Thứ Hai, 06/05/2024 23:03 CH
Làng nghề vào mùa kinh doanh tết
Thứ Hai, 17/01/2022 07:00 SA

Người dân làng nghề chiếu cói Phú Tân, xã An Cư tất bật chuẩn bị hàng tết. Ảnh: NGÔ XUÂN

Phú Yên có 17 làng nghề truyền thống công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được công nhận, với các sản phẩm thiết yếu như nghề bó chổi, dệt chiếu, đan đát, tráng bánh, nước mắm, cá cơm khô, bún, rượu… gắn liền với đời sống hàng ngày của người dân. Dịp cận tết, các làng nghề tất bật chuẩn bị hàng hóa để đảm bảo cung ứng cho nhu cầu của khách hàng dịp cao điểm nhất trong năm.

 

Tất bật sản xuất

 

Hiện nay, phần lớn cơ sở thuộc các làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh vẫn giữ phương thức sản xuất truyền thống; các công đoạn sản xuất đều dựa vào sức người. Do vậy, để đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng dịp tết, các cơ sở làng nghề đã phải tất bật sản xuất, dự trữ hàng hóa từ nhiều tháng nay.

 

Tại làng nghề bó chổi Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, các hộ đã đẩy mạnh tiến độ sản xuất, dự trữ hàng hóa từ hơn 2 tháng nay. Làng nghề này hiện có hơn 200 hộ, với khoảng 1.000 lao động làm nghề bó chổi; mỗi ngày bình quân một cơ sở có thể sản xuất khoảng 300-500 cây chổi; hàng làm đến đâu đều có thương lái đến tận nhà thu mua. Những năm gần đây, chổi Mỹ Thành ngày càng được nhiều nơi ưa chuộng nhờ chất lượng chổi chắc, bền, đẹp. Không chỉ cung ứng cho địa phương, làng nghề bó chổi Mỹ Thành còn là nơi cung cấp chổi cho Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Tây Ninh… “Ở Mỹ Thành, hầu như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ đều biết bó chổi. Những tháng cuối năm, nhà nhà đều tập trung bó chổi để có thêm tiền tiêu tết”, chị Nguyễn Thị Gái, một người dân ở làng nghề này cho hay.

 

Tại làng nghề chiếu cói Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An, các cơ sở dệt chiếu cũng làm việc bất kể ngày đêm. Trong đó, các cơ sở dệt chiếu bằng máy đã phát huy hết công suất máy móc, thuê thêm nhân công dệt chiếu và làm những công việc phụ trợ như: may biên, bấm chỉ, phơi chiếu... Thông thường, những công đoạn này sẽ do phụ nữ nông nhàn, người lớn tuổi, các em học sinh… trong làng nghề nhận về làm để kiếm thêm tiền tiêu tết. Mỗi ngày, làng nghề này cung cấp cho thị trường hàng ngàn chiếc chiếu cói các loại. Hàng hóa sản xuất đến đâu đều được các tư thương thu gom đến đấy. Nghề dệt chiếu đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hơn 200 người dân Phú Tân; trong đó phần nhiều là phụ nữ.

 

Khẩn trương tiêu thụ

 

Tại các làng nghề chế biến nước mắm truyền thống Long Thủy (TP Tuy Hòa), Mỹ Quang (huyện Tuy An) và Gành Đỏ (TX Sông Cầu), các khâu sản xuất nước mắm, sang chiết, đóng chai đều đã được hoàn tất từ nhiều tháng nay. Thời điểm hiện tại, các cơ sở chế biến nước mắm chỉ tập trung vào khâu nhận đơn hàng và vận chuyển, tiêu thụ. Tại cơ sở nước mắm Tân Lập (TX Sông Cầu), hàng ngàn lít mắm ngon được đóng thùng, sẵn sàng chờ khách. Dịp tết, bên cạnh mẫu chai nhựa, cơ sở nước mắm này đầu tư nhiều loại chai thủy tinh, hộp giấy rất trang trọng, tinh tế, phục vụ cho nhu cầu biếu, tặng của khách hàng. Anh Phạm Văn Khải, chủ cơ sở nước mắm Tân Lập, cho biết: Vụ mắm tết năm nay, cơ sở chuẩn bị khoảng 20.000 lít mắm ngon cung ứng cho thị trường. Thời điểm này, cơ sở đã chuẩn bị 2 xe tải để liên tục giao hàng cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đặt mắm tặng khách hàng, đối tác dịp tết. Hiện các sản phẩm nước mắm cốt nhỉ đặc biệt, với mức giá từ 120.000-180.000 đồng được tiêu thụ mạnh nhất.

 

Tương tự, tại làng nghề rượu Quán Đế, xã Xuân Bình, TX Sông Cầu, các hộ nấu rượu truyền thống cũng chuẩn bị rượu cung ứng cho mùa kinh doanh tết. Với cách nấu, ủ rượu truyền thống, mỗi ngày một cơ sở cũng chỉ nấu được khoảng 10 lít rượu ngon. Do vậy, rất nhiều khách hàng phải đặt trước mới có rượu. Mùa tết năm nay, cơ sở rượu Quán Đế của gia đình ông Lâm Văn Dạy (xã Xuân Bình, TX Sông Cầu) đã được đầu tư nồi nấu rượu công suất lớn, giúp năng suất nấu rượu tăng gấp 4-5 lần so với nấu thủ công. Gia đình ông Dạy cũng đầu tư thêm mẫu chai thủy tinh, hộp giấy… để phục vụ nhu cầu tặng, biếu dịp tết của người dân. Mong muốn của ông Dạy và nhiều người dân làng nghề là đưa sản phẩm rượu Quán Đế ngày càng vươn xa hơn.

 

Theo ông Võ Đình Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công thương, hiện toàn tỉnh có 17 làng nghề truyền thống công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được công nhận. Các làng nghề phát triển phù hợp định hướng của tỉnh; khai thác được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Các cơ sở làng nghề từng bước quan tâm, đầu tư thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến, giúp gia tăng hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sản phẩm các làng nghề đang từng bước nâng cao về chất lượng cũng như quy mô hoạt động, góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập cho hàng ngàn lao động địa phương. 

 

Những năm gần đây, các cơ sở làng nghề từng bước quan tâm, đầu tư thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến, giúp gia tăng hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sản phẩm các làng nghề đang từng bước nâng cao về chất lượng cũng như quy mô hoạt động, góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập cho hàng ngàn lao động địa phương.

 

Ông Võ Đình Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công thương

 

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek