Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện miền núi Đồng Xuân đã có nhiều đổi mới từ hạ tầng kỹ thuật đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân. Thời gian tới, địa phương này tiếp tục đưa các xã còn lại về đích NTM, tạo sự phát triển đồng bộ, xây dựng diện mạo mới cho huyện nhà.
Đổi mới ở các khu dân cư
Theo lãnh đạo huyện Đồng Xuân, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư, trong giai đoạn 2017-2020, Đồng Xuân bê tông được hơn 43km đường nông thôn, nâng tổng số kilomet đường giao thông toàn huyện được bê tông lên 318. Nhờ đó, hạ tầng giao thông của huyện được nâng cấp hoàn toàn, giúp người dân đi lại thuận lợi, thúc đẩy giao thương.
Tại khu dân cư thôn Tân An, xã Xuân Sơn Nam, hầu hết tuyến đường bê tông ở đây được mở rộng trên 3m, đều có lề và cắm biển báo hướng dẫn. Ông Lê Văn Khải, người dân thôn Tân An, cho biết: Chỉ vài năm trước, cả thôn chỉ toàn đường đất, mùa nắng bụi mịt mù, mùa mưa thì sình lầy. Đặc biệt, mỗi vụ thu hoạch phải tăng bo mấy bận mới đưa được lúa về nhà. Còn nay, đường bê tông phủ tới tận ngõ, chạy ra tận ruộng, người dân rất phấn khởi. Từ ngày có đường thông thoáng, bà con chung nhau góp tiền kéo điện thắp sáng khắp các tuyến đường, góp sức trồng cây xanh tạo diện mạo mới cho quê hương. Theo bà Bùi Thị Hoa Thư, Trưởng thôn Tân An, người dân tích cực trang hoàng nhà cửa, sơn sửa hàng rào để tạo cảnh quan thôn xóm, dọn vệ sinh môi trường... Nhờ vậy, thôn Tân An đã hoàn thành tất cả tiêu chí và được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Nam Nguyễn Thành Giang cho biết: Hiện xã có hơn 27km đường bê tông xi măng và gần 3km đường nội đồng được cứng hóa, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản. Ngoài ra, người dân các thôn xóm tích cực tham gia trồng hoa, cây xanh dọc các tuyến đường; góp tiền kéo điện với hơn 25km đảm bảo các tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp tạo diện mạo khang trang cho xã.
Tương tự, tại xã Xuân Phước, địa phương phấn đấu đạt xã NTM nâng cao trong năm 2022, người dân và chính quyền nơi đây đang dốc sức để nâng cao các tiêu chí. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Phước cho biết: Địa phương đang phối hợp cùng Công ty TNHH KCP Việt Nam tu bổ, sửa chữa và mở rộng các tuyến giao thông nội đồng đi vào vùng sản xuất mía để tạo thuận tiện cho việc đưa thiết bị vào vận chuyển nguyên liệu về nhà máy; xã cũng sẽ bê tông thêm tuyến đường đi từ đồng Cây Xanh đến lò gạch ông Công. Ngoài ra, xã tập trung vận động nhân dân tham gia bê tông hóa thêm nhiều tuyến đường khác và bảo dưỡng các tuyến đường đã bê tông. Hiện có khoảng 31km đường được nhựa hóa và bê tông hóa, hệ thống giáo dục, y tế, cơ sở vật chất văn hóa… đều đạt chuẩn, đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe, học tập và sinh hoạt văn hóa của người dân.
Theo bà Trần Thị Loan ở xã Xuân Phước, thông qua chương trình xây dựng NTM, địa phương và ngành Giáo dục đã tích cực đầu tư nâng cấp hạ tầng giáo dục. Hiện các trường mầm non Xuân Phước, tiểu học Xuân Phước số 1, THCS Nguyễn Hào Sự của xã đều được chuẩn hóa từ hạ tầng đến chất lượng giảng dạy, tạo điều kiện tốt nhất cho thế hệ tương lai của địa phương học tập.
Quan tâm đến phát triển kinh tế
Trong suốt quá trình xây dựng NTM, bên cạnh đầu tư nâng cấp hạ tầng, huyện Đồng Xuân còn đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững.
Theo UBND huyện Đồng Xuân, là huyện miền núi sở hữu diện tích đất sản xuất rộng lớn, cộng với việc hơn 74% dân số làm nông nên nông nghiệp là thế mạnh cũng là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Chính vì vậy, thời gian qua, huyện đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch vùng sản xuất, cộng với thay đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi hiệu quả thông qua việc triển khai các mô hình, dự án tại địa phương.
Một trong những mô hình mang lại hiệu quả cao đang được người dân mở rộng diện tích sản xuất là trồng đậu phộng trên những vùng đất bạc màu. Ông Nguyễn Khắc Trường ở xã Xuân Quang 2 nói: Từ năm 2019, khi tham gia mô hình sản xuất đậu phộng VietGAP gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm do địa phương triển khai thì toàn bộ diện tích đất canh tác bấp bênh ở khu đồng Soi Sủng đã được khai thác tối đa. Cũng theo ông Trường, trước đây, mỗi năm gia đình ông chỉ trồng được 1 vụ bắp, còn lại phải bỏ đất không vì khu vực này thường thiếu nước. Từ khi chuyển sang luân canh cây trồng, mỗi năm ông trồng được từ 2-3 vụ đậu phộng, bắp mang lại thu nhập khoảng 20 triệu đồng trên chân ruộng này, cao hơn nhiều lần so với trước. Đặc biệt, vùng sản xuất đậu phộng của bà con thực hiện theo mô hình liên kết chuỗi, toàn bộ sản lượng sau thu hoạch đều được HTX Xuân Phước bao tiêu. Chính vì vậy, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, bà con không phải bận tâm về đầu ra, yên tâm đầu tư sản xuất.
Ông Huỳnh Tuấn Ân, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho hay: Hiện địa phương đã quy hoạch và phát triển vùng sản xuất lúa gần 750ha, vùng chuyên canh rau màu hơn 650ha, vùng trồng mía gần 1.600ha và hơn 4.790ha sắn... Bình quân mỗi năm, nông dân địa phương sản xuất được hơn 26.600 tấn lương thực có hạt, gần 1.500 tấn rau màu các loại, 79.000 tấn mía cây, hơn 102.000 tấn sắn củ...
Nhờ sản xuất ổn định, hiệu quả nên thu nhập người dân ngày càng được nâng cao. Tính đến cuối năm 2020, mức thu nhập bình quân của người dân huyện Đồng Xuân đạt trên 37,3 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 5,36%...
Đến nay, Đồng Xuân đã có 6/10 xã đạt chuẩn NTM, trong đó xã Xuân Sơn Nam đạt xã NTM nâng cao; bình quân toàn huyện đạt 16,7 tiêu chí NTM/xã. Huyện đang phấn đấu đến cuối năm nay nâng mức tiêu chí NTM bình quân toàn huyện lên 17,5 tiêu chí/xã, đưa thêm thôn Tân Phú, xã Xuân Sơn Nam đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu (tổng cộng có 2 khu dân cư NTM kiểu mẫu) và có 3 vườn mẫu NTM đạt chuẩn.
Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân |
THỦY TIÊN