Đề án Giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng giai đoạn 2018-2025 thể hiện rõ chính sách trọng tâm, nhất quán của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn đổi mới, tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả của ngành Nông nghiệp.
Báo Phú Yên trao đổi với ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh xung quan đề án nói trên.
* Đề án Giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng giai đoạn 2018-2025 được UBND tỉnh phê duyệt. Nội dung đề án tập trung vào vấn đề gì, thưa ông?
- Trước hết cần khẳng định, giao rừng, cho thuê rừng là một trong những công cụ quản lý rừng hiệu quả, đảm bảo việc duy trì, khôi phục độ che phủ rừng và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, năng lực phòng hộ thông qua thực thi quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, rừng theo quy định của pháp luật với chủ trương thúc đẩy giải pháp đảm bảo tính “có chủ” của từng diện tích đất lâm nghiệp, đồng thời cải thiện nguồn vốn sinh kế, thu nhập của người dân sinh sống bằng nghề rừng.
Về quan điểm của dự án, ngành Lâm nghiệp sẽ đẩy nhanh tiến độ giao đất, gắn với giao rừng cho các thành phần kinh tế, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn, trên cơ sở đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp cho cơ sở, đảm bảo ổn định, hạn chế tối đa việc xáo trộn, tránh xung đột, tranh chấp, dẫn tới khiếu nại, tố cáo.
Huy động tối đa mọi thành phần kinh tế và các tầng lớp Nhân dân tham gia sản xuất lâm nghiệp, nhằm thu hút mọi nguồn lực, lao động, nguồn vốn đầu tư cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế ngành Lâm nghiệp, đẩy nhanh quá trình xã hội hóa lâm nghiệp của tỉnh.
Về yêu cầu của dự án, việc giao rừng, cho thuê rừng phải phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng rừng của địa phương được cấp thẩm quyền phê duyệt; nhu cầu sử dụng rừng thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao rừng, thuê rừng.
Giao rừng, cho thuê rừng phải tiến hành đồng bộ, thống nhất với giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp. Những diện tích rừng chưa có điều kiện giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, thì tiến hành giao quyền sử dụng rừng trước và có quy chế quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật. Không giao, cho thuê diện tích rừng đang có tranh chấp.
Giao rừng, cho thuê rừng phải đi đôi với việc tổ chức quản lý tốt những diện tích được giao, nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng rừng không đúng mục đích, làm tổn hại đến tài nguyên rừng, cương quyết thu hồi rừng nếu chủ rừng thực hiện không đúng những quy định Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp...
Ông Lê Văn Bé |
* Từ đề nghị của Sở NN-PTNT, UBND tỉnh đã điều chỉnh một số nội dung của đề án Giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng giai đoạn 2018-2025. Xin ông cho biết cụ thể về vấn đề này?
- Để phù hợp với thực tế, UBND tỉnh quyết định điều chỉnh một số nội dung. Cụ thể, giai đoạn 1 của dự án (2019-2020) giao rừng phòng hộ, giao rừng sản xuất cho ban quản lý rừng phòng hộ các địa phương: TX Sông Cầu, huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, Tây Hòa, Sơn Hòa, với tổng diện tích gần 94.029ha. Trong đó, rừng phòng hộ 75.469ha, rừng sản xuất gần 18.560ha.
Giai đoạn 2 của dự án (2021-2025), giao rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn và cho thuê rừng sản xuất đối với tổ chức kinh tế, với diện tích hơn 112.600ha. Trong đó, rừng đặc dụng 12.769ha, rừng phòng hộ 17.565ha, rừng sản xuất 82.291ha. Bao gồm các ban quản lý rừng đặc dụng, hộ gia đình, cá nhân, UBND các xã, phường, thị trấn, đơn vị vũ trang và các tổ chức khác. Kèm với đó là sự điều chỉnh về kinh phí cho phù hợp với thực tế trong quá trình triển khai đề án, từ hơn 56,3 tỉ đồng xuống còn hơn 53,9 tỉ đồng.
* Đến nay tiến độ triển khai của đề án như thế nào, thưa ông?
- UBND tỉnh đã ban hành 5 quyết định giao rừng cho 5 ban quản lý rừng phòng hộ: TX Sông Cầu, huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh và Tây Hòa với tổng diện tích rừng giao 85.187ha (rừng tự nhiên 73.142ha, rừng trồng bằng vốn Nhà nước 12.044ha).
Hiện đơn vị tư vấn đang hoàn thành đề án; Sở NN-PTNT thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt đề án giao rừng cho 2 ban quản lý rừng đặc dụng, các đơn vị quân sự tỉnh và lực lượng vũ trang.
Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố đang lập kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng với các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn theo tiến độ của đề án.
* Xin cảm ơn ông!
Giao rừng, cho thuê rừng phải đi đôi với việc tổ chức quản lý tốt những diện tích được giao, cho thuê nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng rừng không đúng mục đích, làm tổn hại đến tài nguyên rừng, cương quyết thu hồi rừng nếu chủ rừng thực hiện không đúng những quy định Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp. |
NHẬT HUY (thực hiện)