Nhiều năm gần đây, dịch bệnh trên đàn vật nuôi xảy ra phổ biến, cộng với việc xuất hiện thêm nhiều loại dịch bệnh mới, không có thuốc điều trị nên rủi ro trong chăn nuôi ngày càng cao. Để hạn chế dịch bệnh, người chăn nuôi đang hướng đến chăn nuôi an toàn sinh học.
Giảm rủi ro
Nhiều năm gần đây, mô hình chăn nuôi bò sinh sản theo hướng an toàn sinh học của gia đình bà Nguyễn Thị Kỷ ở xã An Phú (TP Tuy Hòa) đã phát huy tác dụng khi cả đàn bò đều an toàn “bước qua” các loại dịch bệnh nguy hiểm. Bà Kỷ cho biết: Lúc trước gia đình tôi cùng nhiều hộ dân ở đây nuôi bò bán chăn thả. Ban ngày, tôi đưa đàn bò lên các khu đồi, rẫy ăn cỏ tự nhiên, chiều về cắt cỏ cho ăn thêm. Tuy nhiên, khi nuôi theo cách này bò thả chung với nhiều đàn bò khác nên hay nhiễm bệnh, nhất là bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng. Vì vậy, gia đình tôi đã đầu tư xây lại chuồng trại, chuyển đổi 2 sào đất ruộng kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò, đồng thời áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. “Từ khi chuyển sang nuôi bò theo hướng này, được cung cấp đầy đủ khẩu phần ăn, được chủng ngừa, thực hiện vệ sinh chuồng trại hàng ngày…, đàn bò khỏe mạnh và rất ít bị bệnh dịch. Trong các đợt dịch bệnh lở mồm long móng và viêm da nổi cục vừa qua, đàn bò của gia đình tôi vẫn khỏe mạnh bình thường”, bà Kỷ nói.
Trong khi đó, theo ông Phùng Hồng Em, chủ trang trại nuôi heo ở xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu, từ lúc lập trại nuôi heo đến nay, gia đình ông luôn áp dụng mô hình chăn nuôi khép kín an toàn sinh học vào sản xuất. Đây là giải pháp giúp các trang trại chăn nuôi lớn phòng ngừa dịch bệnh, từ đó tăng hiệu quả. Với phương pháp này, trang trại được kiểm soát chặt chẽ từ khâu đầu vào cho đến lúc xuất chuồng. Từ nguồn thức ăn, nước uống, chất thải, người ra vào trại… đều được kiểm soát nên hạn chế được mầm bệnh lây nhiễm vào trại. Trong suốt 5 năm nuôi heo, trại heo gia đình ông luôn thực hiện biện pháp chăn nuôi này và đến nay chưa lứa nào bị dịch bệnh.
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho biết: Là huyện có đàn vật nuôi khá lớn của tỉnh với đàn bò hơn 35.000 con, đàn gia cầm khoảng 300.000 con nên người chăn nuôi rất chú trọng việc phòng ngừa dịch bệnh, trong đó có việc thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con chăn nuôi áp dụng phương pháp này vào sản xuất để giảm rủi ro.
Tăng hiệu quả
Không chỉ giúp giảm dịch bệnh, hạn chế rủi ro mà chăn nuôi an toàn sinh học còn giúp tăng hiệu quả trong sản xuất cho người chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Phụng ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) cho biết: Từ khi thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, toàn bộ đàn bò của gia đình tôi được nuôi nhốt tại chuồng thay vì chăn thả như lúc trước. Nhờ vậy, đàn bò được kiểm soát khẩu phần ăn bài bản, toàn bộ thức ăn thô xanh được ủ chua lên men giúp bò ăn hạn chế tình trạng ợ hơi, khó tiêu nên việc hấp thu dinh dưỡng được tốt hơn. Bò còn được định kỳ xổ giun, bổ sung muối khoáng nên phát triển rất tốt, tỉ lệ tăng trọng nhanh. Nếu như lúc trước mỗi con bê phải nuôi đến 24 tháng mới đủ trọng lượng xuất chuồng, nhưng nay thì chỉ cần nuôi 18 tháng đã bán được, thời gian nuôi rút ngắn được nửa năm để nuôi đàn mới. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.
Theo ông Nguyễn Gian Phúc, chủ trại nuôi gà đàn ở xã An Chấn (huyện Tuy An), từ khi lập trại nuôi gà đến nay, gia đình ông luôn thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học cho trại. Tổng đàn gà tại trại (cả lứa kinh doanh và lứa gối vụ) dao động từ 500-1.000 con tùy từng thời điểm và được chia thành nhiều khu như khu nuôi gà úm, khu nuôi nhốt và sân chạy để gà có không gian vận động, nâng cao chất lượng thịt. Nhờ vậy hơn 10 năm nuôi gà, trại gà của gia đình ông chưa gặp phải dịch bệnh nguy hiểm, chất lượng gà tốt nên luôn được thị trường đón nhận, việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Trong nhiều đợt ảnh hưởng do dịch COVID-19, khá nhiều trại gà đã phải tạm ngừng sản xuất, nhưng gia đình ông Phúc vẫn duy trì được đàn nuôi nhờ gà có chất lượng nên có đầu ra. Ông Phúc cho biết: Cũng nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh nên rủi ro rất thấp, nhờ vậy lợi nhuận từ sản xuất cũng tăng lên. Nếu đầu ra và giá gà ổn định, mỗi lứa nuôi tôi cũng kiếm được vài chục triệu. Còn nay do dịch COVID-19 nên sức tiêu thụ giảm, giá thành cũng giảm nên trại cũng giảm đàn theo, mỗi lứa cho lãi được hơn 10 triệu đồng.
Chăn nuôi an toàn sinh học với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của mầm bệnh từ bên ngoài và tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ở cơ sở chăn nuôi. Trong điều kiện xuất hiện thêm nhiều loại dịch nguy hiểm, chưa có thuốc đặc trị thì việc áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học vào sản xuất sẽ giúp người chăn nuôi kiểm soát tốt dịch bệnh, hạn chế lây nhiễm, giảm rủi ro, thiệt hại, từ đó hiệu quả sản xuất được nâng lên. Hiện nay, chăn nuôi an toàn sinh học là hướng đi bền vững cho ngành Chăn nuôi và đó cũng là định hướng phát triển chăn nuôi của ngành Nông nghiệp Phú Yên.
Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT |
THỦY TIÊN