Nghiên cứu tìm ra giải pháp khoa học, đẩy mạnh ứng dụng các mô hình bảo vệ môi trường (BVMT) ngoài thực tế là những đóng góp của ông Huỳnh Huy Việt, Phó Trưởng Phòng Hành chính tổng hợp của Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở TN-MT) trong quá trình công tác. Ghi nhận những nỗ lực này, ông Việt được LĐLĐ tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen.
Huỳnh Huy Việt (bên trái) đang hướng dẫn người dân xã Bình Ngọc sử dụng thùng ủ phân hữu cơ. Ảnh: MINH DUYÊN |
Huỳnh Huy Việt chia sẻ: Qua hướng dẫn của một số tổ chức môi trường, người dân làm được nước rửa chén sinh học từ rác thải thực vật. Tuy nhiên, sản phẩm có mùi hôi, nhiều cặn, hiệu quả tẩy rửa thấp, thời gian bảo quản ngắn nên chỉ dừng lại trong phạm vi gia đình theo hướng tự cung tự cấp. Để khắc phục, nhóm của tôi đã nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm này bằng cách bổ sung chất hoạt động bề mặt tạo ra môi trường sinh hóa ổn định, giúp ngăn ngừa sự lên men, kéo dài thời hạn sử dụng. Sản phẩm vừa có bọt vừa có mùi thơm tự nhiên, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Sản phẩm đã được Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 9 (2020-2021) của tỉnh trao giải ba.
Kết quả nghiên cứu này đã được Việt chuyển giao cho Hội LHPN xã Bình Ngọc và HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa). Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX này, cho biết: Từ công nghệ này, HTX hoàn thiện dây chuyền sản xuất 2 dòng sản phẩm là nước rửa chén và nước lau sàn sinh học Đồng Din. Trong đó, nước lau sàn đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và được một số doanh nghiệp cam kết bao tiêu. Sản phẩm giúp HTX tận dụng được phế phẩm để hoàn thiện hệ thống sản phẩm từ cây khóm.
Còn theo bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ngọc, hội đang bán ra bình quân 700-800 lít/tháng, cho thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Có nguồn thu, câu lạc bộ duy trì được hoạt động cũng như đẩy mạnh tuyên truyền phân loại rác.
Năm 2022, Luật BVMT có hiệu lực, đồng nghĩa phân loại rác thải trở thành xu thế tất yếu. Vì vậy, tái chế rác thải ngay tại nhà là lời giải cho bài toán giảm thiểu rác ra môi trường. Ông Việt bày tỏ: Nước tẩy rửa sinh học chỉ dùng nguyên liệu từ hoa quả như cam, chanh, hoa hồng… nên quản lý rác thải chưa triệt để. Khi thấy Trường cao đẳng Công thương Miền Trung có sản phẩm thùng ủ rác có thể biến mọi loại rác từ rau củ quả đến xác tôm, cá, lá khô… thành phân hữu cơ, tôi đã đề xuất với lãnh đạo cơ quan đưa vào các mô hình tuyên truyền BVMT. Hiện sản phẩm đang phát huy hiệu quả tại xã Bình Ngọc, chùa Bảo Lâm…
Theo ông Trương Đình Khai, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT, ngoài hoàn thành tốt công việc tại cơ quan, Việt còn luôn tích cực tìm tòi chọn ra mô hình BVMT hiệu quả để tham mưu cho lãnh đạo đưa vào kế hoạch triển khai ngoài thực tế. Từ đây các phong trào BVMT tạo được hiệu ứng lan tỏa rộng rãi.
BẠCH VÂN