Tạo điều kiện để người dân mua bán trong dịp tết, theo dõi tình hình cung ứng hàng hóa để có phương án phục vụ kịp thời nhu cầu người dân, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam… là những công tác quan trọng được ngành Công thương, các địa phương quan tâm, tăng cường trong những ngày áp Tết Nguyên đán.
Tạo thuận lợi trong kinh doanh
Tại các địa phương trong tỉnh, hiện người dân đi lại mua sắm rất đông. Theo các tư thương, nhu cầu mua sắm của người dân hiện nay tập trung vào các nhóm hàng quần áo, giày dép, đồ dùng cá nhân, gia đình, nội thất... Đối với thực phẩm tươi sống, trong 2-3 ngày qua, giá đã bắt đầu tăng. Cụ thể như, thịt bò, thịt heo tăng 5.000-10.000 đồng/kg; một số loại rau củ quả cũng nhích 2.000-5.000 đồng/kg... Bà Phan Thị Tuyết, chủ cửa hàng tạp hóa Thi Tuyết (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) cho hay: Trong hơn một tuần qua, lượng khách đến cửa hàng khoảng 40-50 người/ngày, tăng gấp đôi, gấp ba so với những ngày trước đó.
Tại các chợ truyền thống, công tác phục vụ người dân mua sắm tết cũng được các địa phương, ban quản lý chợ quan tâm. Theo đó, thực hiện các phương án đảm bảo hoạt động mua bán của doanh nghiệp, người dân, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã phân công lực lượng, chỉ đạo bộ phận chuyên trách, các ban quản lý chợ phối hợp hướng dẫn các tiểu thương, cơ sở kinh doanh thực hiện đúng quy định. Các địa phương, đơn vị cũng nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phòng chống dịch để hoạt động mua bán của người dân trong dịp cuối năm diễn ra an toàn.
Ông Nguyễn Đình An, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Số lượng người mua bán tại chợ, điểm bán ở Sơn Hòa bắt đầu tăng. Địa phương đã chỉ đạo ban quản lý các chợ bố trí, sắp xếp các khu vực kinh doanh để bảo đảm hoạt động mua bán của người dân. Chủ các điểm bán hàng cố định, ban quản lý các chợ cũng phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; tiếp tục tuyên truyền để người dân tuân thủ thực hiện yêu cầu 5K và các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19. Đặc biệt, công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tết cũng được lực lượng chức năng trên địa bàn tổ chức chặt chẽ, nhằm ngăn chặn tình trạng tuồn hàng hóa, thực phẩm kém chất lượng về các xã cách xa trung tâm.
Đảm bảo nguồn cung, ưu tiên hàng Việt
Theo Sở Công thương, với mục tiêu phục vụ tốt nhất nhu cầu tiêu dùng trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán, ngành Công thương đã sớm có kế hoạch tổ chức cung ứng hàng hóa, kiểm soát biến động giá cả. Đơn vị chủ động làm việc với hơn 10 đơn vị phân phối lớn trên địa bàn tỉnh đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Riêng Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa, Vinmart, V’mart, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam - chi nhánh Phú Yên chủ động dự trữ các nguồn hàng thực phẩm tươi sống phục vụ người tiêu dùng. Hệ thống các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tổng hợp, các chợ cũng chuẩn bị đầy đủ lượng hàng hóa, đặc biệt chú trọng cung ứng hàng hóa cho các đối tượng gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh với lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm.
Bà Trần Thị Bích Hoang, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa, cho hay: Tết năm nay, đơn vị không tổ chức bán hàng lưu động nhưng đã tăng cường lượng hàng tại các điểm bán cố định ở các địa phương để phục vụ nhu cầu người dân với hơn 16.000 mặt hàng các loại, trong đó thực phẩm thiết yếu, tươi sống… luôn có lượng dự trữ thường xuyên. Siêu thị cũng cam kết thực hiện chiến lược bình ổn giá để người dân mua sắm trong dịp tết.
Cùng với công tác phục vụ hàng hóa, đảm bảo hoạt động kinh doanh, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở các địa phương cũng ra sức tuyên truyền để người dân sử dụng hàng Việt có chất lượng. Các đơn vị đã tổ chức tuyên truyền trên loa phát thanh, tuyên truyền lưu động ở các khu dân cư, hướng dẫn người dân tham gia mua sắm an toàn, ưu tiên mua sắm hàng Việt Nam ở các điểm bán. Theo đại diện Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” huyện Sơn Hòa, đơn vị đã thông tin, quảng bá những sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam; cảnh báo, phê phán những hành vi gian lận thương mại, sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu... nhằm bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ uy tín thương hiệu cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời khuyến khích người dân thông tin về các trường hợp bất thường trong kinh doanh, giá cả hàng hóa để lực lượng chức năng có biện pháp xử lý kịp thời, góp phần phục vụ người dân đón tết đầy đủ, an toàn.
Sở Công thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công, Xúc tiến thương mại và Tiết kiệm năng lượng Phú Yên chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức các đợt đưa hàng Việt về nông thôn trong trường hợp các địa phương triển khai tốt các biện pháp đánh giá, phân loại cấp độ dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Sở cũng đề nghị Công ty Điện lực Phú Yên, Công ty CP Xăng dầu Dầu khí Phú Yên, Chi nhánh Xăng dầu Phú Yên lập phương án bảo đảm đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân; phối hợp xử lý sự cố, phòng chống cháy nổ, chập điện tại các khu vực công cộng, chợ; đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân trong dịp tết.
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương |
KHANG ANH