Việc tác động vào nhận thức của cộng đồng bằng cả lý thuyết và giải pháp đã giúp công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh được nâng lên.
Chuyển giao, tiếp nhận công nghệ
Trên địa bàn tỉnh, hoạt động tái chế rác thải thành nước rửa chén, thành phân hữu cơ, thành các sản phẩm tái sử dụng không còn xa lạ với người dân. Theo Sở TN-MT, có được thành quả này là cả một quá trình UBND tỉnh kết nối, hợp tác với các tổ chức môi trường trong nước và thế giới nhằm tranh thủ công nghệ xử lý môi trường theo hướng tái tạo, biến rác thành tài nguyên. Điển hình có GreenHub - Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đã chuyển giao công nghệ sản xuất phân compost từ rác hữu cơ, làm nước tẩy rửa từ vỏ hoa quả. Từ đây, các hội đoàn thể, các đơn vị, cơ quan trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền BVMT gắn với xây dựng các mô hình hướng dẫn cách làm tới từng hộ dân. Người dân không chỉ “nghe nói” mà còn được “cầm tay chỉ việc” thực hiện nên đã tin và làm theo. Đặc biệt, nhiều cá nhân, đơn vị ở tỉnh còn cải tiến, nâng cao công nghệ theo hướng tiện hơn, đẹp hơn để sản phẩm khi đến tay người dân dễ sử dụng.
TS Võ Anh Khuê, Trưởng Khoa Công nghệ hóa - Tài nguyên và môi trường thuộc Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung (MITC), cho biết: Cuối năm 2020, tôi đã hợp tác với Sở TN-MT nghiên cứu thiết kế và hoàn thiện sản phẩm thùng ủ rác thải hữu cơ thực vật thành phân bón. Thùng ủ này hạn chế được khuyết điểm mất mỹ quan của công nghệ ủ phân compost trải bạt. Hiện nay, trường cung cấp sản phẩm cho các đơn vị và cả người dân có nhu cầu tái chế rác hữu cơ để BVMT.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), cho hay: Chúng tôi tiếp nhận từ GreenHub hai mô hình BVMT là làm nước rửa chén từ vỏ hoa quả và ủ phân compost từ rác hữu cơ rau củ. Trong đó, mô hình làm nước rửa chén cho hiệu quả thực tế nên được chị em đón nhận và ngày càng có nhiều hộ dân học hỏi làm theo. Còn việc ủ phân compost khó nhân rộng bởi dùng bạt ủ vừa mất mỹ quan vừa không khắc phục triệt để mùi hôi. Khi biết có sản phẩm thùng ủ rác của MITC, tôi đã đề xuất với Sở TN-MT hỗ trợ thùng ủ để nhân rộng hoạt động BVMT trong cộng đồng dân cư chứ không chỉ dừng lại trong chị em hội viên. Thùng ủ đặt tại các hộ dân sẽ biến rác hữu cơ từ các ruộng rau, hoa thành phân phục vụ lại cho sản xuất nông nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển du lịch trải nghiệm của làng nghề trồng rau truyền thống.
Theo Sở TN-MT, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với các hội đoàn thể như Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh đoàn… triển khai nhiều mô hình BVMT. Điểm mới của các mô hình này là không chỉ tuyên truyền pháp luật BVMT, vận động nâng cao ý thức người dân mà còn tặng sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa và thùng ủ rác như một cách đưa ra giải pháp hướng dẫn bà con cùng làm. Đây là bước phát triển quan trọng để việc giữ vệ sinh môi trường trở thành ý thức thường trực của cả cộng đồng.
Người dân phấn khởi
Chị Đào Thị Ánh Duyên ở xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa) là một trong 19 hộ dân ở xã này và xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) vừa được nhận thùng ủ rác hữu cơ từ mô hình phân loại, giảm thiểu rác thải sinh hoạt năm 2021 do Hội Nông dân tỉnh và Sở TN-MT phối hợp triển khai. “Khi được các cấp hội và chính quyền tuyên truyền, tôi hiểu là cần nâng cao ý thức BVMT. Tôi không bỏ rác bừa bãi mà gom lại chờ tới giờ, tới ngày mang ra điểm tập kết cho xe rác đi thu gom. Nhiều hôm bận việc chưa kịp đổ hoặc mưa gió, việc thu gom bị chậm trễ thì rác dồn lại hôi thối, lúc đó lại phải đem đi chôn hoặc đổ dầu đốt. Vô hình trung, ô nhiễm chuyển từ mùi hôi thối sang khói bụi. Trong khi rác ở nhà tôi nói riêng hay quê tôi nói chung chủ yếu là rác rau củ, cây trồng có thể tái chế. Giờ có được thùng ủ hữu cơ này, tôi sẽ dùng rác hữu cơ để tái chế thành phân bón cho chính cây trồng của nhà mình, lợi đủ đường”, chị Duyên nói.
Tiếp nhận công nghệ, nhiều cá nhân, tập thể đã đầu tư sản xuất chuyên nghiệp các sản phẩm thân thiện với môi trường để bán ra thị trường, tạo ra cơ hội khởi nghiệp. Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din, cho biết: Bên cạnh các sản phẩm nước ép khóm, bánh khóm truyền thống, HTX cho ra đời thêm hai sản phẩm là nước lau sàn sinh học Đồng Din và nước rửa chén sinh học Đồng Din. Hai sản phẩm này được làm từ 100% phế phụ phẩm của cây khóm áp dụng công nghệ ủ lên men nên an toàn với sức khỏe người sử dụng và thân thiện với môi trường. Từ đây, HTX vừa có thêm sản phẩm tiếp cận thị trường vừa giải quyết được bài toán rác thải từ cây trồng.
Theo Sở TN-MT, nhiều năm trước hoạt động tuyên truyền BVMT chỉ dừng lại ở việc thuyết trình về tác hại, nguy cơ ô nhiễm môi trường nên hiệu quả chưa cao. Riêng 3 năm trở lại đây, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh gắn tuyên truyền với việc đưa ra các giải pháp bằng cách chuyển giao công nghệ xử lý nên được nhân dân hưởng ứng. Việc thu hút các chuyên gia môi trường tới Phú Yên để chuyển giao công nghệ BVMT là cơ sở giúp tỉnh từng bước triển khai phân loại rác thải từ nguồn trên diện rộng, nhằm giảm áp lực quá tải tại các bãi rác hiện nay và tạo ra nguồn nguyên liệu cho tái chế trong tương lai.
BẠCH VÂN