Đó là giải pháp mà đại diện các doanh nghiệp đề xuất khi đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế tỉnh Phú Yên trong điều kiện mới.
Từ năm 2020, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở các địa phương trên cả nước, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã gặp nhiều khó khăn. Với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và địa phương, đến năm 2021, doanh nghiệp chưa kịp phục hồi thì vấp phải làn sóng dịch COVID-19 thứ tư với biến chủng Delta lây lan nhanh và diễn biến khó lường nên nhiều doanh nghiệp dần rơi vào cảnh kiệt quệ.
Doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng hơn 50%
Các doanh nghiệp cần đồng hành với tỉnh trong việc áp dụng công nghệ thông tin để quản lý tình hình tiêm vắc xin, xét nghiệm của nhân viên đơn vị nhằm đảm bảo an toàn khi sản xuất, kinh doanh. Các sở, ban ngành, địa phương cũng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, triệt để ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp... Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh |
Chịu ảnh hưởng tiêu cực và thiệt hại nặng nề nhất do COVID-19 là các doanh nghiệp ngành vận tải, nhà hàng, dịch vụ lưu trú, du lịch, thương mại... Bà Phạm Thị Bích Ngọc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Khách sạn Zannier Bãi San Hô (TX Sông Cầu) cho hay từ tháng 7/2021, công ty mất doanh thu hoàn toàn. Hiện 121 nhân viên không có việc làm và mỗi tháng công ty phải chịu lỗ khoảng 2 tỉ đồng.
Theo ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phú Yên, không chỉ các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng mà các doanh nghiệp sản xuất cũng bị thiệt hại do phải tạm ngừng sản xuất khi cơ sở có ca F0. Một số doanh nghiệp phải giảm công suất hoạt động. Các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” thì tăng chi phí. Chưa kể, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, việc đi lại gặp nhiều khó khăn làm cước phí vận chuyển tăng, giá nguyên vật liệu cũng tăng cao hơn trước.
Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cho biết: TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận là nơi cung cấp vật tư, phụ tùng, thiết bị chủ yếu để bảo dưỡng máy móc. Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các địa phương này thực hiện giãn cách xã hội nên việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Công ty phải “chạy đua” với thời gian để tìm thiết bị bảo dưỡng phù hợp trước khi vụ ép bắt đầu; chi phí vận chuyển tăng 40-50% so với trước.
Tình hình doanh nghiệp khó khăn phản ánh rõ rệt ở bức tranh tăng trưởng kinh tế Phú Yên 9 tháng đầu năm, khi tốc độ tăng GRDP chậm so với cùng kỳ; thu thuế doanh nghiệp nhà nước địa phương giảm 9,2%, thuế công thương nghiệp dịch vụ ngoài quốc doanh giảm 12,5% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 64% kế hoạch, giảm 9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 1,7%. Doanh nghiệp thành lập mới giảm 31,67%, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng 50,29%, thu hút đầu tư nước ngoài giảm 83,6% so với cùng kỳ. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 3.870 doanh nghiệp hoạt động, với tổng vốn đăng ký hơn 71.824 tỉ đồng.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ doanh nhân Phú Yên Nguyễn Thị Nga cho rằng cần nâng độ phủ vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Ảnh: LÊ HẢO |
Nâng độ phủ vắc xin phòng COVID-19
Trước khó khăn chung của các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ doanh nhân Phú Yên, cho rằng điều cần thiết nhất trong lúc này là nâng độ phủ vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh. “Vắc xin là điều kiện tiên quyết để bảo vệ sức khỏe người dân nói chung, người lao động nói riêng. Có sức khỏe thì mới có thể phát triển kinh tế. Do đó, càng có nhiều người được tiêm vắc xin thì cộng đồng càng an toàn và doanh nghiệp mới yên tâm sản xuất, kinh doanh”, bà Nguyễn Thị Nga nói.
Ông Nguyễn Đình Hậu, Giám đốc Chi nhánh Phú Yên Công ty CP Xe khách Phương Trang cũng kiến nghị tỉnh cần tập trung tiêm chủng cho người dân và có phương án kiểm soát F0 trong cộng đồng thì mới có thể từng bước mở cửa trở lại. Về phần mình, các doanh nghiệp được hoạt động phải nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.
Được biết, hiện công nhân, người lao động tham gia lao động, sản xuất tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh là đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, những người thuộc diện này được tiêm mũi 1 mới đạt tỉ lệ 68% và mũi 2 đạt 22,8%. “Để tạo điều kiện cho người lao động an tâm tham gia sản xuất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sớm phục hồi, cần sớm đảm bảo tỉ lệ người lao động, chuyên gia tham gia sản xuất mũi 1 đạt 100% và từng bước đạt tỉ lệ mũi 2 nhằm đáp ứng yêu cầu mở cửa lại nền kinh tế trong điều kiện dịch COVID-19”, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phú Yên Ngô Đa Thọ đề xuất.
Cũng theo ông Thọ, hiện nay, một số tỉnh phía Nam từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và thí điểm áp dụng “Thẻ xanh/Thẻ vàng COVID” để phân loại đối tượng được cấp phép tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Thiết nghĩ, Phú Yên cũng nên áp dụng mô hình này nhằm tạo điều kiện cho những chuyên gia, người lao động đã tiêm đủ vắc xin đi lại thuận lợi, để doanh nghiệp không thiếu nhân lực, còn người lao động thì có thu nhập. Điều quan trọng nữa là chủ trương, chính sách cần đồng bộ từ trên xuống, tránh tình trạng mỗi nơi có một cách hiểu khác nhau, triển khai khác nhau sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp để thảo luận, lắng nghe ý kiến xây dựng kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế Phú Yên trong điều kiện mới được tổ chức mới đây, đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng dịch COVID-19 bùng phát ở Phú Yên từ ngày 23/6/2021 đã đẩy doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Đây là lúc cần thiết để tính đến việc phục hồi kinh tế, phục hồi sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đồng tình với đề xuất nâng độ phủ vắc xin phòng COVID-19 ở Phú Yên, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Khi vắc xin được phủ với một tỉ lệ nhất định thì việc mở cửa nền kinh tế mới an toàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh lượng vắc xin phân bổ cho tỉnh còn hạn chế, Phú Yên sẽ chọn phương án tập trung vắc xin từng vùng để mở cửa lần lượt. Và tỉnh sẽ luôn ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động để sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phấn đấu tăng GRDP khoảng 1-1,5%
Năm 2021, HĐND tỉnh giao tốc độ tăng trưởng GRDP 7,35%, thu ngân sách 8.635 tỉ đồng. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo dự ước của Tổng cục Thống kê, GRDP của tỉnh năm 2021 chỉ tăng khoảng 0,42% so với cùng kỳ. Để phục vụ chỉ đạo, điều hành nền kinh tế phù hợp trong điều kiện dịch COVID-19, Sở KH-ĐT tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kịch bản 1 là phấn đấu đạt tốc độ tăng GRDP khoảng 1-1,5%, thu ngân sách khoảng 6.400 tỉ đồng và kịch bản 2 GRDP tăng 0,42%, thu ngân sách đạt khoảng 6.000 tỉ đồng.
“Với tình hình hiện nay, công tác phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh bước đầu đạt được những kết quả khả quan, dịch bệnh trên địa bàn từng bước được kiểm soát. Cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để sớm kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng GRDP theo kịch bản 1 điều chỉnh là tăng GRDP khoảng 1-1,5%”, ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KH-ĐT nói. |
LÊ HẢO