TX Đông Hòa đã xây dựng kế hoạch, phương án giải tỏa đến tháng 10/2021 không còn lồng bè nuôi trồng thủy sản tại vịnh Vũng Rô, tuy nhiên đến nay vẫn chưa triển khai được. Các sở, ngành và địa phương đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiến nghị gia hạn thời gian thực hiện.
Phát sinh nhiều bè nuôi
Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh báo cáo, kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét kéo dài thêm thời gian thực hiện việc giải tỏa toàn bộ lồng, bè NTTS ngoài quy hoạch trên địa bàn tỉnh. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN-MT, UBND các huyện, thị xã triển khai việc giao, cho thuê khu vực biển để NTTS cho các hộ dân theo Nghị định 11 ngày 10/2/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng |
Theo Phòng Kinh tế TX Đông Hòa, qua kiểm tra thực tế tại khu vực Vũng Rô, hiện có 380 chủ bè nuôi trồng thủy sản (NTTS) với gần 16.480 ô lồng, tăng so với năm 2019 là 128 chủ bè với 9.257 ô lồng. Nguyên nhân là do số chủ bè nuôi chung nay tách riêng, việc kiểm đếm trước đây có thiếu sót và một số bè nuôi từ địa phương khác kéo đến vào ban đêm nên không kiểm soát được. Hiện địa phương đã gắn biển số cho các bè nuôi để thuận tiện cho công tác theo dõi và xử lý.
Ông Đỗ Tấn Thành, cán bộ Phòng Kinh tế TX Đông Hòa cho biết: Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý việc phát sinh lồng bè NTTS tại Vũng Rô. Trong năm 2020, qua tuần tra, kiểm soát phát hiện 3 bè NTTS từ nơi khác (2 bè ở huyện Tuy An, 1 bè ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) kéo vào khu vực Vũng Rô. Địa phương đã vận động 3 bè trên ra khỏi khu vực, đồng thời xử phạt vi phạm hành chính các tàu lai dắt 3 bè này với số tiền 10 triệu đồng. Từ tháng 8/2021 đến nay, phát hiện 5 bè ở huyện Tuy An kéo vào vịnh Vũng Rô, UBND TX Đông Hòa đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 125 triệu đồng, đồng thời yêu cầu kéo các bè nuôi ra khỏi khu vực.
Theo UBND TX Đông Hòa, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, đến tháng 10/2021 không còn lồng bè NTTS tại vịnh Vũng Rô, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp như thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm phát sinh, tổ chức thống kê, ký cam kết và vận động các chủ bè tự di dời, giải tỏa sau khi hết vụ nuôi. Đồng thời, địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch, phương án giải tỏa, tuy nhiên hiện nay đã đến thời hạn nhưng vẫn chưa triển khai được vì gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Dự kiến, từ tháng 3-5/2022 sẽ thực hiện cưỡng chế các tổ chức, cá nhân có địa chỉ thường trú ngoài TX Đông Hòa; thời gian còn lại thực hiện cưỡng chế các tổ chức cá nhân thường trú tại TX Đông Hòa. UBND tỉnh cần xem xét, gia hạn thời gian và hỗ trợ kinh phí để thực hiện việc cưỡng chế lồng bè NTTS ra khỏi khu vực vịnh Vũng Rô.
Kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Hòa, cho biết: Việc xây dựng phương án cưỡng chế lồng bè NTTS đang gặp khó khăn trong công tác xử lý tài sản (tôm, cá sống...). Số lượng tôm, cá nuôi rất lớn, phân nhiều kích cỡ nên rất khó kiểm tra, kiểm đếm và không có phương tiện trông giữ, bảo quản theo quy định. Vấn đề này, Sở Tư pháp đã có văn bản xin ý kiến nhưng đến nay Bộ Tư pháp vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể và chỉ ghi nhận sẽ kiến nghị với Chính phủ. Mặt khác, nếu tổ chức cưỡng chế bằng hình thức kéo lồng bè NTTS khỏi khu vực Vũng Rô ra biển Đông thì không có vị trí neo đậu, sẽ bị sóng đánh vỡ bè, trôi mất tài sản của người dân. Đa số các hộ dân tại thôn Vũng Rô tham gia NTTS lồng bè, hiện thu nhập chính dựa vào nghề NTTS, không có nghề phụ nào khác nhưng hiện nay chưa chuyển đổi được nghề phù hợp để thay thế. Việc tháo dỡ và di dời lồng bè ra khỏi khu vực Vũng Rô cần một khoản kinh phí lớn, theo dự toán khoảng 10,5 tỉ đồng, trong khi nguồn ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn. UBND TX Đông Hòa kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn quy trình thực hiện cưỡng chế lồng bè NTTS, nhất là xử lý tôm, cá sống; hỗ trợ việc làm cho các hộ thu nhập chính dựa vào nghề NTTS.
Theo Sở NN-PTNT, việc triển khai kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2018 theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến nay đã được các sở, ngành, địa phương quan tâm thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đến hết tháng 10/2021 phải giải tỏa toàn bộ lồng, bè NTTS trên vịnh Vũng Rô là khó hoàn thành. Nguyên nhân là việc giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu vực biển để NTTS cho các hộ dân đủ điều kiện theo các quy định vẫn còn vướng mắc, các địa phương còn chờ vào quy hoạch tỉnh được duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch 2017.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Các quy định về cưỡng chế đối với thủy sản nuôi tại Nghị định 166 ngày 12/11/2013 của Chính phủ và các nghị định về xử lý vi phạm hành chính chưa được sửa đổi phù hợp tình hình thực tế. Do đó, các địa phương gặp vướng mắc, khó khăn trong công tác cưỡng chế, di dời lồng bè vi phạm do không đảm bảo được kinh phí, công cụ, phương tiện kỹ thuật và việc kiểm đếm, trông giữ, bảo quản tài sản như quy định. Việc hỗ trợ các hộ nuôi sau khi sắp xếp, giải tỏa lồng bè đòi hỏi kinh phí rất lớn, trong khi các hộ dân bị giải tỏa đều là nuôi tự phát, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu vực biển, giấy phép để NTTS. Ngoài ra, trong 2 năm qua, nhất là các tháng đầu năm 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, một số công việc các địa phương đã lên kế hoạch nhưng không thể triển khai được vì phải tập trung phòng, chống dịch bệnh. Thời gian tới, Sở NN-PTNT đề nghị địa phương điều tra, thống kê nhu cầu đào tạo nghề để tạo sinh kế mới của các hộ nuôi thủy sản lồng bè bị giải tỏa, tổng hợp đề nghị các sở, ngành liên quan tổ chức đào tạo; Sở NN-PTNT sẽ phối hợp tổ chức đào tạo các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Theo UBND TX Đông Hòa, tại khu vực Vũng Rô hiện có 21 bè nổi kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó tại Bãi Hương 12 bè, Bãi Chùa 4 bè và Bãi Ngà 5 bè. Trước đây, các hộ dân chỉ NTTS, sau đó tự phát chuyển sang bè nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống. Năm 2014, chỉ 1-2 hộ, đến năm 2018 phát triển lên 21 hộ kinh doanh ẩm thực bằng bè nổi. Có 32 phương tiện thủy chuyên chở khách du lịch cho các bè nổi kinh doanh trái phép này. UBND TX Đông Hòa đã xử lý 14 trường hợp vi phạm, trong đó có phạt tiền, cưỡng chế tháo gỡ kết cấu phần trên, nhưng với kết cấu dưới mặt nước thì chưa có biện pháp cưỡng chế. Những năm qua, tình hình quản lý bè nổi kinh doanh ẩm thực còn nhiều hạn chế, chủ yếu là bà con xây dựng tự phát và đào lấn chiếm đất rừng để làm bãi đậu xe và đường giao thông phục vụ đi lại cho du khách. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã giao cho TX Đông Hòa xây dựng phương án và phối hợp với các sở, ngành liên quan sắp xếp, lập quy hoạch chi tiết khu dịch vụ ẩm thực bè nổi liền bờ tại khu vực Vũng Rô.
“TX Đông Hòa đã xây dựng phương án khu du lịch ẩm thực tại Vũng Rô với quy mô diện tích gần 13,3ha, trong đó diện tích đất trên bờ gần 2,6ha, diện tích mặt nước là 10,7ha. Giai đoạn 1, thực hiện trong năm 2020 với diện tích 8,8ha, sắp xếp cho 21 bè nổi có từ năm 2018 trở về trước. Giai đoạn 2, thực hiện phần diện tích còn lại, với điều kiện phải di dời dân đang sinh sống tại Bãi Ngà. Tổng kinh phí thực hiện hơn 51,8 tỉ đồng, trong đó kinh phí từ nguồn ngân sách gần 1,5 tỉ đồng, còn lại là từ các nguồn khác. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hoàn thành quy hoạch chi tiết nên phương án vẫn chưa được phê duyệt”, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Hòa, cho biết. |
ANH NGỌC