hơn 10 năm triển khai, đến nay, toàn tỉnh có 67/83 xã đạt tiêu chí môi trường.
Điển hình là huyện Tây Hòa. Để đẩy mạnh và phát động các hoạt động bảo vệ môi trường dựa vào việc xã hội hóa các nguồn lực, không tốn kém chi phí từ ngân sách Nhà nước, địa phương này đã đẩy mạnh và phát động các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi ở, trụ sở làm việc, trường học, khu dân cư như: ngày thứ bảy tình nguyện, ngày chủ nhật xanh, ngày không sử dụng túi ni lông nhằm xử lý ô nhiễm môi trường. “Ngoài ra, huyện còn huy động lực lượng đoàn viên, các ban ngành, đoàn thể xã, thôn và Nhân dân cùng tham gia mô hình “sáng - xanh - sạch - đẹp” như đóng góp ngày công để cùng trồng hoa dọc các tuyến đường, thu gom rác, dọn cỏ, phát hoang bụi rậm và xây dựng khuôn viên, tiểu cảnh; tổ chức thi vẽ tranh trên tường rào trường học... Qua đó tạo sự thông thoáng, sạch đẹp cho các tuyến đường”, ông Đỗ Văn Cấp, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa cho hay.
Tại xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa), nhận thấy hàng năm, số lượng bao bì chai lọ thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường rất lớn, Hội Nông dân xã đề xuất xây dựng mô hình Hố thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình này đã tác động mạnh mẽ đến ý thức tự giác của người dân, góp phần hoàn thành tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng NTM trên địa bàn xã Suối Bạc. “Với số lượng xây dựng ban đầu 2 hố tại thôn Tân Lập, hội đã vận động kinh phí xã hội hóa với số tiền 800 triệu đồng, đến nay xây dựng được 1.000 hố ở 5 khu dân cư của xã. Ngoài ra, toàn huyện còn lắp đặt nhân rộng hơn 1.000 bi bê tông thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đặt khắp các đường nội đồng, thuận tiện cho người dân bỏ rác đúng nơi quy định”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Bạc Đào Thị Hòa chia sẻ.
Xác định vấn đề môi trường, cảnh quan là yếu tố cốt lõi để phát triển nông thôn bền vững, thời gian đến, tỉnh tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM. Trong đó tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình phân loại chất thải tại nguồn phát sinh; đẩy mạnh xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn…
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT |
NGỌC HÂN