Thứ Hai, 13/01/2025 12:32 CH
Y tế, dịch vụ điện tử và vấn đề bảo vệ người tiêu dùng
Thứ Năm, 30/09/2021 07:19 SA

Nhân viên y tế hỗ trợ tư vấn sức khỏe cho người dân. Ảnh: KHANG ANH

Công nghệ, thương mại điện tử phát triển và gần đây, các dịch vụ y tế điện tử bắt đầu được lan tỏa, tác động đến sinh hoạt của người dân, nhất là khi dịch COVID-19 bùng phát. Cũng từ thời điểm này, quyền lợi của người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ y tế điện tử được đặt ra.

 

Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề nói trên, bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, cho biết:

 

- Y tế điện tử là một lĩnh vực kết hợp giữa tin học y tế, y tế công cộng và kinh doanh, đề cập đến các dịch vụ y tế và thông tin được cung cấp hoặc nâng cao thông qua internet cũng như các công nghệ liên quan. Y tế điện tử được biểu hiện qua sự phát triển kỹ thuật, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Khi dịch bùng phát, việc đẩy mạnh các dịch vụ y tế trực tuyến là một trong những cách để hỗ trợ công tác điều trị, quản lý các trường hợp bệnh, tình hình sức khỏe người dân…

 

Bà Tô Thị Hòa

* Thưa bà, các ứng dụng y tế điện tử đang trong quá trình phát triển và được người dân sử dụng rộng rãi. Vậy việc tiếp cận các ứng dụng này mang lại những lợi ích gì cho người dân, các tổ chức, cơ sở y tế?

 

- Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Bộ Y tế đã phát triển một nền tảng giúp triển khai hệ thống khám chữa bệnh từ xa, gồm: tư vấn y tế từ xa; hội chẩn tư vấn khám chữa bệnh, tư vấn chẩn đoán hình ảnh, tư vấn giải phẫu bệnh, phẫu thuật từ xa; đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám chữa bệnh từ xa. Mới đây, hệ thống này đã kết nối với các cơ sở khám chữa bệnh từ xa. Trong nước cũng phát triển rất nhiều ứng dụng hỗ trợ cơ quan y tế, người tiêu dùng trong lĩnh vực kiểm soát bệnh, chăm sóc sức khỏe, điều trị như nền tảng truy vết F0, hệ thống khai báo y tế, Bluezone, Ncovi... Và trong tỉnh, các ứng dụng y tế điện tử cũng đã được phổ biến, giúp các cơ quan y tế trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh, sức khỏe người dân.

 

Ứng dụng y tế điện tử sẽ đem lại lợi ích cho hệ thống y tế, người tiêu dùng và xã hội. Trong đó có các lợi ích như tăng hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe và giảm chi phí; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, giúp người tiêu dùng chủ động lựa chọn dịch vụ; cung cấp cơ sở kiến thức về y học, khuyến khích người dân sử dụng hồ sơ điện tử cá nhân và nhận thức tốt hơn về quyền, lợi ích của mình; tạo mối quan hệ giữa bệnh nhân và chuyên gia y tế, bác sĩ… Bên cạnh đó, y tế điện tử còn giúp mở rộng phạm vi chăm sóc sức khỏe vượt ra ngoài ranh giới của ngành Y tế truyền thống, cho phép người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế trực tuyến từ các nhà cung cấp, dễ cập nhật thông tin về thuốc, dược phẩm, vật tư hay tư vấn các kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe…

 

* Liên quan đến kinh doanh, sử dụng dịch vụ y tế điện tử thì việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện như thế nào, thưa bà?

 

- Việc xây dựng và hướng đến một hệ thống y tế điện tử hoạt động hiệu quả sẽ rất cần thiết trong bối cảnh dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp. Và trong tình hình dịch bệnh bùng phát, các dịch vụ tư vấn, khám bệnh từ xa, trực tuyến cũng bắt đầu hình thành. Các dịch vụ này cho phép người dân hỏi ý kiến bác sĩ qua điện thoại, sử dụng dịch vụ hướng dẫn chăm sóc, tư vấn sức khỏe trực tuyến, chưa kể việc kinh doanh thuốc, vật tư y tế trực tuyến… Bên cạnh những lợi ích thì trong quá trình sử dụng dịch vụ cũng sẽ dễ phát sinh những nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng như vấn đề cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác; chất lượng hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm; lừa đảo, sử dụng trái phép các thông tin cá nhân của người dùng… Với dịch vụ này, công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân rất cần sự phối hợp từ nhiều phía, nhất là các cơ quan, tổ chức y tế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Để nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, các đơn vị, tổ chức tăng cường tiếp nhận và xử lý yêu cầu của người tiêu dùng đối với các vấn đề liên quan, kiểm soát giá, chất lượng dịch vụ y tế, vật tư y tế; xử lý hành vi gian lận thương mại ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của người tiêu dùng, xử lý hành vi cung cấp thông tin và quảng cáo không chính xác, chứa các nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe, sự an toàn của người dân, hay hành vi lừa đảo được lan truyền trong cộng đồng thời kỳ đại dịch trong quá trình cung cấp các dịch vụ y tế.

 

Đối với việc bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng, trước hết, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức khi nhận biết, sử dụng dịch vụ y tế; thận trọng trong trao đổi, cung cấp dữ liệu, thông tin cá nhân. Các cơ quan, tổ chức cần tăng cường tuyên truyền, giám sát các cơ sở, cá nhân kinh doanh thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ.

 

* Xin cảm ơn bà!

 

Các dịch vụ y tế điện tử không chỉ là vấn đề kinh doanh sản phẩm, hàng hóa y tế mà còn liên quan đến đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội. Vậy nên, cùng với việc giám sát, xử lý các vi phạm của doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm pháp lý, cần xây dựng cơ chế khuyến khích động viên các cơ sở thực hiện trách nhiệm đạo đức với người tiêu dùng. Khi có những vấn đề phát sinh liên quan, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh mong muốn nhận được thông tin phản ánh, để có cách hỗ trợ kịp thời, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

KHANG ANH (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek