Thực hiện kế hoạch phòng chống dịch cúm gia cầm, UBND TP Tuy Hòa đã cấm mua bán giết mổ gia cầm sống và nuôi gia cầm trong nội thành thành phố. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng mua bán gia cầm sống trong nội thành vẫn đang diễn ra, việc giết mổ gia cầm tập trung vẫn chưa thực hiện được. Bà Đỗ Thị Đậu, Phó chi cục trưởng Chi cục thú y, Trưởng trạm thú y TP Tuy Hòa cho biết:
Trong công tác phòng chống dịch cúm (PCDC) gia cầm, một số địa phương còn có tư tưởng chủ quan, lơ là, còn đùn đẩy trách nhiệm; thực hiện chưa nghiêm túc và có biện pháp quyết liệt trong việc ngừng ấp nở thủy cầm. Hiện nay người dân một số phường vẫn còn nuôi gia cầm, việc ấp nở, nuôi mới gia cầm vẫn còn nhiều. Khi đoàn kiểm tra liên ngành hoạt động thì việc mua bán gia cầm sống, giết mổ gia cầm ở chợ nội thành giảm, khi đoàn kiểm tra không hoạt động, thì lập tức việc buôn bán gia cầm lại diễn ra, nhất là trên đường Lương Văn Chánh. Điều này cho thấy ý thức chấp hành các quy định của nhà nước về công tác PCDC gia cầm của các hộ buôn bán gia cầm chưa cao.
Gà vẫn buôn bán trên đường Lương Văn Chánh ở chợ TT TP Tuy Hòa - Ảnh: N.Lưu
* Vậy ngành thú y thành phố có những biện pháp nào để xử lý tình trạng trên, thưa bà?
- Thời gian qua, đoàn liên ngành TP Tuy Hòa đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính 13 trường hợp, trong đó phạt cảnh cáo 2 trường hợp vi phạm mua bán, giết mổ gia cầm tại chợ nội thành 800.000 đồng.
Gia cầm được bán lưu động trong nội thành Tuy Hòa - Ảnh: N.Lưu
Công tác quản lý chăn nuôi, giết mổ, mua bán gia cầm trong nội thành còn rất khó khăn, đòi hỏi các ngành, các địa phương phải nghiên cứu những giải pháp thực hiện có hiệu quả. Từ phường 1 đến phường 8 kiên quyết không cho nuôi gia cầm; phường 9 và phường Phú Lâm cho nuôi theo hướng giảm đàn và quy hoạch lại cụ thể các vùng cho phép chăn nuôi, hướng dẫn cho bà con chăn nuôi nhốt gia cầm, không thả rông. Đồng thời xử lý nghiêm những hộ vẫn cho ấp nở vịt con, nuôi mới vịt, ngan, ngỗng trong nội thành. Đối với các xã Bình Ngọc, Hòa Kiến, Bình Kiến, An Phú quy hoạch lại vùng nuôi gia cầm nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, khuyến khích chăn nuôi tập trung, không cho chăn nuôi vịt chạy đồng. Đối với việc mua bán, giết mổ gia cầm trong nội thành: chấm dứt việc mua bán gia cầm sống, giết mổ gia cầm, đặc biệt là trên đường Lương Văn Chánh, phường 4. Giải pháp cụ thể là quản lý tại gốc, khu phố, phường, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là kiểm tra, giám sát việc giết mổ gia cầm tại các nhà hàng, quán ăn.
* TP có những kế hoạch thế nào để chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm?
Bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 6-2006, TP Tuy Hòa triển khai tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm đợt 1 cho 1.350 con gà, 86.350 con vịt đẻ và 30.300 con vịt dưới 35 ngày tuổi ở các xã Hòa Kiến, Bình Kiến, An Phú, Bình Ngọc, phường 9, phường Phú Lâm và phường 5. Tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm đợt 2 vào tháng 10-2006.
- Kinh nghiệm chống dịch ở nhiều nơi là chính quyền địa phương kiên quyết ngăn chặn, không cho lưu thông gia cầm, sản phẩm gia cầm, thức ăn gà công nghiệp, quản lý đàn gia cầm, đánh giá quy mô chăn nuôi, số gia cầm mắc bệnh, thời gian mắc bệnh, kiểm tra xác định bệnh tích để có giải pháp phòng trừ kịp thời. Ngành thú y tiếp tục thông tin tuyên truyền đầy đủ, kịp thời tình hình dịch bệnh, vận động nhân dân có ý thức chấp hành các chủ trương, pháp luật quy định trong công tác PCDC gia cầm. Nếu xảy ra dịch bệnh, TP Tuy Hòa huy động lực lượng kiểm soát tại cơ sở áp dụng ngay biện pháp cách ly tuyệt đối, tiêu độc, cấm xuất nhập gia cầm ra khỏi ổ dịch, cả phương tiện vận chuyển chất thải, thức ăn; đồng thời thực hiện tiêu hủy gia cầm.
Thành phố Tuy Hòa tăng cường củng cố hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp, tăng năng lực hoạt động thú y ở xã, phường, thường xuyên giám sát đàn gia cầm, hướng dẫn cho nhân dân phun thuốc tiêu độc sát trùng ở những khu vực chăn nuôi tập trung, mua bán, giết mổ gia cầm.
NGUYÊN LƯU (thực hiện)