Thứ Tư, 27/11/2024 20:54 CH
Đưa hoạt động sản xuất, thương mại phát triển trong tình hình mới
Thứ Năm, 10/02/2022 07:00 SA

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại một siêu thị ở TP Tuy Hòa. Ảnh: KHANG ANH

Trong năm qua, ngành Công thương Phú Yên tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khắc phục khó khăn, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, tạo điều kiện cho hoạt động vận chuyển hàng hóa để đảm bảo cung ứng hàng hóa, không để đứt quãng nguồn cung...

 

Báo Phú Yên trao đổi với ông Nguyễn Thanh Tuấn, quyền Giám đốc Sở Công thương xung quanh vấn đề nói trên.

 

* Kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm qua như thế nào, thưa ông?

 

- Trong năm 2021, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Công thương, cùng với sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp nên một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành Công thương vẫn duy trì ở mức tăng trưởng khá. Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,1%; giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện 18.809 tỉ đồng, tăng 3,3% so với năm 2020.

 

Đối với lĩnh vực thương mại, các doanh nghiệp của tỉnh cũng đã ký kết được nhiều đơn hàng và tìm kiếm thị trường mới nên tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt hơn 202 triệu USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ như hải sản tăng 40,7%; linh kiện điện tử tăng 37,5%; sản phẩm gỗ tăng 12,6%; quần áo may sẵn tăng 1,2%.

 

Tuy chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng những tháng cuối năm 2021, hoạt động thương mại dịch vụ đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, dần khôi phục và phát triển. Do vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 34.613 tỉ đồng, tăng 1,1% so với năm 2020; trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa là 29.927 tỉ đồng, đạt 95,9% kế hoạch năm.

 

Ông Nguyễn Thanh Tuấn

* Năm qua, ngành Công thương gặp những khó khăn, trở ngại gì và nguyên nhân do đâu?

 

Ngoài những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ngành Công thương còn gặp một số khó khăn như công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án còn chậm; việc cho thuê đất đối với doanh nghiệp sản xuất trong cụm công nghiệp còn nhiều vướng mắc, chưa được tháo gỡ; do đó các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi đề xuất đầu tư vào cụm công nghiệp.

 

Đơn cử, nhiều cụm công nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi đề xuất đầu tư vào cụm công nghiệp; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp đều có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao; chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu để tạo sự đột phá về chất, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh theo hướng bền vững…

 

* Với những điều kiện thuận lợi cũng như thách thức, trong năm mới, ngành Công thương Phú Yên sẽ triển khai những giải pháp gì để đạt mục tiêu đặt ra của ngành?

 

- Năm 2022 tiếp tục là năm đầy thách thức đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của tỉnh. Tuy nhiên để đạt được các mục tiêu: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8% so với năm 2021; tổng mức bán lẻ hàng hóa 37.410 tỉ đồng, tăng 8,1%; kim ngạch xuất khẩu 207 triệu USD, tăng 2,4%; ngành Công thương khuyến khích doanh nghiệp tập trung đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị, áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ tiên tiến, hiện đại, tự động; tạo sản phẩm có lợi thế, khả năng cạnh tranh cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và bền vững. Chúng tôi đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số… để đáp ứng sự phát triển nhanh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Bên cạnh đó, ngành Công thương cũng sẽ chú trọng các loại hình có thế mạnh như chế biến nông lâm thủy sản, dược phẩm, may mặc; phát triển các nhà máy điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp công nghệ cao. Đồng thời chuyển một số ngành công nghiệp từ hình thức gia công sang sản xuất thành phẩm, xuất khẩu trực tiếp để gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường; đầu tư xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm lưu niệm, đặc sản và các sản phẩm khác có thế mạnh của tỉnh.

 

* Đối với hoạt động thương mại thì sao, thưa ông?

 

- Để hoạt động thương mại phát triển, góp phần xây dựng nền thương mại văn minh, hiện đại, ngành Công thương tạo điều kiện cho hoạt động lưu thông hàng hóa được mở rộng, gắn kết với các tỉnh, thành trong cả nước với thị trường khu vực và thế giới. Ngành khuyến khích đầu tư hiện đại hóa kết cấu hạ tầng thương mại; đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử và hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, một trong những giải pháp quan trọng là tập trung cho công tác xúc tiến thương mại, định hướng xuất khẩu theo ngành hàng và thực hiện có hiệu quả đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 

Ngoài ra, ngành Công thương còn tập trung thực hiện các giải pháp cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu; xây dựng và phát triển mạng lưới phân phối bán lẻ rộng khắp trên địa bàn tỉnh thông qua mạng lưới các chợ nông thôn và các cửa hàng bán lẻ hàng hóa, đảm bảo thích ứng an toàn với phòng chống dịch COVID-19.

 

Theo thống kê của Bộ Công thương trong năm 2021, sản xuất công nghiệp cả nước duy trì và giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực; quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 4,8%. Xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục gần 670 tỉ USD, tăng gần 23%, trở thành điểm sáng của nền kinh tế và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với thặng dư khoảng 4 tỉ USD, góp phần ổn định tỉ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế…

 

KHANG ANH (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek