Thứ Tư, 27/11/2024 12:37 CH
Phát triển nuôi trồng cần đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Thứ Ba, 15/02/2022 07:00 SA

Ngành Nông nghiệp thả cá giống ra môi trường tự nhiên, góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: PV

Phát triển nuôi trồng gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học ven biển là một trong những mục tiêu nằm trong Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phóng viên Báo Phú Yên phỏng vấn ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) xung quanh vấn đề này.

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân

* Ông có thể cho biết, trong thời gian qua, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học ven biển ở nước ta như thế nào?

 

- Việt Nam có bờ biển rất dài, trên 3.200km, có nhiều vùng sinh thái khác nhau. Chính vì thế, vùng biển Việt Nam rất đa dạng sinh học, trong đó phải kể đến các rạn san hô, thảm cỏ biển và một số hệ sinh thái đặc thù ven biển mà lâu nay chúng ta đã và đang nghiên cứu, tổ chức bảo vệ. Nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái này ảnh hưởng rất lớn đến phát triển thủy sản bền vững. Luật Thủy sản và chiến lược phát triển thủy sản của nước ta đã đưa ra những giải pháp để bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học ven biển, giúp cộng đồng ngư dân ven biển tham gia khai thác bền vững nguồn lợi, đảm bảo sinh kế và đây cũng là định hướng chung của Việt Nam cam kết với thế giới là bảo vệ đại dương, bảo vệ đa dạng sinh học, chống khai thác bất hợp pháp.

 

Cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học đã tham gia điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống các loài thủy sản để làm cơ sở bảo vệ, tái tạo, khai thác bền vững nguồn lợi. Những khu vực, vùng biển có hệ sinh thái đa dạng thì cần phải được bảo vệ. Bộ NN-PTNT đã đưa vào quy hoạch những khu vực, vùng biển có hệ sinh thái đa dạng cần bảo vệ, bảo tồn để có căn cứ cho các địa phương đầu tư, phát triển và có chính sách chung của Nhà nước.

 

Thời gian qua, một số khu vực, vùng biển, các địa phương đã triển khai nhiều mô hình đồng quản lý, bảo vệ, bảo tồn mang lại hiệu quả cao. Điển hình, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) đã xây dựng mô hình đồng quản lý sò lông, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái ven biển rất tốt. Ở Phú Yên, tỉnh cũng đã triển khai dự án tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến và bảo vệ nguồn lợi một số loài thủy sản cũng đang mang lại nhiều kết quả tích cực. Song song với những kết quả ban đầu nêu trên, Bộ NN-PTNT còn xây dựng đề án phát triển du lịch nông thôn, trong đó đưa các khu vực ven biển có hệ sinh thái đa dạng, có sự tham gia đồng quản lý của bà con ngư dân vào đề án và đang trình Thủ tướng Chính phủ. Để tổ chức tốt việc đồng quản lý cần phải có sự tham gia tích cực của các tổ chức trong và ngoài nước, các cấp chính quyền và đặc biệt là người dân địa phương được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên thiên nhiên này.

 

* Phú Yên là địa phương ven biển có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển thủy sản, ông có đánh giá gì về vùng đất này, đặc biệt là công tác bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học ven biển?

 

- Phú Yên có bờ biển dài, diện tích vùng đất ngập nước ven biển rất lớn, phân bố trên nhiều thủy vực, trong đó phải nói đến là đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài và đầm Ô Loan. Đây là những thủy vực có ý nghĩa quan trọng đối với sinh kế của người dân địa phương, cung cấp ngư trường và mặt nước cho hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản. Hệ thực vật, động vật vùng ngập nước và vùng biển ven bờ ở Phú Yên rất đa dạng, phong phú với nhiều loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Vùng biển ven bờ của Phú Yên có nhiều hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học lớn, có giá trị cảnh quan và tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch…

 

Sở NN-PTNT tổ chức thả giống thủy sản tái tạo nguồn lợi tại vùng biển xã An Chấn (huyện Tuy An). Ảnh: ANH NGỌC

 

Thời gian qua, Phú Yên có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn thiên nhiên, nhất là bảo vệ nguồn lợi ven bờ. Riêng quần thể rạn san hô Hòn Yến rất đẹp, có rất nhiều loại san hô quý, đây là điểm đến lý tưởng nếu tỉnh tập trung phát triển và gắn kết với các địa điểm du lịch của tỉnh, các tỉnh lân cận và của khu vực. Ngoài nỗ lực của cộng đồng dân cư và từng người dân ở khu vực này, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, công ty du lịch… phải có những định hướng, giải pháp cụ thể, nhất là người tham gia du lịch cần có ý thức, trách nhiệm để cùng nhau gìn giữ, bảo tồn tốt quần thể rạn san hô Hòn Yến. Địa phương cũng cần có những chiến lược phát triển phù hợp, chú ý phát triển các làng nghề, những sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP, sản phẩm từ thủy sản đặc sản của địa phương gắn với quần thể rạn san hô Hòn Yến nhằm phục vụ khách du lịch tốt hơn, tạo sinh kế và thu nhập ổn định cho người dân.

 

* Để phát triển nuôi trồng gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản mang tính bền vững, theo ông, Phú Yên nên có những định hướng, giải pháp gì?

 

- Phú Yên là một trong những địa phương ven biển phát triển rất mạnh nuôi trồng thủy sản. Để phát triển hài hòa việc nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học vùng biển ven bờ thì cần phải có chiến lược, kế hoạch mang tính bền vững. Tỉnh cần phối hợp với các nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị chuyên môn tập trung điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống các loài thủy sản, nguồn lợi thủy sản ở vùng biển địa phương để làm cơ sở bảo vệ, tái tạo và khai thác hiệu quả. Phú Yên cũng cần nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tồn biển, quan tâm bảo vệ các khu vực tập trung sinh sản của thủy sản, ưu tiên thả bổ sung các giống loài thủy sản có giá trị kinh tế, loài thủy sản bản địa nhằm tái tạo nguồn lợi trong tự nhiên.

 

Về lâu dài, tỉnh cần phục hồi các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, hình thành khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm; bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực nước tự nhiên nội địa, hồ chứa, đầm phá vùng ven biển. Tỉnh cũng cần có giải pháp tăng cường thực hiện đồng bộ quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với các vùng biển ven bờ, vùng nước nội địa.

 

Phú Yên cần tiếp tục phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực và các loài thủy sản có giá trị kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi chủ lực, giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng. Ngoài các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực như tôm hùm, cá biển…, tỉnh cũng cần phát triển nuôi trồng đa dạng như nhuyễn thể, vi tảo, tảo và rong biển trên cơ sở sắp xếp, quản lý vùng ven bờ, gần bờ phù hợp với sức tải môi trường, an toàn dịch bệnh, phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện môi trường…

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Hệ thực vật, động vật vùng ngập nước và vùng biển ven bờ ở Phú Yên rất đa dạng, phong phú với nhiều loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Vùng biển ven bờ của Phú Yên có nhiều hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học lớn, có giá trị cảnh quan và tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch…

 

ANH NGỌC (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek