Phụ nữ tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong nền kinh tế Việt Nam, với 26,5% doanh nghiệp trong nước hiện nay thuộc sở hữu của các nữ doanh nhân. Con số này đã minh chứng và khẳng định vai trò quan trọng của nữ doanh nhân trong nền kinh tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp do nữ làm chủ vẫn đứng vững vàng, đạt mức tăng trưởng cao, truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ khởi nghiệp và cho những nữ doanh nhân khác.
Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh tại Lễ trao giải Cuộc thi "Nữ doanh nhân với kế hoạch kinh doanh thành công" và Lễ ký Thỏa thuận hợp tác thành lập Văn phòng dự án SheTrades (hỗ trợ doanh nhân nữ) tại Việt Nam do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức tối 25/11 theo hình thức trực tuyến với điểm cầu chính tại Thủ đô Hà Nội cùng các điểm cầu tại TP Hồ Chí Minh và TP Hải Phòng.
Cuộc thi "Nữ doanh nhân với kế hoạch kinh doanh thành công"nằm trong khuôn khổ Dự án "Nâng cao năng lực cạnh tranh trên môi trường số cho doanh nghiệp nữ làm chủ tại Việt Nam".
Dự án do Chính phủ Hà Lan tài trợ, được tổ chức bởi Cục Xúc tiến thương mại và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam nhằm nâng cao năng lực và khuyến khích các doanh nhân nữ sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu một cách bài bản, có chiến lược, có kỹ năng lập kế hoạch để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp Việt do nữ làm chủ đang tăng lên nhanh chóng, từ 4% năm 2009 tăng lên 21% năm 2011 và đến năm 2021 đạt tỉ lệ 25%.
Đặc biệt, tại một số tỉnh, thành phố của Việt Nam, các doanh nghiệp do nữ làm chủ ngày càng đa dạng về ngành nghề sản xuất, kinh doanh và doanh số. Các doanh nghiệp nữ không ngừng lớn mạnh về chất lượng mà còn mở rộng địa bàn, quy mô hoat động.
Thứ trưởng Bộ Công thương cũng chỉ ra rằng không chỉ tăng lên về số lượng, nhiều doanh nghiệp nữ hiện nay đã đạt được nhiều thành tựu lớn, gặt hái được nhiều danh hiệu cao quý cả ở trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, để khích lệ tinh thần làm việc, sáng tạo của các nữ doanh nhân, bên cạnh tạo ra cơ chế, chính sách thuận lợi thì khơi dậy đam mê, khát vọng kinh doanh cho phụ nữ là rất cần thiết, nhằm tăng sức đóng góp của phụ nữ vào tăng trưởng kinh tế.
Bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hà Lan tại Việt Nam cho biết dự án "Nâng cao năng lực cạnh tranh trên môi trường số cho doanh nghiệp nữ làm chủ tại Việt Nam" (e-SWB Vietnam) đang triển khai tại 25 nước trên thế giới.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 8 khóa học trực tuyến về sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Đây là hoạt động nhằm giới thiệu phương thức học trực tuyến tới các doanh nghiệp, nhất là các doanh nhân nữ Việt Nam nhằm tập trung nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các kỹ năng xúc tiến thương mại đối với các doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp và các nữ doanh nhân kinh doanh có tư duy chiến lược.
Cùng quan điểm này, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho hay cuộc thi thực sự có ý nghĩa trong việc truyền cảm hứng cho các doanh nhân nữ.
Sự kiện diễn ra vào thời điểm hết sức đặc biệt, khi dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của doanh nghiệp, do vậy đây là sự cổ vũ, động viên tinh thần rất lớn cho các doanh nhân nữ.
"Qua cuộc thi, Ban Tổ chức có thể thấy những nỗ lực không mệt mỏi, đó là sự kiên định trong khó khăn và quyết tâm xây dựng thói quen lập kế hoạch kinh doanh để chủ động với những tình huống trong thực tế" - Cục trưởng Vũ Bá Phú thông tin.
Chia sẻ bên lề cuộc thi, bà Hồ Thị Cẩm, Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Mỹ Bình cho biết trước đây bà Cẩm cũng như đơn vị mình chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch kinh doanh, nhưng từ khi tham gia các buổi tập huấn do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức, cũng như việc tham gia cuộc thi, doanh nghiệp Mỹ Bình đã chủ động trong việc nghiên cứu, chỉnh sửa và xây dựng thành công những kế hoạch kinh doanh dài hạn.
Tương tự, đại diện Công ty TNHH kinh doanh dịch vụ du lịch Nguyễn Duy chia sẻ, khởi nghiệp giống như đưa một con thuyền ra khơi, lênh đênh giữa biển cả không biết đi về đâu để đánh bắt.
Thực tế, điều này cũng như doanh nghiệp đứng trước thị trường rộng lớn chưa xác định được cụ thể đích và đường đi của mình. Bản kế hoạch kinh doanh là kim chỉ nam giúp Nguyễn Duy hiểu về chính mình và hiểu được thị trường.
"Kế hoạch kinh doanh giúp Nguyễn Duy xác định các mục tiêu, các chiến lược, xác định thị trường, khách hàng, đối thủ cạnh tranh và nội lực của doanh nghiệp mình nhằm đưa ra định hướng kinh doanh, cách thức để thực hiện các mục tiêu", đại diện doanh nghiệp Nguyễn Duy chia sẻ.
Cuộc thi Nữ doanh nhân với Kế hoạch kinh doanh thành công đã thu hút hơn 600 doanh nghiệp quan tâm, tham gia học tập, trao đổi và được tư vấn hướng dẫn về cách lập kế hoạch kinh doanh cho doanh nghiệp; trong đó, có 60 bài thi lọt vào vòng chung khảo.
Các kế hoạch kinh doanh này đều do các nữ doanh nhân tự tìm hiểu, nghiên cứu và viết theo hướng dẫn và tư vấn của nhóm chuyên gia từ Cục Xúc tiến thương mại.
Cuộc thi nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, truyền cảm hứng kinh doanh cho các bạn trẻ và cho phụ nữ khắp nơi trên đất nước. Qua đây, các nữ doanh nhân cũng tiếp cận với phương pháp học tập trực tuyến và tư vấn từ xa, từng bước xây dựng thói quen tự tìm kiếm thông tin, nghiên cứu tại bàn, nghiên cứu thực địa phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.
Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho nữ doanh nhân Công ty Cổ phần trang trí đơn giản Simple Decor. Giải nhì cho nữ doanh nhân Công ty Cổ phần Mật thốt nốt Palmania và giải Ba cho nữ doanh nhân Công ty TNHH Kinh doanh dịch vụ du lịch Nguyễn Duy.
Theo TTXVN/Vietnam+