Chủ Nhật, 19/05/2024 22:19 CH
Bàn giải pháp phát triển nuôi biển theo hướng bền vững
Thứ Năm, 21/04/2022 09:47 SA

Bàn giải pháp phát triển nuôi biển thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai là chủ đề hội nghị vừa được Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp với địa phương tổ chức tại TX Sông Cầu. Phóng viên Báo Phú Yên ghi lại một số ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý… về những giải pháp nhằm phát triển nuôi biển theo hướng bền vững.

 

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỦY SẢN TRẦN ĐÌNH LUÂN: Xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị

 

Phú Yên cần lựa chọn những giải pháp phù hợp để phát triển nuôi biển thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, giải quyết những vấn đề còn tồn tại như ô nhiễm môi trường, quy hoạch và sắp xếp tại các vùng nuôi để hướng đến nuôi biển theo hướng bền vững. Ngoài công nghệ nuôi tiên tiến, ngư dân nuôi biển cần đầu tư hệ thống lồng, bè, trang thiết bị phục vụ nuôi biển bằng vật liệu mới như vật liệu HDPE để chống chịu được gió bão, thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Tổng cục Thủy sản đang xây dựng, nhân rộng mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đối với con tôm hùm, nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và chuẩn bị triển khai tại Phú Yên. Tổ chức lại việc nuôi trồng thủy sản theo chuỗi giá trị sản phẩm, tỉnh nên khuyến khích phát triển các hình thức liên kết, trong đó cần quan tâm đến vai trò của doanh nghiệp, xây dựng HTX, tổ hợp tác, tạo điều kiện để các bên tham gia chuỗi được hưởng các chính sách ưu đãi về vốn đầu tư, đất đai, tín dụng… hướng đến việc đăng ký thương hiệu tôm hùm trên thị trường trong nước và xuất khẩu, triển khai việc đăng ký, quản lý và truy xuất nguồn gốc hàng hóa phục vụ cho yêu cầu xuất khẩu chính ngạch.

 

PGS.TS VÕ VĂN NHA, PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU NUÔI TRỒNG THỦY SẢN III: Phát triển nuôi trồng thủy sản phù hợp với thực tế

 

Nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên phát triển mạnh từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc phát triển này còn nhiều bất cập, chưa theo quy hoạch mà chủ yếu là tự phát nên kéo theo một số vấn đề như công nghệ lạc hậu, vùng nuôi quá tải, phát sinh ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trên thủy sản nuôi. Phú Yên là tỉnh bãi ngang nên thiên tai, mưa bão thường xuyên xuất hiện, trong khi lồng bè nuôi của ngư dân không đảm bảo nên thường xuyên gánh chịu những thiệt hại…

 

Để khắc phục những tồn tại này, trước hết tỉnh cần thành lập đoàn công tác để khảo sát, đánh giá chi tiết từng vùng nuôi phù hợp với quy hoạch, trang thiết bị và lồng nuôi có phù hợp với điều kiện thiên nhiên hay không, vị trí có phù hợp cho nuôi thủy sản hay không, công tác quản lý như thế nào… Việc chuyển đổi lồng bè nuôi truyền thống sang lồng bè bằng vật liệu mới chỉ là một trong những giải pháp khoa học kỹ thuật để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

 

Để phát triển, Phú Yên cần xây dựng đề án phát triển nuôi trồng thủy sản phù hợp với thực tế, trong đề án này cần xây dựng các khu dịch vụ hậu cần, hình thành các chuỗi liên kết cho nuôi trồng thủy sản. Việc đầu tư lồng bè bằng vật liệu mới có giá thành rất cao, nhưng bù lại bền hơn, thời gian sử dụng lâu hơn và đặc biệt là chống chịu được sóng to, gió lớn. Đây là bài toán mà người nuôi cũng cần tính toán kỹ, làm sao cho việc đầu tư nuôi thủy sản lồng bè mang lại hiệu quả cao nhất.

 

PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ NN-PTNT NGUYỄN TRI PHƯƠNG: Sớm khắc phục những hạn chế, tồn tại

 

Thực trạng hiện nay về hạ tầng cơ sở nuôi thủy sản lồng bè ở Phú Yên còn đơn giản, sức chống chịu bão, gió của lồng bè kém nên chỉ nuôi được trong các đầm vịnh. Hình thức nuôi có quy mô nhỏ nên thị trường hạn chế, không xuất khẩu chính ngạch được, giá bán thấp, không ổn định. Một trong những tồn tại hiện nay là các địa phương chưa hoàn thành giao mặt nước nên chưa thực hiện được các thủ tục đăng ký nuôi lồng bè, nuôi đối tượng chủ lực…

 

Phú Yên là tỉnh nằm trong vùng có tần suất bão, áp thấp nhiệt đới khá cao, do đó việc phát triển nuôi biển xa bờ gặp nhiều trở ngại; hầu hết đất ven biển đã được ưu tiên phát triển du lịch nên diện tích nuôi trồng thủy sản cũng giảm nhiều. Các vùng nuôi hầu hết ở vùng hạ triều và trung triều các đầm, vịnh thuộc danh thắng quốc gia nên khó chuyển đổi qua nuôi công nghệ cao.

 

Việc xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển xa bờ, chính sách chuyển đổi vùng nuôi từ đầm vịnh kín ra các vùng biển hở khó khả thi do yêu cầu nguồn vốn lớn so với khả năng của tỉnh. Các cơ sở nhỏ lẻ chưa tiếp cận được công nghệ nuôi biển tiên tiến, tỉ lệ sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi cá biển chưa cao do chưa hiệu quả. Thị trường tiêu thụ chưa có hoặc chưa ổn định, vốn đầu tư lớn, rủi ro cao nên chưa dám đầu tư. Nhân lực quản lý nuôi trồng thủy sản từ tỉnh xuống các địa phương rất mỏng, năng lực xây dựng dự án không đảm bảo, việc triển khai các dự án, đề án gặp khó khăn… Để phát triển nuôi biển trong thời gian tới ổn định hơn, tỉnh cần phải khắc phục những tồn tại, hạn chế này.

 

PHÓ CHỦ TỊCH UBND TX SÔNG CẦU LÂM DUY DŨNG: Điều chỉnh, bổ sung các khu vực nuôi trồng thủy sản phù hợp

 

Nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn thị xã, đóng góp lớn vào kinh tế - xã hội, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho khoảng 5.000 hộ dân trực tiếp nuôi trồng thủy sản. Năm 2021, tổng số lượng lồng nuôi tôm hùm trên địa bàn thị xã khoảng 66.720 lồng, trong đó ươm tôm hùm giống hơn 16.090 lồng, tôm hùm thịt gần 50.630 lồng, sản lượng tôm hùm các loại đạt 1.050 tấn. Hiện nay, lồng bè nuôi trồng thủy sản ở ngoài phân vùng theo phương án sắp xếp của TX Sông Cầu còn rất nhiều, nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường vùng nuôi là rất cao.

 

Để phát huy lợi thế đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, định hướng phát triển của ngành, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đất có mặt nước, hiệu quả sử dụng không gian biển và bảo vệ môi trường, nhất là thực hiện tốt việc sắp xếp, giao mặt nước, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản lồng, bè trong thời gian tới, UBND TX Sông Cầu kiến nghị Sở NN-PTNT tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các khu vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thị xã, qua đó tích hợp vào đề án Tổng thể phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2025, định hướng 2030 trên địa bàn tỉnh.

 

PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN TUY AN NGUYỄN THANH PHONG: Cần có chính sách hỗ trợ người nuôi chuyển đổi lồng bè

 

Năm 2021, huyện Tuy An có gần 600 hộ nuôi trồng thủy sản với khoảng 14.680 lồng nuôi. Hiện nay, thức ăn cho thủy sản nuôi chủ yếu là cá tạp nhỏ, cua, ốc… nên vùng nuôi dễ phát sinh ô nhiễm môi trường, dịch bệnh.

 

Do địa hình vùng nuôi trồng thủy sản ở huyện Tuy An là vùng biển hở, lồng bè nuôi sử dụng vật liệu truyền thống, khả năng chống chịu sóng gió thấp, nên khi gặp thiên tai thì bị thiệt hại lớn về kinh tế. Mới đây, do ảnh hưởng bởi mưa lớn, gió mạnh từ đêm 30/3 đến sáng 1/4, nhiều lồng bè nuôi thủy sản của bà con bị sóng biển đánh hư hỏng, cuốn lên bờ, gây thiệt hại nặng.

 

Hiện nay, người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn cần có chính sách hỗ trợ để chuyển đổi từ lồng nuôi truyền thống sang lồng bè bằng vật liệu mới HDPE nhằm giảm thiểu thiệt hại, nuôi trồng thủy sản bền vững và ổn định hơn.

 

ANH NGỌC (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek