Kho bạc điện tử với mục tiêu xây dựng kho bạc “3 không”: không tiền mặt, không khách hàng đến giao dịch, không sử dụng chứng từ giấy, hướng tới kho bạc số là nhiệm vụ cải cách hành chính quan trọng của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) nói chung, KBNN Phú Yên nói riêng trong những năm qua.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, những năm qua, KBNN Phú Yên đã tích cực cải cách cơ chế chính sách, triển khai nhiều dự án hiện đại hóa trong công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua KBNN theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch về quy trình, thủ tục; hiện đại về công nghệ; đảm bảo quản lý chặt chẽ tiền, tài sản nhà nước. Những cải cách đó cũng nhằm hướng đến mục tiêu của Chiến lược phát triển KBNN là xây dựng kho bạc điện tử, tiến tới kho bạc số với 3 không: không khách hàng tại trụ sở, không tiền mặt và không giấy tờ.
Để đạt được mục tiêu nói trên, những năm qua, KBNN Phú Yên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Thứ nhất, triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến KBNN trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, KBNN Phú Yên đã triển khai dịch vụ công trực tuyến KBNN đến các đơn vị sử dụng NSNN trên địa bàn TP Tuy Hòa và TX Sông Cầu, đáp ứng được mục tiêu cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác kiểm soát chi, rút ngắn thời gian, minh bạch về quy trình, hồ sơ chứng từ và nội dung kiểm soát. Đến cuối năm 2019, có 216 đơn vị trên 2 địa bàn bắt buộc là TP Tuy Hòa và TX Sông Cầu đã tham gia dịch vụ công trực tuyến, chiếm 87% tổng số đơn vị đã đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến KBNN.
Năm 2020, KBNN Phú Yên đã tổ chức tập huấn và triển khai dịch vụ công trực tuyến tại các huyện, thị xã còn lại. Đến nay, 100% đơn vị dự toán đã tham gia dịch vụ công trực tuyến khi giao dịch với kho bạc (trừ khối an ninh - quốc phòng) và 65% đơn vị thuộc diện không bắt buộc cũng đã tham gia. Với kết quả trên, các đơn vị dự toán gặp nhiều thuận lợi khi giao dịch với kho bạc, đặc biệt là trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kế toán các đơn vị không phải đến kho bạc để nộp hồ sơ mà nộp qua dịch vụ công. Công chức kiểm soát chi của kho bạc xử lý hồ sơ và trả kết quả cho đơn vị theo đúng quy định.
Thứ hai, đa dạng hình thức thu NSNN. KBNN Phú Yên đã ký kết thỏa thuận phối hợp thu NSNN với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh như Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV và MB. Theo đó, KBNN Phú Yên sẽ ủy nhiệm cho các ngân hàng này thực hiện thu NSNN bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản theo đúng quy định. Các ngân hàng sẽ sử dụng tài khoản chuyên thu của KBNN để thu NSNN khi cá nhân và doanh nghiệp nộp thuế và các khoản thu khác tại ngân hàng.
Đến nay, thu NSNN qua ngân hàng chiếm 90% tổng thu trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp trong việc nộp thuế và các khoản thu khác, có thể thực hiện nộp thuế 24/7, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ đồng thời được cơ quan thuế, hải quan xác nhận kết quả giao dịch nộp thuế tức thời và thông quan nhanh chóng, chính xác, an toàn và minh bạch.
Thứ ba, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, KBNN Phú Yên đã đưa ra nhiều giải pháp như tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, công chức kho bạc khi thực hiện công vụ; tuyệt đối không sách nhiễu, nghiêm cấm lợi dụng vị trí công tác để tư lợi cá nhân ảnh hưởng đến công tác kiểm soát chi NSNN và ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường giao dịch qua Cổng dịch vụ công trực tuyến KBNN, đặc biệt là trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; tuân thủ thời gian giải quyết hồ sơ, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả chi NSNN. Hồ sơ, quy trình thủ tục được đơn giản hóa, từng bước chuyển sang thanh toán trước, kiểm soát sau. Thời gian kiểm soát thanh toán chi đầu tư giảm từ 7 ngày xuống còn 3 ngày, chi tạm ứng, thường xuyên thực hiện trong ngày. Xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh, hướng dẫn chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục gửi kho bạc thanh toán. Phối hợp với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện việc xử lý thu hồi số dư tạm ứng của các dự án, đặc biệt là các dự án có số dư tạm ứng kéo dài qua nhiều năm.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực trong cải cách hành chính, nhất là đẩy mạnh giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến, KBNN Phú Yên đã chi trả kịp thời các khoản chi ngân sách cho các đơn vị thụ hưởng, đáp ứng yêu cầu chi tiêu của các đơn vị dự toán, đặc biệt là các yêu cầu chi phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Trong giai đoạn tới đây (2021-2030), hệ thống KBNN chuyển sang một giai đoạn mới, đó là giai đoạn xây dựng kho bạc số. Do đó, KBNN Phú Yên tiếp tục vận động các đơn vị thuộc diện không bắt buộc tham gia dịch vụ công trực tuyến khi giao dịch với kho bạc (trừ khối an ninh - quốc phòng), nâng cao chất lượng dịch vụ công như chất lượng đường truyền, thông báo số dư dự toán qua điện thoại, triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 còn lại (đối chiếu số dư tài khoản hàng tháng, cam kết chi NSNN), tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia và triển khai thanh toán điện tử với hệ thống ngân hàng. |
BÙI VĂN SANG
Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Phú Yên