Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 cộng với mưa lũ, ngập lụt vào cuối năm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống nhân dân, nhất là hộ nghèo và đối tượng chính sách khác. Trước tình hình này, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Phú Yên đã linh hoạt triển khai nhiệm vụ, đảm bảo cung ứng vốn kịp thời giúp người dân có điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh vấn đề nói trên, ông Hồ Văn Thục, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Phú Yên cho biết:
- Năm 2021, tranh thủ nguồn vốn các chương trình tín dụng được trung ương thông báo và nguồn vốn ngân sách tỉnh, NHCSXH Phú Yên đã tập trung giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách để đầu tư, sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống.
Trong năm, chi nhánh đã giải ngân 1.204 tỉ đồng cho 36.274 lượt hộ vay vốn. Qua đó, 14.916 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn sản xuất, kinh doanh; thu hút gần 4.800 lao động có việc làm; hơn 4.000 học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; hơn 17.600 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng mới, sửa chữa; hơn 3.600 hộ vùng khó khăn có vốn sản xuất kinh doanh; 18 doanh nghiệp được vay vốn trả lương ngừng việc cho 3.775 lượt người lao động… Đến 31/12/2021, toàn tỉnh có 85.814 hộ còn dư nợ, chiếm 33% số hộ dân của Phú Yên. Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen trên địa bàn; đồng thời góp phần quan trọng hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Ông Hồ Văn Thục |
* Triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh dịch bệnh, mưa lũ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chi nhánh gặp những khó khăn gì, thưa ông?
- Năm qua, dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, cộng với mưa lớn, ngập lụt xảy ra cuối tháng 11/2021 đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản, tính mạng của người dân. Nhiều trường hợp khách hàng vay vốn dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 7 khách hàng mất do COVID-19 còn dư nợ 334 triệu đồng. Đồng thời có 2 khách hàng mất do bị nước cuốn trôi với số tiền còn nợ là 68 triệu đồng.
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tình trạng thất nghiệp, mất việc làm cũng gia tăng. Lượng người dân đi làm ăn xa ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về địa phương là 41.800 người, trong số này có khoảng 46% người không trở lại làm việc theo khảo sát của Sở LĐ-TB-XH. Như vậy, khoảng 20.000 người thất nghiệp, có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống tại quê nhà. Bên cạnh đó, trong năm 2021, toàn tỉnh có 11 xã không còn trong danh sách đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn ngay khi Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành. Nhiều trường hợp hộ vay khi trả hết nợ, không có nguồn vốn để tiếp tục sản xuất, có nhu cầu vay vốn rất lớn. Tuy nhiên, nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm trung ương có hạn, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác NHCSXH bổ sung hàng năm còn thấp. Trong khi đó, công tác huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong năm thực hiện chậm, chưa vận động được các quỹ Cứu trợ, Vì người nghèo, Xóa nhà ở tạm, Phòng chống COVID-19, Phòng chống thiên tai, Bảo vệ và phát triển rừng... gửi vào NHCSXH để có thêm nguồn lực cho vay, nên chi nhánh gặp khó khăn trong việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn của nhân dân.
Ngoài ra, do dịch bệnh, thiên tai, kinh tế khó khăn nên tình trạng hộ vay vốn bỏ đi khỏi địa phương nhiều, ảnh hưởng đến công tác đôn đốc thu hồi nợ, nợ quá hạn một số địa phương tăng…
* Vậy trong năm 2022, NHCSXH Phú Yên sẽ làm gì để khắc phục những khó khăn nói trên?
- Năm nay, NHCSXH Phú Yên tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Căn cứ kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 áp dụng năm 2022, chi nhánh sớm xây dựng kế hoạch nguồn vốn cho vay kịp thời, không để trường hợp nào đủ điều kiện mà không được vay vốn. Đồng thời quản lý, điều hành chỉ tiêu kế hoạch linh hoạt, kịp thời phù hợp từng thời điểm, từng địa phương, không để tồn đọng vốn.
Bên cạnh đó, NHCSXH Phú Yên cũng tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở tăng cường kiểm tra giám sát, triển khai đối chiếu, phân loại nợ 100% khách hàng thời điểm 31/12/2021, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng theo hướng ổn định, bền vững. Tiếp tục thông tin tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi; nâng cao hiểu biết và cảnh giác của người dân về tác hại của tín dụng đen, cho vay lãi nặng; giới thiệu các mô hình hộ vay vốn làm ăn có hiệu quả để hộ vay học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng vào phát triển kinh tế gia đình…
* Vấn đề bổ sung vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Như trên đã nói, nhu cầu vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong thời gian tới là rất lớn. Do vậy, NHCSXH Phú Yên đã kiến nghị NHCSXH Việt Nam bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Đồng thời kiến nghị trung ương cho phép chuyển nguồn vốn thu hồi từ chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn sang chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm.
NHCSXH Phú Yên cũng kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện tốt nội dung Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch 210/KH-UBND của UBND tỉnh thực hiện Quyết định 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Các cơ quan, đơn vị, Ủy ban MTTQ, các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tỉnh tập trung các nguồn quỹ có tính chất từ thiện, các nguồn vốn hợp pháp khác gửi vào NHCSXH để tăng cường nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Đối với nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, các tỉnh, thành trên cả nước đều thiếu; trong khi nguồn lực của trung ương có hạn. Vì vậy, NHCSXH Việt Nam chủ trương tỉnh, thành nào cân đối được bao nhiêu thì trung ương đối ứng bấy nhiêu. Khi địa phương chuyển nguồn vốn ủy thác càng sớm, càng cao, NHCSXH Việt Nam sẽ có kế hoạch đối ứng kịp thời; nếu chậm hơn thì nguồn vốn này sẽ được cân đối cho các tỉnh, thành khác. Do đó, NHCSXH Phú Yên mong muốn UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quan tâm, trích ngân sách địa phương ủy thác NHCSXH cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn…
* Xin cảm ơn ông!
Năm qua, NHCSXH Phú Yên tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, hỗ trợ hộ nghèo, người già neo đơn, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam, trẻ em mồ côi, ủng hộ Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19, chương trình Sóng và máy tính cho em... với tổng số tiền 285 triệu đồng. Đặc biệt, trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chi nhánh tranh thủ nguồn hỗ trợ từ trung ương và đóng góp của cán bộ, người lao động chung tay chia sẻ, hỗ trợ kịp thời các địa phương trong công tác phòng, chống dịch với tổng số tiền 865 triệu đồng. |
LÊ HẢO (thực hiện)