Thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế kết hợp đa dạng giữa cây trồng, vật nuôi và các ngành nghề dịch vụ nông nghiệp. Mô hình này góp phần giảm rủi ro trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế.
Giảm rủi ro
Nhiều năm qua, gia đình ông Đặng Ngọc Lý ở xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa) chuyển đổi từ chuyên nuôi gà đàn sang mô hình sản xuất tổng hợp. Ông Lý cho biết, đàn gà gia đình ông có hơn 1.000 con, đàn vịt thịt 2 lứa với gần 5.000 con giống, đàn heo thịt 50 con, riêng đàn bò thì vừa mới bán hết, đang phơi chuồng để nhập giống lại. Ngoài ra, gia đình còn canh tác hơn 1ha bắp và các loại rau màu. Cũng theo ông Lý, hiện nay hầu hết bà con phải tự tìm cách tiêu thụ nông sản, nếu chỉ chuyên canh một loại cây trồng hay vật nuôi thì tỉ lệ rủi ro về giá cả và đầu ra rất cao. “Chúng tôi phải đa dạng hóa cây trồng vật nuôi để hạn chế thấp nhất rủi ro. Nhiều năm nay, gia đình tôi vẫn duy trì sản xuất dù nhiều thời điểm giá tiêu thụ heo, gà thấp hơn giá đầu vào”, ông Lý nói.
Khoảng 2 năm nay, hộ ông Ba Phúc ở xã An Chấn (huyện Tuy An) cũng thực hiện đa dạng hóa vật nuôi, cây trồng trong hoạt động sản xuất của gia đình. Theo ông Phúc, nhận thấy giá gà công nghiệp giảm thấp trong khi chi phí đầu tư tăng cao trong nhiều năm liền, gia đình ông bắt đầu chuyển hướng. Thay vì chỉ tập trung nuôi gà đàn như trước, ông Phúc quy hoạch lại trại, làm thêm chuồng nuôi, chia nhỏ các khu nuôi 400 con gà giống Minh Dư, gà lai nòi và 4 con bò. Tận dụng nguồn phân chuồng từ chăn nuôi, ông trồng thêm mấy sào bí xanh, dưa leo, khổ qua… Từ khi chuyển sang mô hình sản xuất tổng hợp này, công việc nhiều hơn trước nhưng đổi lại rủi ro giảm đáng kể. Ông Phúc cho biết: “Hơn 1 năm qua, chi phí thức ăn tăng cao trong khi giá gà lại giảm mạnh đã khiến những hộ nuôi gà lao đao. May mắn gia đình tôi đã kịp thời chuyển hướng sang mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm”.
Thu nhập khá
200 triệu đồng là tổng thu nhập bình quân hàng năm gia đình ông Đặng Ngọc Lý có được từ mô hình kinh tế tổng hợp. Nếu như trước đây, mỗi lứa gà sau khi xuất bán, ông thu về 20-30 triệu đồng, mỗi năm nuôi 4 lứa lãi được khoảng 100 triệu đồng thì nay nguồn thu này đã tăng lên gấp đôi. Theo ông Lý, cũng nhờ đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, trong quá trình sản xuất, cái này bổ trợ cho cái kia giúp tiết kiệm chi phí. Đơn cử, toàn bộ chất thải từ chăn nuôi được dùng làm phân bón hữu cơ cho diện tích hoa màu nên tiết kiệm chi phí, đất không bị chai, cây trồng ít dịch bệnh, được thị trường ưa chuộng nên đầu ra rất tốt. Ngược lại, phụ phẩm từ trồng trọt được tận dụng làm thức ăn bổ sung cho chăn nuôi nên chi phí đầu vào cũng giảm, hiệu quả kinh tế nhờ đó mà tăng lên.
Tương tự, từ nhiều năm nay, gia đình ông Võ Trọng Khải ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) cũng khá lên nhờ mô hình kinh tế tổng hợp. Ngoài trồng trọt và chăn nuôi, gia đình ông còn mở thêm dịch vụ nông nghiệp. Ông Khải cho biết: Sau nhiều năm làm nông, tôi nhận thấy cơ giới hóa giúp giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, chi phí cao nên không phải ai cũng có thể đầu tư. Vì vậy, gia đình tôi đã mua 2 máy cày làm dịch vụ cày đất, đầu tư thêm máy cuộn rơm làm thêm dịch vụ này sau mỗi mùa thu hoạch. Cùng với đó, gia đình còn nuôi bò, heo rừng, gà nòi và trồng 5 sào dưa leo, khổ qua, bí xanh, cà… tùy theo thời vụ. Từ các nguồn này, mỗi năm gia đình tôi thu nhập hơn 250 triệu đồng, có điều kiện nuôi con cái ăn học, xây sửa nhà cửa.
Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đào Lý Nhĩ, nhiều năm gần đây, bà con nông dân đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi hoặc làm dịch vụ nông nghiệp… mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Mô hình này có nhiều ưu điểm vì giúp bà con giảm rủi ro, tăng lợi nhuận, rất phù hợp trong điều kiện ngành Nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra bấp bênh. |
THỦY TIÊN