Đã quá nửa năm 2022, nhưng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chỉ đạt 16% kế hoạch vốn tỉnh giao và 22% kế hoạch vốn trung ương giao, thấp hơn bình quân chung cả nước 27,8%). Điều này đang đặt ra nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công hết sức nặng nề đối với tỉnh...
Trước tình hình này, UBND tỉnh vừa chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương và các chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công nghiêm túc thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Các đơn vị, địa phương trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư công, đất đai, xây dựng và pháp luật có liên quan theo hướng phân cấp, đơn giản hóa thủ tục; rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt; chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm.
Không phải đến bây giờ UBND tỉnh mới chỉ đạo quyết liệt công tác này,bởi ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Lãnh đạo tỉnh liên tục làm việc với các chủ đầu tư về các dự án còn vướng mắc để có giải pháp thúc đẩy tiến độ thi công; rà soát tình trạng thiếu hụt vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp cho các dự án, công trình để sớm có giải pháp tháo gỡ. Nhưng tại sao các dự án vẫn gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai, kéo theo đó là việc giải ngân vốn bị chậm?
Hiện có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, trong đó chủ yếu là do các dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng và giá nguyên vật liệu tăng cao, khiến các nhà thầu gặp nhiều khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công. Theo chủ đầu tư các dự án đầu tư công, những vướng mắc này tuy không mới, nhưng hiện nay vẫn rất nan giải. Tại hầu hết địa phương trong tỉnh, các dự án bị chậm tiến độ do chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, người dân ở khu vực ảnh hưởng dự án không chịu nhận tiền đền bù, tái định cư...
Chúng ta cần nhìn thẳng vào nguyên nhân của những điểm nghẽn đang cản trở việc giải ngân vốn. Mỗi đơn vị, địa phương phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm chức năng nhiệm vụ, không chỉ nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là đơn vị tư vấn và tổ chức thực hiện dự án, mà còn kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực và quy định của pháp luật, gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức cuộc họp giao ban công tác thực hiện dự án đầu tư và giải ngân vốn, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; khẩn trương hoàn tất công tác nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn khi có khối lượng, không để dồn thanh toán vào cuối năm. Xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết.
Nếu từng điểm nghẽn, hạn chế nêu trên được “mổ xẻ” và giải quyết dứt điểm thì việc giải ngân vốn đầu tư công nhất định sẽ được cải thiện.
Cùng với cả nước, Phú Yên đang chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để sớm phục hồi kinh tế thời hậu COVID-19. Cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và người dân cùng vào cuộc đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, trong đó vốn đầu tư công đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng nguồn vốn đầu tư xã hội và là cú hích để hoàn thành tốt các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Do đó, việc tháo gỡ những điểm nghẽn để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng hiện nay của tỉnh.
NGUYỄN QUANG