Thứ Ba, 26/11/2024 03:54 SA
Hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển
Thứ Năm, 16/06/2022 07:00 SA

Ngư dân khai thác hải sản xa bờ đang chuyển cá ngừ đại dương lên bờ để đưa đi tiêu thụ. Ảnh: ANH NGỌC

Mới đây, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT và Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022 tại Phú Yên. Tại diễn đàn này, phóng viên Báo Phú Yên đã ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

 

ÔNG LÊ MINH NGÂN, THỨ TRƯỞNG BỘ TN-MT: Phát triển kinh tế biển phải đi đôi với bảo vệ môi trường biển

 

Để phát triển kinh tế biển bền vững thì vấn đề bảo vệ môi trường là rất quan trọng, bất cứ một quốc gia nào hay một chiến lược, chính sách nào cũng đều phải quan tâm. Đối với Việt Nam, Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khẳng định, phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển vận tải biển, bảo tồn hệ sinh thái và tự nhiên…

 

Để thực hiện nhiệm vụ này cần đặt ra những giải pháp, yêu cầu mang tính nguyên tắc như ban hành các chủ trương, chính sách, các quy hoạch đảm bảo phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, không thể tập trung phát triển kinh tế để đánh đổi với sự ô nhiễm môi trường, mà phát triển kinh tế phải đảm bảo bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học. Trong quy hoạch, nhất là quy hoạch không gian biển, quy hoạch sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, quy hoạch vùng… thì bao giờ cũng có hai yếu tố, đó là phát triển kinh tế nhưng phải đảm bảo hài hòa với bảo tồn đa dạng sinh học, nghĩa là hài hòa lợi ích giữa phát triển với các bên liên quan, phát triển hôm nay phải đảm bảo tính ổn định, bền vững trong sự phát triển trong tương lai.

 

Một trong những nhiệm vụ quy hoạch không gian biển là phải kết hợp giữa các yếu tố phát triển kinh tế nhưng phải gắn với bảo tồn. Chúng ta thành lập các khu bảo tồn biển là nhằm xử lý các xung đột khi sử dụng vùng biển. Khi đã xác định sử dụng vùng biển rồi thì phải lựa chọn các ngành nghề kinh tế trong khu vực đó phải phù hợp, không ảnh hưởng đến khu bảo tồn biển. Ví dụ, khi đã thành lập khu bảo tồn biển thì khu vực đó có thể triển khai các dự án du lịch sinh thái mang tính tham quan, tận hưởng những hệ sinh thái biển… không nên chọn những ngành nghề như xây dựng, những ngành nghề gây ô nhiễm môi trường. Đối với việc thành lập các khu bảo tồn biển mang tính nghiêm ngặt thì cần phải tính toán kỹ, đánh giá tác động môi trường và phải cân nhắc đối với việc tác động của các hoạt động đó đến môi trường, cần xác định phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường mang tính bền vững.

 

ÔNG TRẦN ĐÌNH LUÂN, TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỦY SẢN (BỘ NN-PTNT): Tăng cường bảo vệ nguồn lợi, hệ sinh thái biển

 

Vùng biển Việt Nam có tính đa dạng sinh học rất cao, có trữ lượng nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng với khoảng 2.040 loài cá, trong đó có khoảng 110 loài có giá trị kinh tế cao, ngoài ra còn có rong biển và trên 600 loài giáp xác, nhuyễn thể. Thời gian qua, chúng ta đã có những nỗ lực lớn trong công tác bảo tồn, xây dựng nhiều khu bảo tồn biển, bảo tồn hệ sinh thái biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, công tác bảo tồn chưa đạt được những kết quả như mong muốn. Có nhiều nguyên nhân, như tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng phức tạp, cực đoan.

 

Một nguyên nhân khác đó là vấn đề ô nhiễm môi trường biển cũng rất phức tạp và được nhắc đến rất nhiều, trong đó phải kể đến vấn đề ô nhiễm từ nguồn rác thải, nước thải và sự ô nhiễm của các hoạt động khác đã ảnh hưởng đến môi trường biển, ảnh hưởng đến các khu bảo tồn biển và nguồn lợi thủy sản. Tác động của con người cũng là một trong những nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển như sử dụng các ngư lưới cụ, khai thác thủy hải sản mang tính tận diệt. Việc này không chỉ làm cạn kiệt nguồn lợi mà nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái biển.

 

Để bảo vệ nguồn lợi, bảo tồn đa dạng hệ sinh thái biển, chúng ta cần tập trung tuyên truyền để người dân nhận thức được tầm quan trọng của hệ sinh thái biển trước mắt và lâu dài, để mỗi người dân có những ứng xử phù hợp hơn. Cần phải đầu tư phương tiện, trang thiết bị… và nâng cao năng lực của những người thực thi pháp luật tại các địa phương để ngăn chặn kịp thời những hành vi đánh bắt thủy hải sản bất hợp pháp, xử lý những trường hợp gây ô nhiễm môi trường biển. Về lâu dài, chúng ta cần nghiên cứu và có đánh giá lại về nguồn lợi thủy sản, cơ cấu lại những ngành nghề khai thác thủy hải sản cho phù hợp với tình hình thực tế và mang tính bền vững. Cần xây dựng các tổ đồng quản lý để bà con ngư dân cùng tham gia bảo vệ ngư trường, bảo vệ nguồn lợi và khai thác thủy hải sản hợp lý hơn.

 

Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái. Trong đề án này, đối với nuôi trồng thủy sản ven bờ, cần tổ chức rà soát, sắp xếp lại để phù hợp với khả năng thích ứng với môi trường, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng biển xa bờ. Đây là tiềm năng, lợi thế lớn của nước ta, ngành Nông nghiệp đang xây dựng những cơ chế, chính sách để thúc đẩy các doanh nghiệp có tiềm lực yên tâm đầu tư, phát triển nuôi biển xa bờ.

 

PGS-TS NGUYỄN CHU HỒI, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI NGHỀ CÁ VIỆT NAM: Hiện thực hóa Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

 

Ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là một thông điệp để nói rằng Việt Nam đang khát vọng về một đại dương xanh với chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, là một hướng đi mang tầm chiến lược, một nhận thức mới trong vấn đề hội nhập tư duy mới của quốc tế. Phát triển bền vững kinh tế biển là nói đến tính hiệu quả, bảo đảm an toàn sinh thái và môi trường thì mới có được kinh tế biển xanh, bảo đảm được an sinh xã hội. Trong triển khai thực hiện chiến lược này lĩnh vực thủy sản có ba nhóm vấn đề rất quan trọng đó là ngư dân, ngư nghiệp (kinh tế nghề cá) và ngư trường (bảo vệ nguồn lợi, bảo vệ ngư trường). Đối với biển và hệ thống tài nguyên biển, nó tác động đến nhiều đối tượng, nhiều ngành nghề, nếu chúng ta phát triển mà thiếu tính liên ngành thì sẽ không mang tính bền vững. Vấn đề quy hoạch không gian biển, quy hoạch sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ… là những vấn đề thiết thực để hỗ trợ cho việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

 

Nghị quyết 36 đặt ra ba mục tiêu mang tính đột phá, mang tầm chiến lược, các khâu đột phá này được điều chỉnh theo hướng phù hợp với tình hình thực tế và phát triển bền vững. Tuy nhiên, từ khi triển khai thực hiện đến nay khoảng ba năm rưỡi, chúng ta gặp không ít khó khăn, chưa được thực hiện nhiều và tôi nghĩ sắp tới sẽ triển khai mạnh hơn. Hiện nay, ngư dân chúng ta cũng chỉ dừng lại ở mức nông dân đi đánh cá chứ chưa đạt đến mức công nhân đi đánh cá. Vấn đề CNH-HĐH đối với nghề cá biển Việt Nam vẫn chưa có, do đó tính bền vững của nghề cá tác động đến môi trường chưa như mong muốn. Chúng ta phải xác định, ngư dân ra biển không chỉ đánh cá mà còn làm nhiều việc khác, đặc biệt là thực hiện chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Chính điều này cần triển khai quyết liệt hơn nữa Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam để đạt được những mục tiêu đã đề ra.

 

ANH NGỌC (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek