Thứ Tư, 27/11/2024 06:32 SA
Quyết liệt phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi
Thứ Bảy, 19/02/2022 10:00 SA

Từ đầu năm đến nay, nhiều loại dịch bệnh đã xảy ra trên đàn vật nuôi, gây thiệt hại khá lớn cho người dân. Để hạn chế thiệt hại trong chăn nuôi, Bộ NN-PTNT vừa tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh vật nuôi trong năm 2022. Báo Phú Yên ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

 

THỨ TRƯỞNG BỘ NN-PTNT PHÙNG ĐỨC TIẾN: Chung tay hoàn thành nhiệm vụ của ngành

 

Trong năm 2021, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự quan tâm từ các cấp, ngành, địa phương, Việt Nam đã có một năm sản xuất nông nghiệp thắng lợi với tăng tưởng đạt 2,95%, xuất khẩu đạt trên 48,7 tỉ USD...

 

Những năm tới, chỉ tiêu phấn đấu của lĩnh vực chăn nuôi có khối lượng sản phẩm rất lớn. Hiện tổng đàn heo gần 28 triệu con, đàn gia cầm 515 triệu con, trâu bò gần 6,5 triệu con với tổng sản lượng thịt gần 6,7 triệu tấn, 17,5 tỉ quả trứng, 1,2 triệu tấn sữa. Chiến lược của ngành Chăn nuôi đến năm 2025 đạt 7,5 triệu tấn thịt. Vì vậy toàn ngành phải tổng lực hành động mới có thể đạt kế hoạch.

 

Để hoàn thành mục tiêu, trước mắt chúng ta phải tập trung phòng chống hiệu quả dịch bệnh ở vật nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm đưa ra thị trường, áp dụng truy xuất nguồn gốc trong sản xuất chế biến sản phẩm chăn nuôi, thúc đẩy xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường đầu ra và nâng cao giá trị thặng dư, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành...

 

Đặc biệt, hiện nay, lĩnh vực chăn nuôi, thú y đang được sự quan tâm sâu sát của Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có 7 quyết định trong lĩnh vực chăn nuôi. Đây là căn cứ quan trọng để các tỉnh phân bổ kinh phí vào phòng chống dịch bệnh, thúc đẩy chăn nuôi phát triển.

 

PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC THÚ Y NGUYỄN VĂN LONG: Nguy cơ bùng phát dịch bệnh vật nuôi rất cao

 

Nhiều năm trở lại đây, dịch bệnh ở vật nuôi ngày một phức tạp, không những chưa có biện pháp khống chế dứt điểm những bệnh cũ mà còn xuất hiện thêm nhiều bệnh mới nguy hiểm hơn như dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục, chủng cúm gia cầm mới gây thiệt hại cực kỳ lớn cho chăn nuôi. Hiện cúm gia cầm đã xảy ra ở 3 tỉnh, thành phố làm 13.600 con gia cầm chết và tiêu hủy; dịch tả heo châu Phi xảy ra ở 36 tỉnh, thành phố làm 19.628 con heo chết và tiêu hủy...

 

Thời gian tới, nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm với các chủng độc lực H5N1, H5N6, H5N8 là rất lớn; các chủng vi rút cúm H7N9 và H5N2 có nguy cơ cao xâm nhiễm vào nước ta do việc mua bán, tiêu thụ gia cầm nhập lậu vẫn còn diễn ra. Riêng dịch tả heo châu Phi đang bùng phát, loại vi rút này tồn tại rất lâu ngoài môi trường và vẫn chưa có vắc xin ngừa. Bệnh viêm da nổi cục có đường lây truyền đa dạng, dễ lây nhiễm; trong khi giá trị vật nuôi cao nên người nuôi thường giấu dịch, bán chạy gia súc, khiến dịch có chiều hướng gia tăng.

 

Ngoài ra, thời tiết vào giai đoạn chuyển mùa khiến sức đề kháng vật nuôi giảm, bà con tập trung tái đàn, giao thương mua bán con giống tăng nên nguy cơ bùng phát dịch tăng theo. Để phòng chống dịch hiệu quả, các địa phương cần bố trí kinh phí cho phòng dịch, đảm bảo tỉ lệ tiêm phòng các loại vắc xin quy định đạt tối thiểu 80%, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học…

 

PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ NN-PTNT PHÚ YÊN ĐÀO LÝ NHĨ: Nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm vào tỉnh

 

Phú Yên đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên lĩnh vực chăn nuôi. Theo đó, tỉnh chú trọng phát triển các đối tượng vật nuôi chủ lực như bò, trâu, heo, gia cầm… và tập trung phát triển các vùng chăn nuôi theo hướng hiện đại, quy mô công nghiệp. Hiện tổng đàn trâu, bò khoảng 174.000 con, đàn heo 137.000 con, đàn gia cầm 4,4 triệu con. Từ đầu năm đến nay chưa phát sinh bất kỳ loại bệnh nguy hiểm nào trên đàn vật nuôi của tỉnh nên người dân an tâm đầu tư tái sản xuất sau tết.

 

Để phòng ngừa dịch bệnh lây nhiễm, phát sinh trên đàn vật nuôi, UBND tỉnh đã ban hành 5 kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên cạn và thủy sản với kinh phí hơn 14,4 tỉ đồng. Trong đó tập trung tiêm phòng vắc xin, tiêu độc sát trùng môi trường, tuyên truyền và giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh, xử lý nhanh các ổ dịch hạn chế lây lan ra diện rộng.

 

Về lâu dài, tỉnh hướng đến giảm dần tỉ trọng chăn nuôi nhỏ lẻ, chuyển sang đẩy mạnh chăn nuôi tập trung; xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; xây dựng các lò giết mổ tập trung và tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định của ngành… 

 

Chiến lược của ngành Chăn nuôi đến năm 2025 đạt 7,5 triệu tấn thịt. Vì vậy, toàn ngành phải tổng lực hành động mới có thể đạt kế hoạch. Trước mắt, chúng ta phải tập trung phòng chống hiệu quả dịch bệnh ở vật nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm đưa ra thị trường, áp dụng truy xuất nguồn gốc trong sản xuất chế biến sản phẩm chăn nuôi, thúc đẩy xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường đầu ra và nâng cao giá trị thặng dư, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành…

 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến

 

THỦY TIÊN (ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek